(BVPL) - Ông  Hoàng Thanh Dũng trú tại thôn Nam Tiến, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) gửi đơn đến báo Bảo vệ Pháp luật phản ánh: 

 
“Khoảng 15 giờ ngày 09/8/2013, vợ ông Dũng là bà  Lộc Thị Bầu đi làm cỏ ruộng tại xứ đồng Nà Rặc, thôn Nam Tiến, cùng  thời gian đó có bà Nông Thị Khuyên vợ của Hoàng Văn Trình là anh em con chú của ông Dũng (người cùng thôn) cũng đang làm cỏ lúa. Khoảng 17 giờ, bà Khuyên tháo nước vào ruộng nhà mình, bà Bầu nói: “Chị lấy đủ nước thôi, không nước tràn xuống ruộng nhà tôi trôi hết phân của tôi mới vãi hôm qua”. (ruộng của gia đình ông Dũng và bà Khuyên cùng một thửa được tách ra làm hai, có bức tường bê tông ngăn cách). Bà Khuyên và bà Bầu xảy ra mâu thuẫn gay gắt dẫn đến xô xát giữa hai người, bà Khuyên túm tóc bà Bầu đè đầu bà Bầu  xuống ruộng, lúc đó có bà Hoàng Thị Oanh (người cùng thôn) nhìn thấy vào can ngăn hai người nhưng không được. Ông Hoàng Văn Píu, nhà cách chỗ xô xát khoảng 30 mét liền hô hoán mọi người. Ông  Hoàng Văn Đạo (là anh trai ông Dũng) nghe tiếng hô hoán đã đến hiện trường, bà Khuyên buông bà Bầu ra và đi vào ruộng của mình đứng. Cùng lúc đó, ông Hoàng Văn Trình (chồng của bà Khuyên) xuất hiện, trên tay cầm một con dao nhọn có cán dài khoảng 50 cm xuống nơi xảy ra xô xát chửi bới gia đình ông Dũng, doạ sẽ giết hết cả gia đình ông Dũng. Trước tình thế nguy cấp, ông Dũng liền gọi điện cho ông Trưởng thôn Hoàng Văn Tuấn và ông Hoàng Văn Qué là công an viên đến giải quyết vụ việc. Khoảng 15 phút sau, Trưởng thôn và công an viên mới có mặt. Gia đình ông Dũng yêu cầu trưởng thôn cùng công an viên lập biên bản sự việc nhưng hai vị cán bộ thôn cho rằng “thôn không  giải quyết được”, sau đó bà Bầu yêu cầu gọi cho công an xã đến giải quyết vụ việc, khoảng vài phút sau ông Qué cho biết “Công an xã cũng đang bận để mai hãy giải quyết”, thấy vậy ông Trưởng thôn lại gọi cho công an xã và công an huyện (số điện thoại trực ban) để yêu cầu công an huyện đến giải quyết nhưng đều bị từ chối. Khoảng 19 giờ, thấy không có ai đến giải quyết nên gia đình ông Trình càng trở nên hung hăng, chửi bới thách thức gia đình ông Dũng, lúc này ông Hoàng Văn Con (là bố đẻ của Hoàng Văn Trình) cũng có mặt ở đó cùng tham gia. Ông Trình đã cầm gậy đánh ông Dũng, ông Dũng dùng gậy tự vệ lại, không ai bị thương. Ngay lúc đó bà Khuyên dùng dao nhọn đâm từ phía sau ông Dũng và gây chấn thương phần mềm, bà Khuyên trực tiếp dùng dao bổ vào đầu ông Dũng, ông Dũng né tránh và tước được dao của bà Khuyên, thấy vậy bà Khuyên kêu to “nó lấy được dao nhọn rồi”. Trình liền bỏ chạy vào phần ruộng của mình đứng, ngay lúc đó ông Hoàng Văn Con đã dùng gậy đánh vào cằm, vào tay anh Hoàng Văn Đạo (người nhà ông Dũng) làm anh Đạo bị thương, anh Đạo liền phản kháng lại hai lần vung gậy đánh vào ông Con khiến ông Con bị thương phải đi cấp cứu. Sự việc trên xảy ra được 8 tháng sau thì anh Hoàng Văn Đạo bị bắt tạm giam về tội “cố ý gây thương tích” vì đã  gây cho ông Hoàng Văn Con bị tổn hại 40% sức khỏe. 
 
Ảnh: Ông Hoàng Thanh Dũng
Ảnh: Ông Hoàng Thanh Dũng
 
Đáng chú ý, trong đơn ông Hoàng Thanh Dũng cho biết: “Vào ngày 06/4/2010, do mâu thuẫn nên anh Hoàng Văn Đạo đã bị Hoàng Văn Trình dùng dao chém vào đầu, đâm vào đùi gây tổn hại sức khỏe tới 21%, anh Đạo cũng phải nhập viện cấp cứu, nhưng không hiểu vì sao Công an huyện Bình Gia lại không ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “cố ý gây thương tích”. Bản kết luận điều tra số 10/KLĐT ngày 8/11/2010 của Công an  huyện Bình Gia cho rằng: “Không khởi tố vụ án hình sự vụ đánh nhau gây thương tích giữa anh Đạo và ông Trình là do ông Trình dùng hung khí gây tổn hại 21% cho anh Đạo là do phòng vệ quá giới hạn, theo đó công an huyện căn cứ vào Khoản 2, Điều 107, Bộ luật TTHS và không khởi tố vụ án”. Chính vì không được giải quyết thỏa đáng theo quy định pháp luật trong vụ việc anh Đạo bị chém ngày 6-4-2010, và không được bồi thường gì nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra gần đây là anh Đạo vì quá bức xúc đã đánh ông Con làm tổn hại sức khỏe 40% và bị bắt giam.
 
Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Chưa bàn tới hành vi mà ông Trình đã thực hiện với ông Đạo có phải là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì việc cho rằng hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi không cấu thành tội phạm là không đúng với quy định của pháp luật bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 BLHS thì: 
“Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả  rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại” và “Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.
 
Như vậy, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ là hành vi phạm tội, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, việc áp dụng pháp luật như trên của cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Gia là khiên cưỡng, hoàn toàn không đúng với quy định của pháp luật”. 
 
Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị các cơ quan tố tụng huyện Bình Gia cần xem xét và giải quyết các vụ việc trên theo đúng quy định pháp luật để tránh xảy ra tình trạng án oan, án sai. Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin về vụ việc này khi có thông tin mới. 
 
Hữu Hoa
 
Điều 104 Bộ luật hình sự quy định:
 
“ Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;…”.