(BVPL) - Ngày 15/1, VKS Nhân dân Hà Nội đã có bản cáo trạng số 49/ CT- VKS- P1B về vụ “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Theo đó, không ai có hậu quả từ việc xét nghiệm huyêt học trùng, các bệnh nhân nội trú, ngoại trú không ai thắc mắc và khiếu kiện gì đối với việc họ được xét nghiệm, khám và điều trị. Cáo trạng của VKS Hà Nội cũng cho thấy số tiền thu được từ việc nhân bản chỉ là 16.569.000 đồng, khác xa với việc dư luận đồn thổi là hàng tỉ đồng với những hệ lụy khủng khiếp như tố cáo ban đầu của bà Hoàng Thị Nguyệt- nhân viên khoa xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoài Đức.
Sự thực phía sau lời tố “kinh hoàng” của các… người hùng
Cáo trạng của VKS Hà Nội cho hay, ngày 5/6/2013, cơ quan điều tra Hà Nội nhận được đơn tố giác của bà Hoàng Thị Nguyệt- nhân viên khoa xét nghiệm, bà Khuất Thị Định nhân viên khoa sản, bà Phan Thị Nam Đông- nhân viên khoa liên chuyên khoa Bệnh viện đa khoa Hoài Đức tố cáo: “Nguyễn Trí Liêm- Giám đốc bệnh viện để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu máu khác để gắn trả cho nhiều người bệnh. Số lượng người bị lừa rối lên đến hàng nghìn người”.
|
Ông Nguyễn Trí Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. |
Vụ việc này nhanh chóng được loan tải và cho rằng số tiền chiếm được từ việc “nhân bản” này lên đến hàng tỉ đồng, các kết quả “nhân bản” được điều trị cho người bệnh. Những thông tin đồn thổi trên đã gây hoang mang trong dư luận.
Sau khi khởi tố 10 bị can là cán bộ, nhân viên tại bệnh viện để điều tra, kết quả cho thấy trong thời gian từ ngày 1/7/2012 đến ngày 31/5/2013 có 1.544 kết quả xét nghiệm trùng tại bệnh viện. Cơ quan điều tra cũng làm rõ thực tế trong số kết quả xét nghiệm trùng này chỉ có 789 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán bảo hiểm y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) là 16.569.000 đồng. Số tiền này được đưa về bệnh viện và và được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Lời khai của các bị can cho thấy có việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm (mẫu máu) cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác với mục đích là để khoa xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế.
Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành lấy lời khai của trên 500 bệnh nhân nội trú, ngoại trú tại bệnh viện này trong thời gian từ tháng 7/2012 đến 31/5/2013, xác minh các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm huyết học trùng xem hậu quả ra sao. Theo kết quả điều tra thì đã xác định: “Không ai có hậu quả từ việc xét nghiệm huyết học trùng các bệnh nhân nội trú, ngoại trú, không ai thắc mắc, khiếu kiện gì đối với việc họ đã được xét nghiệm, khám và điều trị”.
Thiếu thuyết phục?
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Trí Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức cũng bị liên đới, bị CQĐT khởi tố bị can điều tra về hành vi: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự và bị cơ quan tố tụng cùng cấp truy tố về tội danh trên. Kết luận của cơ quan điều tra cho rằng mặc dù ông Nguyễn Trí Liêm không thừa nhận chỉ đạo tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, nhưng căn cứ vào lời khai của Nguyễn Thị Nhiên- nguyên Phó Giám đốc bệnh viện, Nguyễn Văn Mạnh… nên có căn cứ để kết luận ông Liêm là người chỉ đạo việc tăng cường các xét nghiệm và là người trực tiếp ký duyệt các chứng từ và quyết toán bảo hiểm y tế. Ông Liêm và bà Nhiên là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm của các cán bộ, nhân viên khoa xét nghiệm, gây hậu quả, dư luận xấu trong xã hội. Kết luận điều tra cũng nhận định rằng ông Liêm và bà Nhiên đã hướng dẫn và chỉ đạo cán bộ cấp dưới về cách thức khai báo nhằm đối phó với cơ quan điều tra… từ đó có đủ căn cứ, yếu tố cấu thành tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến kết luận điều tra này, mới đây trong đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng Hà Nội, bị can Nguyễn Trí Liêm khẳng định việc kết luận điều tra nêu: Bác sỹ Nguyễn Thị Nhiên có báo cáo trong cuộc họp giao ban nhưng giám đốc không có biện pháp chấn chỉnh mà còn phổ biến cho các khoa là chữ ký của các kỹ thuật viên tại kết quả xét nghiệm là có giá trị vì bên bảo hiểm vẫn cho thanh toán. Về lời khai này của bà Nhiên, ông Liêm khẳng định là không có căn cứ vì: “Qua các cuộc họp và giao ban hàng ngày, và qua báo cáo các đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra tôi không được nghe bất kỳ ai phản ánh (trước ngày 21/5/2013)”- ông Liêm viết trong đơn khiếu nại. Ông Liêm cũng khẳng định là lời khai của nhân viên Nguyễn Văn Mạnh về việc “lấy kết quả xét nghiệm trùng, không có bệnh phẩm xét nghiệm… tăng thu nhập cho bệnh viện là chủ trương ban giám đốc” là không đúng sự thực và không có căn cứ. Theo ông Liêm thì cá nhân ông không có chủ trương này và cũng không hướng dẫn việc khai báo của bất kỳ ai với cơ quan điều tra.
Tại bản cáo trạng số 49/CT-VKS- P1B của Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội cũng cho biết: “chỉ khi Thanh tra Sở Y tế vào làm việc (ngày 21/5/2013) Nguyễn Trí Liêm mới biết có sai phạm tại khoa xét nghiệm. Trong quá trình làm việc và giao ban, không được nghe phản ánh đối với những sai phạm tại khoa xét nghiệm, không có chỉ đạo với những việc làm sai phạm”.
Ngày 20/1 tìm về nơi ở của ông Nguyễn Trí Liêm, (xóm ngã tư, xã Sơn Đồng, Hoài Đức) ghi nhận người dân ở đây dành nhiều thiện cảm với ông Liêm và khẳng định: “Ông Liêm là nạn nhân của chiêu trò đấu đá nội bộ và cần phải làm rõ động cơ, mục đích của những người tố cáo”. Những người dân ở đây đã cung cấp cho phóng viên bản kiến nghị với hàng trăm chữ ký gửi cơ quan chức năng Hà Nội chia sẻ về tình cảnh của ông Liêm.
Ông Trần Quang Trọng- xóm trưởng xóm ngã tư, nơi ông Liêm sinh sống cho biết vợ chồng ông Liêm vốn có lối sống hòa đồng với xóm làng, luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của địa phương. “Bản chất của vụ việc ở đây người dân đều hiểu và chia sẻ với anh Liêm. Từ ngày xẩy ra sự việc anh Liêm sống trầm hơn, khi có việc phải di chuyển đều báo cáo xóm, chính quyền đầy đủ. Vợ chồng anh ấy là trí thức, có trách nhiệm, lối sống lành mạnh, đùm bọc mọi người”
Thắng Linh
“Các luật sư tại Hà Nội khi được hỏi thì cũng đều có chung quan điểm là cần phải làm rõ khái niệm hậu quả nghiêm trọng bởi vì nếu số tiền bị chiếm đoạt (không tư túi cá nhân) chưa đến 17 triệu đồng, không gây hậu quả về mặt tính mạng con người thì có thể coi là nghiêm trọng hay không thì cần phải làm rõ một cách khách quan nhất. Với ông Liêm, các luật sư cho rằng nếu chỉ dựa vào lời khai của bị can khác là chưa đủ, cần phải có các tài liệu dẫn chứng khác là văn bản thể hiện có sự chỉ đạo, hay đồng tình của lãnh đạo bệnh viện thì mới đảm bảo sự khách quan, chặt chẽ. Nếu nói là “chủ trương của ban giám đốc” thì chủ trương đó được thể hiện ở đâu, văn bản nào? Những vấn đề này cần phải được làm rõ”. |