Thông thường trong các mối quan hệ giao dịch với ngân hàng, người vay tiền phải có tài sản thế chấp để đảm bảo số tiền vay khi vi phạm hợp đồng.

 


Sập bẫy vì “giao trứng cho ác”

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng khi nhắc đến ông Trần Minh Tuấn (SN 1981), giám đốc Công ty Thép Tuấn có trụ sở bề thế tọa lạc ở số 68 - 70, đường 19/4, phường Xuân An thì không ai mà không biết. Với cái “mác” là “thiếu gia” – con trai của một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh về vật liệu xây dựng nổi tiếng ở thành phố Phan Thiết, ông Tuấn được xem như là một doanh nhân trẻ thành đạt thuộc thế hệ 8X. Thế nhưng không hiểu việc kinh doanh về sắt thép lời lãi thế nào mà thời gian gần đây, bằng tài “khua môi múa mép”, ông giám đốc trẻ này còn “lấn sân” sang lĩnh vực… cho vay tiền.

Theo hồ sơ vụ án, do nắm bắt được nhu cầu vay vốn của những người dân nhưng vướng phải các thủ tục do ngân hàng quy định, Trần Minh Tuấn tìm mọi cách phô trương, giới thiệu là Công ty Thép Tuấn do mình làm giám đốc có khả năng cho vay với thủ tục nhanh gọn đến bất ngờ. Tuy nhiên điều kiện kèm theo là phải có tài sản thế chấp để đảm bảo. Vì nhu cầu cần vốn cấp thiết và không tìm hiểu khi giao dịch mà một số người dân đã “bút sa, gà chết”.

Khoảng giữa năm 2009, do chồng bị bệnh trong giai đoạn thập tử nhất sinh nhưng không có tiền chạy chữa, bà Nguyễn Thị Sang và con gái là Lê Thị Tuyết Mai ở số 73 Võ Hữu, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết đã đồng ý giao toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà số 460104 cho Trần Minh Tuấn, để vay công ty này số tiền hơn 100 triệu đồng. Không biết bằng lời ngon ngọt thế nào mà sau đó Tuấn đã nói được bà Sang và con gái ra Phòng công chứng số 1 ký hợp đồng bảo lãnh, để công ty Thép Tuấn vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bình Thuận (viết tắt là BIDV) số tiền 870 triệu đồng. Theo lời bà Sang thì khi ra công chứng, vì gần hết giờ làm việc và phải ký quá nhiều nên bà hoàn toàn không biết đó là hợp đồng ký bảo lãnh cho Công ty Thép Tuấn vay tiền ngân hàng. Chỉ đến đầu năm 2014, khi BIDV Bình Thuận khởi kiện mẹ con bà ra tòa với số tiền gốc và lãi trên 1 tỷ đồng thì bà Sang gần như ngất xỉu. Qua đối chất tại cơ quan thi hành án, thì bà Sang chỉ thừa nhận trong số tiền 870 triệu đồng mà Công ty Thép Tuấn đã vay, bà chỉ nhận (rất nhiều lần) khoảng 320 triệu đồng từ ông Tuấn.

 Tương tự, ông Trần Minh Tuấn đã “gài bẫy” bà Nguyễn Thị Hạnh ở số B3 - Khu tập thể cây keo, phường Phú Thủy thế chấp toàn bộ tài sản để bảo lãnh cho công ty Thép Tuấn vay tiền với số tiền gốc và lãi khi bị BIDV khởi kiện là 391 triệu đồng; ông Mai Trường Vũ ở khu phố 6, Phú Thủy bị nợ với số tiền gốc và lãi là 1,7 tỷ đồng; ông Lê Thanh Tuấn ở số 186 Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy bị nợ với tiền gốc và lãi là 9,1 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Hội ở khu phố 1, phường Hưng Long bị nợ với tiền gốc và lãi là 460 triệu đồng.

Trong số các nạn nhân nói trên thì hiện ông Mai Trường Vũ và bà Nguyễn Thị Hạnh nhờ gây áp lực nên gia đình ông Tuấn đã tìm cách giải quyết xong. Riêng bà Nguyễn Thị Hội vì quá lo sợ nên đã cắn răng bán nhà để trả nợ thay cho Công ty Thép Tuấn hơn 350 triệu/456 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thụ lý giải quyết về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có dân sự hóa một vụ án hình sự ?

Trong quá trình điều tra tìm hiểu, chúng tôi được biết mặc dù vụ án đã được Tòa án nhân dân TP Phan Thiết giải quyết xong bằng bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại số 03/ KDTM-ST ngày 28/4/2014 buộc Công ty Thép Tuấn do ông Trần Minh Tuấn làm giám đốc và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Sang ở số 73 Võ Hữu, ông Lê Thanh Tuấn ở số 186 Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy phải có trách nhiệm trả nợ cho BIDV Bình Thuận số tiền gần 11 tỷ đồng. Vấn đề ở đây là nếu các bên không có hướng giải quyết, thì sắp tới đây cơ quan thi hành án sẽ phải kê biên, phát mãi tài sản là 2 căn nhà và đất của bà Nguyễn Thị Sang và ông Lê Thanh Tuấn để xử lý nợ, trong khi cả hai thừa nhận chỉ có hưởng lợi 1/3 trên tổng số tiền mà Công ty Thép Tuấn đã vay.

Điều mà dư luận thắc mắc phải chăng các cơ quan chức năng đã cố tình dân sự hóa một vụ án có dấu hiệu hình sự, bởi hầu hết các nạn nhân trong vụ án này đều thừa nhận họ chỉ có vay tiền của công ty Thép Tuấn (có giấy vay tiền) mà hoàn toàn không hề hay biết tài sản của họ đã bị công ty này đem cầm cố tại BIDV Bình Thuận với vai trò đứng ra bảo lãnh. Rõ ràng đây là hành vi có dấu hiệu: lạm dụng tín nhiệm… hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trần Minh Tuấn.

Được biết, toàn bộ tài sản mà Công ty Thép Tuấn đã thế chấp tại ngân hàng trước đây hiện đã được tất toán và chuyển giao cho người khác đứng tên sở hữu. Hành vi này cũng có thể được xem là tẩu tán tài sản hoặc cố tình không thi hành án nếu xét thấy có cơ sở…

 

Theo Báo Bình Thuận

.