(BVPL) - Báo BVPL số 27 ra ngày 04/4 có bài “SCTV có kinh doanh trái luật”. Sau khi báo phát hành đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả và các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực này. Dư luận đặt nhiều quan tâm về vai trò của Thanh tra Sở TTTT Hà Nội trong quản lý nhà nước cũng như hành vi kinh doanh của SCTV.    

Ai đấu trộm TV?      

Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông (TTTT) Hà Nội về vấn đề này. Ông Minh cho biết: “Từ năm 2011 tới nay, SCTV có liên kết với một đơn vị truyền hình cáp khác để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog trên một số địa bàn ở Hà Nội. Còn việc SCTV có cung cấp dịch vụ sai phép như tố cáo hay không, phải đợi có kết luận chính thức của Thanh tra. Việc xác minh khá phức tạp, cần nhiều thời gian, hiện nay công tác thanh kiểm tra vẫn đang được tiến hành, khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ công bố cho báo chí”. Sau khi nắm được thông tin vừa có cuộc thanh tra do 2 cán bộ Sở kết hợp với cán bộ kĩ thuật của Công ty TNHH Sao Đỏ, phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Kỳ Thành – Giám đốc Công ty Sao Đỏ về việc này. Ông Thành cho biết: Tại nhà của khách hàng (đã cưỡng chế cắt thuê bao VCTV chuyển sang SCTV), cán bộ kỹ thuật Công ty Sao Đỏ đã liên hệ với chủ nhà xin cho vào xem và chứng minh rõ với 2 cán bộ Thanh tra Sở gia đình chỉ có một đầu giải mã tín hiệu (STB) nhưng cả 3 TV đều xem bình thường, mỗi TV cùng một lúc xem một kênh khác nhau. Cán bộ kĩ thuật còn chỉ rõ dải tần đang chạy trên các TV  thứ 2, thứ 3 là analog. Nhưng điều đáng thất vọng là phát biểu của hai cán bộ thanh tra khi họ cho rằng, “việc này rất khó chứng minh đây là do khách hàng tự đấu hay là nhân viên SCTV đấu???”. Ông Thành bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu họ thanh tra kiểu gì? Tại sao lại chuyển hướng sang việc buộc tội khách hàng tự đấu? Nếu SCTV không cung cấp tín hiệu analog thì việc ai đấu TV có còn quan trọng không?”. Thực tế cho thấy, phản ánh của ông Thành là hoàn toàn đúng vì Sở TTTT cần xác định SCTV có kinh doanh đúng với giấy phép không (Giấy phép số 189/GP-BTTTT ngày 20/1/2012 quy định SCTV không được phát tín hiệu analog) chứ không phải là xác định những chuyện “râu ria” rồi kêu khó như vậy? Có lẽ việc xác định “ai đấu TV” là quá khó khăn cho Thanh tra Sở (Hà Nội hiện nay có khoảng 600,000 thuê bao truyền hình cáp) nên sự việc đã qua gần nửa năm mà vẫn chưa có kết quả thanh tra. Rõ ràng, đây là một việc làm “mua dây buộc mình”, “chọn khó bỏ dễ” rất kì lạ của Thanh tra Sở TTTT. Lẽ ra, thay vì vất vả, tốn thời gian, lãng phí sức lao động của Thanh tra viên đi đến từng hộ dân kiểm tra xem “ai đấu trộm TV” (SCTV có hơn 200,000 thuê bao) thì Thanh tra Sở chỉ cần đến SCTV kiểm tra “Tổng khống chế tín hiệu” là xong. Phần kết của cuộc thanh tra này là 2 Thanh tra viên vội vàng ra về và “quên” không lập Biên bản làm việc khiến cho Công ty TNHH Điện tử Sao Đỏ thêm bức xúc. Chưa biết đến bao giờ mới có kết luận thanh tra, trong khi đó, SCTV đang tung ra hàng loạt chiêu khuyến mại cho người dân ở quận Long Biên và Hai Bà Trưng và công nhiên “cướp” khách hàng của VCTV và HCATV. Vị Giám đốc Công ty Sao Đỏ còn hỏi ngược lại: “Nếu nhà bạn được cấp đầu STB miễn phí, giá tiền thuê bao bằng một nửa hiện nay, xem bao nhiêu TV cũng được, nhiều kênh HD, bạn có chuyển sang SCTV không?”. Cố tình kinh doanh không giấy phép, phạm luật, hạ gục đối thủ bằng giá sản phẩm, bất chấp cơ quan chủ quản cùng dư luận, hành vi đó rất khó chấp nhận trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.

“Bịt tai trộm chuông”  

Được biết, SCTV chính là “anh cả” của ngành kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền (chiếm 40% thị phần cả nước) với 10 năm kinh nghiệm. Họ chính là một trong những thành viên sáng lập nên Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam với tôn chỉ là các Doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ, cùng nhau phát triển. Nhưng có vẻ như SCTV chưa có uy tín cao lắm trong mắt các doanh nghiệp cùng ngành nghề này. Cách đây 4 năm, Sở TTTT Đà Nẵng đã phạt SCTV số tiền 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng thời kì đó cho biết, mặc dù chưa có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng từ tháng 12/2009, SCTV đã tự ý triển khai lắp đặt phòng máy, kéo cáp quang để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (THC) đến nhiều khách sạn lớn trên địa bàn. Trong đó, có các khách sạn Furama, Hồng Kông, Lâm Hùng, Liên Thành… Số tiền phạt tuy nhỏ nhưng rõ ràng, nó là một “vết sẹo tư cách” khó xóa của SCTV. Rõ ràng, Sở TTTT Đà Nẵng đã làm rất tốt vai trò của mình, lập tức xử lý SCTV ngay khi có biểu hiện vi phạm, qua đó lập lại trật tự trong ngành kinh doanh này trên địa bàn. Nếu lưu ý, chúng ta không khó nhận thấy là nó khá giống với trường hợp SCTV đang tiến hành tại Hà Nội, “tiền trảm hậu tấu” làm ẩu, cố tình vi phạm luật, coi thường cơ quan chủ quản, các thành viên khác của Hiệp hội, rồi nhận một án phạt kiểu “giơ cao đánh khẽ”, chả thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được.

Đề nghị các cơ chức năng sớm vào cuộc điều tra vụ việc, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, để cho người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng, đúng luật và tương xứng với số tiền họ đã bỏ ra. Đừng để dư luận phải hiểu sai rằng ngày nay có nhiều người cùng bịt tai xem tên trộm trộm chuông?   
 

Minh Tú

.