Ngày 7/9/2015,TANDTC đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 17/KDTM – PT, do có kháng cáo của nguyên đơn. Sau khi xem xét các chứng cứ và xét hỏi, tranh tụng công khai, TANDTC ra phán quyết: Bác bỏ yêu cầu của ông Kim Heung Soo – Đại diện cho cty TNHH Đại Quang Maika. Buộc cty TNHH Đại Quang Maika phải di dời máy móc nhà xưởng, trả lại mặt bằng cho cty TNHH May Maika.
 
Tuy nhiên, cho đến nay bản án vẫn chưa được ông Kim Heung Soo và cty TNHH Đại Quang Maika thi hành. Vấn đề đặt ra ở đây chính là hiệu lực, tính tôn nghiêm của bản án đã có hiệu lực nhưng không được thi hành. Công luận đề nghị cơ quan thi hành án cần khẩn trương vào cuộc.
 
Tóm tắt vụ án
 
Ngày 14/9/1993, ông Hàn Phúc Sinh và bà Dương Thị Mai Khanh – chủ DNTN Maika – ký hợp đồng mua bán căn nhà số 45 Tân Kỳ Tân Quý, (ấp 3, xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh- nay là quận Bình Tân-) với ông Nguyễn Văn Liêu, diện tích nhà 659m2, cộng với khuôn viên đất khoảng 6.500m2 với giá 480 lượng vàng, 2 bên đã thanh toán tiền xong.
 
Đồng thời vào ngày 15/12/1993, ông Hàn Phúc Sinh và bà Dương Thị Mai Khanh tiếp tục ký thêm hợp đồng chuyển nhượng tại sản, quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Văn Liêu diện tích 5.000m2 đất nông nghiệp với giá 170.000đ/m2, thành tiền là 850.000.000đ. (Nhưng thực tế khi đo đạc quyết toán trả tiền là 5.841m2 với giá trị là 993.000.000đ). Dẫn đến tổng diện tích mà ông Sinh và bà Khanh mua là 11.584m2. Việc mua bán này được ông Sinh, bà Khanh và ông Liêu thực hiện theo đúng với pháp luật hiện hành lúc bấy giờ. Ngày 22/12/1993, ông Sinh và bà Khanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất.
 
Ngày 6/1/1994, ông Sinh ký tiếp hợp đồng xây dựng với ông Nguyễn Văn Liêu, theo đó công trình nhà xưởng phải hoàn thành các hạng mục chính vào ngày 21/3/1994 với giá dự toán là 1.947.691.000đ. Ngày 19/1/1994, ông Liêu làm gộp giấy chuyển nhượng 2 tài sản trên cho ông Sinh và bà Mai Khanh (toàn bộ đất 45 và một phần diện tích 45B) với diện tích 8.940m2 có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Ngày 15/7/2010, UBND TP. HCM cấp giấy CNQSDĐ, QSDNO và quyết định số 3127 cho XNTN Maika do ông Sinh làm chủ đại diện cho các thừa kế.
 
Năm 1999, bà Khanh mất. Năm 2011, ông Sinh cũng mất. Ông Hàn Khải Trí và những người thừa kế đã chuyển đổi DNTN Maika thành cty TNHH May Maika như hiện nay.
 
Xe xuất nhập hàng hóa vẫn ra vào cty TNHH Đại Quang Maika
Xe xuất nhập hàng hóa vẫn ra vào cty TNHH Đại Quang Maika
 
Năm 23/5/2014, ông Kim Heung Soo khởi kiện cty TNHH May Maika yêu cầu Tòa án hủy quyết định số 3127/QĐ –UBND và giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất vào sổ số CT 02434 của UBND TP. HCM cấp cho DNTN Maika, thay vào đó là công nhận các quyền sở hữu trên thuộc cty Đại Quang Maika. Đồng thời, ngày 25/9/2014, cty Đại Quang Maika có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án buộc cty Maika phải bồi thường cho cty Đại Quang Maika số tiền thiệt hại là 9.530.027.781 đồng.
 
Ông Kim Heung Soo cho rằng: Năm 1993, cty Dea Kwang Trading Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại Việt Nam, ngành nghề kinh doanh là xuất khẩu hàng may mặc, vào thời điểm đó ông Kim Heung Soo là tổng giám đốc cty Dea Kwang Trading Corporation. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp nước ngoài nếu muốn kinh doanh tại Việt Nam thì phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, ông Kim đã chuyển 431.950USD vào Việt Nam, ông Kim nhờ ông Sinh và bà Khanh đứng tên mua đất xây dựng nhà xưởng làm cơ sở sản xuất. Mỗi lần nhận tiền, ông Sinh và bà Khanh đều có ký giấy nhận, và dùng số tiền trên để mua nhà đất số 45 đường Tân Quý. Ngày 26/3/1994, DNTN Maika và cty Dea Kwang liên doanh với nhau được cấp phép đầu tư với tên gọi là cty TNHH Đại Quang Maika.
 
Năm 2004, cty Dea Kwang giải thể, những thành viên cổ đông của cty này giao toàn quyền quyết định cho ông Kim về tiền và tài sản đầu tư cho liên doanh. Ông Kim cho rằng, ngày 18/3/2013, ông Hàn Khải Trí gởi thông báo là không hợp tác liên doanh nữa, trong khi đó từ ngày 31/3/2014 thì cty hết hạn giấy phép đầu tư. Việc làm này của ông Hàn Khải Trí – Đại diện DNTN Maika, nay là Cty TNHH May Maika đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động và uy tín của Đại Quang Maika. Vì thực chất toàn bộ số tiền đầu tư mua đất và xây cất nhà xưởng là tiền của Dea Kwang, bản thân DN Maika không có khoản tiền nào đầu tư vào Đại Quang Maika.
 
Ngày 05/02/2015, TAND TP. HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất vào sổ số CT 02434 ngày 28/9/2010 thuộc quyền sở hữu của cty TNHH Đại Quang Maika. Tuy nhiên, vì bản án có nhiều sai sót, chưa đúng với thực tế khách quan của sự việc, sai lệch bản chất của vụ án, nên các phía nguyên đơn, bị đơn và người có quyền đều có đơn kháng cáo lên TANDTC tại TP. HCM, yêu cầu xem xét lại vụ án.
 
Yêu cầu của Đại Quang Maika là hoàn toàn vô lý
 
Ngày 7/9/2015, TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
 
Theo các tài liệu, chứng cứ cũng như lời khai của hai phía nguyên đơn và bị đơn cho thấy, tòa đã chỉ rõ: Ngày 11/9/1993, ông Hàn Phúc Sinh ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng với Cty TNHH TM Dea Kwang (với điều kiện cty Dea Kwang được cấp giấy phép đầu tư tại Việt Nam, đủ điều kiện đó thì hợp đồng mới có hiệu lực).
 
Ngày 19/1/1994, vợ chồng ông Sinh được cấp giấy CNQSDĐ nên ngày 21/01/1994, hai bên mới ký hợp đồng liên doanh. Ngày 26/3/1994, Liên doanh được cấp giấy phép đầu tư. Như vậy, hai hợp đồng thuê nhà xưởng và hợp đồng liên doanh có mối quan hệ ràng buộc nhau về pháp lý. Theo Hợp đồng thuê nhà xưởng nếu thanh toán nhiều lần thì những năm sau phải tăng giá 15%, do đó hai bên đã chọn hình thức thanh toán 1 lần là 412.802USD. Đây là số tiền tương đương với giá thuê theo hợp đồng với diện tích 2.139,1m2 nhà xưởng trong thời hạn 20 năm.
 
Về hợp đồng liên doanh, cty Dea Kwang và DNTN May Maika ký liên doanh cho ra đời cty có tên gọi: cty TNHH Đại Quang Maika. Công ty này được UBNN về hợp tác đầu tư cấp giấy phép số 830/GP ngày 26/3/1994 với thời gian hoạt động là 20 năm. Theo đó, bên nước ngoài góp vốn 70% bằng 800.000USD. DNTN May Maika góp 30%, tương đương 350.000USD bằng giá trị nhà xưởng, công trình xây dựng hiện có.
 
Thêm vào đó, việc mua bán đất đai, giao dịch thanh toán, xin cấp Giấy CNQSDĐ và QSDNO lúc bấy giờ đều do ông Sinh và bà Mai tham gia thực hiện. Pháp luật Việt Nam trong giai đoạn này cũng không cho phép người nước ngoài mua đất tại Việt Nam. Mọi hành vi đứng tên dùm để mua nhà đất cho người hoặc doanh nghiệp nước ngoài đều là bất hợp pháp.
 
Xét các yếu tố trên, năm 2014 khi hợp đồng liên doanh kết thúc, DNTN May Maika – chủ tài sản đất và khung nhà xưởng – có quyền yêu cầu Cty TNHH Đại Quang Maika di dời máy móc thiết bị, trả lại cho cty May Maika khung nhà xưởng đã cho Đại Quang Maika thuê là hoàn toàn có cơ sở và đúng với pháp luật.
 
Bên trong cty Đại Quang Maika, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra, không hề cho thấy động thái sẽ di dời, trả mặt bằng lại cho cty TNHH Maika.
Bên trong cty Đại Quang Maika, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra, không hề cho thấy động thái sẽ di dời, trả mặt bằng lại cho cty TNHH Maika.
 
Tại bản án phúc thẩm số 30/2015/KDTM – PT, ngày 07/9/2015 của TAND tại TP. HCM đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Kim Heung Soo và cty TNHH Đại Quang Maika. Chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của ông Hàn Khải Trí, cty TNHH May Maika và những người có liên quan. Sửa lại một phần bản án sơ thẩm số 131/2015/KDTMST ngày 5/2/2015 của Tòa án nhân dân TP. HCM.
 
Tuyên bố hợp đồng cho thuê nhà máy ký giữa ông Hàn Phúc Sinh và Dea Kwang ký ngày 11/9/1993, hợp đồng liên doanh thành lập Cty TNHH Đại Quang Maika ký giữa DNTN Maika và cty Dea Kwang ngày 21/1/1994 là hợp pháp không vô hiệu.
 
Đồng thời công nhận toàn bộ diện tích đất 7.430m2 thuộc thửa đất 40m, tờ bản đồ số 172 tại số 45 Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. HCM là của doanh nghiệp tư nhân Maika do ông Hàn Phúc Sinh làm chủ. Buộc cty TNHH Đại Quang Maika và ông Kim Heung Soo di dời máy móc nhà xưởng ra khỏi địa chỉ trên, trả lại mặt bằng có diện tích 4.788,8m2 đất cho cty TNHH May Maika. Tại đây, Tòa cũng bác yêu cầu của ông Kim Heang Soo và cty TNHH Đại Quang Maika đòi cty TNHH May Maika phải bồi thường cho cty TNHH Đại Quang Maika số tiền thiệt hại là 9.530.029.781 đồng.
 
Nguy cơ “thối án”
 
Mặc dù bản án đã có hiệu lực nhưng cho đến nay phía cty TNHH Đại Quang Maika vẫn không chịu di dời máy móc, trả lại diện tích đất và khung nhà xưởng cho cty TNHH May Maika. Đại diện cty TNHH May Maika cho biết: “Phía cty đã hoàn thành xong các thủ tục, chuẩn bị gửi đơn lên Chi cục thi hành án dân sự quận Bình Tân yêu cầu thi hành án.. Bởi cho đến nay, phía Đại Quang Maika chưa hề có động thái gì cho thấy sẽ tự nguyện thực hiện theo bản án”.
 
Thiết nghĩ, động thái “im hơi lặng tiếng” của Đại Quang Maika là đang cố tình chiếm giữ đất của cty May Maika, không hề xem trọng bản án Tòa phúc thẩm đã tuyên cũng như không tôn trọng pháp luật Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, sau khi tiếp nhận đơn của cty May Maika, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có các biện pháp yêu cầu cưỡng chế đối với phía Đại Quang Maika, để công bằng pháp luật được thực thi.
 
Theo Hạ Duyên
Báo Công luận