(BVPL) - Đã vi phạm luật giao thông thì phải chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT. Và đương nhiên, đã là người vi phạm thì không thể rút điện thoại ra ghi hình người đang xử lý lỗi vi phạm của mình. Ấy vậy mà mới đây, tại Hà Nội, đối tượng vi phạm luật giao thông chẳng những quay phim mà còn tung lên mạng xã hội Otofun với những lời lẽ vu khống lực lượng chức năng. Xử lý tình trạng “tự do quá trớn” này như thế nào? Làm sao để ngăn chặn và hạn chế tình trạng chống đối lực lượng đảm bảo ATGT đang có xu hướng gia tăng? Đây thực sự đang là vấn đề đặt ra đối với xã hội cũng như việc xây dựng thói quen sống và làm việc theo pháp luật.
 
Có dấu hiệu chống người thi hành công vụ
 
Chắc chắn, khi rút điện thoại ra quay và đôi co với lực lượng CSGT, chàng thanh niên kia cố tình “thể hiện” mình là kẻ “không sợ”, nắm vững pháp luật đầy mình, còn người sai chính là CSGT(!?) Đây là tâm lý chung vốn đang hình thành và lây lan trong đầu không ít thanh niên mỗi khi bị CSGT dừng phương tiện kiểm tra, xử lý. Phần lớn, họ không nghĩ rằng mình đang gây cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Đó thực sự là một nghịch lý và là một điều hết sức lo ngại đối với một xã hội điều chỉnh các hành vi, quan hệ bằng pháp luật và đạo lý!
 
Cần phải xử lý nghiêm đối tượng ghi hình CSGT khi đang bị xử lý vi phạm
Cần phải xử lý nghiêm đối tượng ghi hình CSGT khi đang bị xử lý vi phạm
 
Trong khi, hoạt động quản lý xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức được thực hiện thông qua hoạt động của các nhân viên của các cơ quan, tổ chức đó. Việc CSGT kiểm tra, dừng đỗ, phương tiện, xử lý vi phạm giao thông là đang thực hiện nhiệm vụ công theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSGT, theo quy định của pháp luật và luật Công an nhân dân 2014, mọi người dân đều có quyền giám sát cán bộ chiến sĩ CAND đang thực thi công vụ nhưng phải bảo đảm an toàn về danh dự, nhân phẩm, nhân thân, danh tính, hình ảnh của cán bộ chiến sĩ CAND.
 
Như vậy, luật cho phép người dân được ghi hình lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, nhưng khi người dân vi phạm đang phải làm việc với lực lượng CSGT để xử lý vi phạm có được ghi hình người thực thi công vụ trong trường hợp này?
 
Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội), việc người vi phạm ghi hình CSGT trong lúc đang bị xử lý vi phạm có dấu hiệu của hành vi chống người thi hành công vụ.
 
Theo đó, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ đang thực hiện nhiệm vụ công.
 
Việc người vi phạm dùng các thiết bị ghi hình lực lượng CSGT trong lúc đang xử lý vi phạm (thực thi công vụ) đã có dấu hiệu cản trở, thiếu hợp tác, không tôn trọng người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ.
 
“Chúng ta cần phải sòng phẳng, cán bộ chiến sĩ CAND, cụ thể ở đây là lực lượng CSGT khi tiếp xúc với người vi phạm đều phải tuân thủ đúng các quy định của điều lệ ngành như trang phục, tác phong chào hỏi… phải theo đúng quy định của ngành. Ngược lại, người vi phạm cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ, chấp hành thực hiện theo yêu cầu, mệnh lệnh từ người xử lý vi phạm. Hành vi lôi điện thoại ra giơ lên quay vào mặt những người đang thực thi công vụ trông rất phản cảm, làm mất đi tính trang nghiêm trong lúc thực hiện công việc. Trong khi, nếu phát hiện CSGT có hành vi không đúng mực, vi phạm quy định, người vi phạm hoàn toàn có thể góp ý với cấp trên và có quyền khiếu nại, tố cáo”, ông Thu phân tích thêm.
 
Vi phạm pháp luật
 
Theo quy định của pháp luật: Các hoạt động giám sát của người dân thông qua ghi hình CBCS CAND khi làm nhiệm vụ bằng các thiết bị có khả năng ghi hình, chụp ảnh khi muốn giải quyết xử lý đều phải áp dụng theo trình tự thủ tục của Luật khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011. Cấm tuyệt đối các hành vi không theo trình tự pháp luật. Mọi người dân sau khi ghi hình phải gửi cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết hay gửi cho các tờ báo chính thống để báo cho cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ. Mọi hình thức ghi hình về CBCS CAND trong lúc đang thực thi công vụ mà không bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền mà tự ý tung lên mạng internet, mạng xã hội hay các mạng truyền thông khác mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền đều được coi là vi phạm pháp luật.
 
Luật không cấm người dân ghi hình lực lượng CSGT, nhưng ngược lại luật cũng quy định rõ về quyền nhân thân của những người bị ghi hình, sử dụng hình ảnh khi chưa được sự đồng ý, cho phép của họ.
 
Cụ thể, theo Điều 31 (Bộ luật Dân sự) quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh..
 
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 25 Bộ luật Dân sự, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại."
 
Rõ ràng, nếu tính chất vụ việc tăng lên mức hình sự người tiến hành ghi hình CBCS CAND hoàn toàn có thể bị xử lý theo Bộ Luật Hình sự tùy theo tính chất mức độ và hành vi.
 
“Đừng để dân chủ quá trớn”
 
Thời gian qua, đã xuất hiện không ít các Clip tố cáo, bôi nhọ lực lượng CSGT do người vi phạm quay lại, đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chưa thấy trường hợp nào bị xử lý. Đây chính là nguyên nhân bùng phát tình trạng: người vi phạm khi làm việc với lực lượng CSGT đang ngày càng “được đà lấn tới”; coi thường; thậm chí hành hung CSGT.
 
Rõ ràng, đang có sự xem nhẹ tính chất của hành vi trên của cả người vi phạm lẫn chính lực lượng chức năng. Và hệ quả thì sao? Nó đã trở thành một hiện tượng rất bất thường, dung dưỡng cho mầm mống chống đối lực lượng CSGT, lực lượng chức năng và rộng hơn là chống đối các quy định pháp luật, chuẩn mực xã hội. Đó là điều quá nguy hiểm!
 
Thực tế trong nhiều trường hợp cho thấy, lẽ ra nếu lực lượng CSGT cần phải cương quyết hơn, yêu cầu và mời về trụ sở CA nơi gần nhất để làm việc, mà người vi phạm không thực hiện thì cần phải cưỡng chế, lập biên bản vi phạm để xử lý theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Xử lý nghiêm, kiên quyết không chỉ ngăn cản “những cái đầu nóng” mà còn đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.Vì thế, không thể chấp nhận kiểu ứng xử coi thường pháp luật giữa chốn đông người, rêu rao, vu khống lực lượng chức năng trên mạng xã hội như đã diễn ra trong thời gian vừa qua.
 
Khang Vinh