|
|
Ông Trần Văn Phúc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường bộ Hải Phòng khẳng định không có thất thoát ở bến phà Quang Thanh.
|
Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Phúc – Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng uỷ Công ty CP Đường bộ Hải Phòng.
Theo ông Phúc, Công ty CP Đường bộ Hải Phòng là doanh nghiệp cổ phần, Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần. Việc quản lý tài chính tại bến phà Quang Thanh được thực hiện giao khoán doanh thu, nhiên liệu, tiền lương… từ nhiều năm nay. Hai năm, trước tại phà Quang Thanh đã được lắp camera ở 2 đầu bến để kiểm soát phương tiện qua lại và kiểm soát các cán bộ, nhân viên về việc thực hiện các biện pháp an toàn cho khách khi đi phà.
Đồng thời, các phòng, ban của Công ty CP Đường bộ Hải Phòng cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất việc hoạt động của các bến phà. Trên cơ sở rà soát đó, chỉ tiêu giao khoán cho phà Quang Thanh sẽ được tính theo quý và bình quân doanh thu của bến phà đạt 10 triệu đồng/ngày vào quý 1 và quý 4, các quý 2, 3 do ảnh hưởng của thời tiết nên mức doanh thu có thấp hơn vài trăm nghìn.
Cũng theo ông Phúc, do để tiết kiệm chi phí lao động, nhân công nên công ty đã cho phép bố trí cho bán vé, soát vé dưới phà. Còn đối với việc bộ phận quản lý bến phà để cho nhân viên bán vé, không xuất vé, ông Phúc thừa nhận đây là vi phạm quy định của công ty.
“Chúng tôi chỉ cho phép một số nhân viên không kịp xuất vé khi bị trời mưa, hoặc do có khách hàng đi vội không lấy vé, nhưng sau khi khách lên phà, kíp trực đó phải tự kiểm và xé vé đó đi. Vì vậy, sẽ không thể có việc thất thoát lớn tiền vé phà. Vì theo cơ chế khoán của chúng tôi, nếu bến phà thu vượt mức khoán thì họ được thu nhập tăng thêm, nếu thu dưới mức khoán thì phải bỏ tiền túi vào trả cho Công ty”, ông Phúc cho biết.
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng thừa nhận không thể kiểm soát hết 100% tiêu cực ở các bến phà. Theo đó, đa phần công nhân các bến phà là người lao động trình độ văn hoá từ lớp 7-12, thường xuyên đối mặt với đồng tiền nên việc “bốc bải” của một vài cá nhân là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, do tâm lý là từ tháng 9/2019 này nhà nước sẽ xây dựng cầu Quang Thanh, nên tư tưởng “sống gấp” của một số người đã làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
“Qua vụ việc quay vòng vé đã xảy ra tại bến phà Gót, Hải Phòng, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo cấm các nhân viên bến phà không được có hành vi quay vòng vé, không xuất vé, xé vé cho khác”, ông Trần Văn Phúc – Chủ tịch HĐQT kiêm Bí thư Đảng uỷ Công ty CP Đường bộ Hải Phòng cho biết thêm.
|
|
Sở GTVT Hải Phòng đã vào cuộc xử lý nghiêm việc thu tiền không xé vé. |
Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, ngày 21/8, trong vai khách xuống phà Quang Hanh, nhóm phóng viên phát hiện nhân viên kíp phà chỉ thu tiền mà không xé vé giao khách.
Trên mỗi chuyến phà, nhân viên bến phà đi thu tiền trực tiếp của những người đi xe máy với mức 6 nghìn đồng/lượt, ô tô loại dưới 9 chỗ thu 30 nghìn đồng/lượt, ô tô tải thu từ 27- 130 nghìn đồng/lượt tùy theo trọng tải xe. Điều đáng nói, nhân viên bến phà chỉ thu tiền mà không xé vé cho khách theo quy định.
Trước những thông tin phản ánh trên, Công ty CP Đường bộ Hải Phòng (đơn vị quản lý bến phà Quang Thanh) đã khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc.
Ngày 23/8, Công ty CP Đường bộ Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Sở GTVT Hải Phòng thông báo kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, công nhân bến phà Quang Thanh vì hành vi thu tiền phà không giao vé cho khách.
Cụ thể: ông Lê Văn Dương - Giám đốc bến phà Quang Thanh bị cách chức do buông lỏng quản lý để nhân viên làm sai qui định. Cùng với ông Dương, bà Nguyễn Thị Bắc – Phó Giám đốc bến phà Quang Thanh bị khiển trách và kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng do buông lỏng quản lý, không kiểm tra sát sao công việc để công nhân viên làm sai quy định công tác tài chính của Công ty.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đường bộ Hải Phòng cũng ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách và kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng đối với 5 công nhân thuộc kíp phà ngày 21/8 gồm: Ông Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tuyến, Lê Văn Ngân, Nguyễn Đức Cảnh.