(BVPL) - Ngày 16/09/2010, Công ty Cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist (Cty Sài Gòn Tourist) ký hợp đồng số 242/HĐHTKD với Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thiện Nhân (Cty An Thiện Nhân) về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe taxi ngoài địa bàn TP.HCM; ngày 04/01/2011, ký tiếp hợp đồng số 02-11/HĐHTKD về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe taxi trên địa bàn TP.HCM. Thời hạn của mỗi hợp đồng là 7 năm. Theo nội dung 2 hợp đồng, Cty An Thiện Nhân sẽ sử dụng tên thương mại của Cty Sài Gòn Tourist để hoạt động kinh doanh taxi.
Sau khi ký hợp đồng cho đến nay, Cty An Thiện Nhân đã chuyển cho Cty Sài Gòn Tourist hơn 2 tỷ đồng nhưng việc nhượng quyền thương mại kinh doanh dịch vụ taxi vẫn chưa được tiến hành, khiến Cty An Thiện Nhân lao đao vì tiền tỷ đã trao nhưng không thể thực hiện kinh doanh để thu hồi vốn.
Sự việc bắt đầu vào đầu năm 2013, Cty An Thiện Nhân bất ngờ nhận được Thông báo số 04/TB-13 ngày 22/01/2013 của Tổng giám đốc Cty Sài Gòn Tourist, ông Dương Hữu Danh ký, về việc ngưng thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh taxi thương quyền với Công ty An Thiện Nhân. Thông báo này nêu rõ: Cty Sài Gòn Tourist đơn phương chấm dứt hợp đồng số 02-11/HĐHTKD và chấm dứt hợp tác kinh doanh xe taxi mang logo và thương hiệu SaiGon Tourist tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh kể từ ngày 23/01/2013 với công ty An Thiện Nhân.
Ông Sok Channa (quốc tịch Thái Lan), đại diện công ty An Thiện Nhân cho biết: Ngay từ khi hợp tác với chúng tôi, phía Sài Gòn Tourist đã có dấu hiệu lừa đảo. Trước khi ký kết hợp đồng với chúng tôi, Cty SaiGon Tourist đã ký kết hợp đồng với một đối tác khác, đó là Công ty Cổ phần ô tô vận tải Vina Đông Dương (Cty Vina Đông Dương).
Ngày 25/11/2009, Công ty Sài Gòn Tourist và Cty Vina Đông Dương đã ký hợp đồng số 181-09/HĐHTKD về việc mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và ngoài tỉnh. Thời hạn hợp đồng là 7 năm, từ tháng 05/2009 đến tháng 05/2016. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, Công ty Vina Đông Dương sẽ sử dụng tên thương mại Saigon Tourist để kinh doanh dịch vụ taxi.
Tuy nhiên, khi hợp đồng giữa Công ty Sài Gòn Tourist và Công ty Vina Đông Dương đang được thực hiện thì Công ty Sài Gòn Tourist lại liên hệ với chúng tôi (Cty An Thiện Nhân) để đàm phán ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, Cty Sài Gòn Tourist không đề cập đến việc đã ký hợp đồng nhượng quyền thương mại với Công ty Vina Đông Dương nên chúng tôi mới đồng ý hợp tác.
Sau khi ký hợp đồng cho đến nay, Công ty An Thiện Nhân đã chuyển cho Công ty Sài Gòn Tourist hơn 2 tỷ đồng nhưng việc nhượng quyền thương mại kinh doanh dịch vụ taxi vẫn chưa được tiến hành do phía Sài Gòn Tourist tự ý phá ngang hợp đồng, trong khi cty An Thiện Nhân đã phải trả tiền trước cho Sài Gòn Tourist, bỏ vốn đầu tư cơ sở vật chất,… Đại diện Cty An Thiện Nhân đã nhiều lần gặp phía Sài Gòn Tourist để yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng phía Sài Gòn Tourist không có thiện chí hợp tác.
Ông Sok Channa còn cho biết thêm: Sau khi ký kết hợp đồng, phía Sài Gòn Tourist ủy quyền cho Cty An Thiện Nhân thu hồi khoản nợ 5.796.000.000 đồng (năm tỷ bảy trăm chín mươi sáu triệu đồng), số tiền Cty Vina Đông Dương nợ Cty Sài Gòn Tourist trong quá trình hợp tác. Hiện nay, khoản tiền này vẫn chưa thu hồi được, nhưng Cty Sài Gòn Tourist, trong báo cáo tài chính với cơ quan chức năng lại cho rằng số tiền trên đã được sử dụng vào việc mua xe của Cty An Thiện Nhân. Số tiền này được quy đổi bằng tiền công nợ, Công ty Sài Gòn Tourist vừa đầu tư xe, vừa thu hồi khoản nợ.
Ông Sok Channa khẳng định: Trên thực tế, không có việc Cty An Thiện Nhân bán xe cho Cty Sài Gòn Tourist, hai bên không có một thỏa thuận hoặc một văn bản nào về việc mua bán xe trên. Vì vậy, ông Sok Channa cho rằng, ngoài việc vi phạm hợp đồng, chiếm dụng tiền của công ty ông, Cty Sài Gòn Tourist còn có gian lận trong báo cáo tài chính, cần được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và của tổ chức, cá nhân.
Cần làm rõ dấu hiệu chiếm dụng tài sản
Xem xét hồ sơ vụ việc, một Luật gia cho rằng, trong tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên có thể giải quyết thông qua đàm phán, thương lượng, nếu không thương lượng được có thể đề nghị cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra Toà án giải quyết.
Tuy nhiên, đó là đối với những trường hợp tranh chấp hợp đồng thông thường. Còn nếu có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc cố ý chiếm dụng tài sản của đối tác thông qua việc ký kết hợp đồng, cần có sự vào cuộc điều tra làm rõ của cơ quan chức năng để xử lý nghiêm. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, tạo sự bình đẳng và niềm tin cho các doanh nghiệp.
|
Hương My