Nếu bị tâm thần thật, họ sẽ tìm mọi cách chạy trốn tiếng nói sai khiến trong đầu như nút bông vào tai, trùm kín chăn, chui vào gầm giường trốn.
Liên tiếp những ngày qua, cơ quan công an đã làm rõ những tên trùm giang hồ đội lốt kẻ điên để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nếu Thanh Hóa có Nguyễn Văn Vi, tức Vi “Ngộ”, Nguyễn Thị Tuyết (Tuyết “Tình”), thì đất Cảng Hải Phòng có đến 3 trùm giang hồ thuộc diện có số má đã bị lật tẩy giả điên lần này. Đó là Mai Đức Vượng, tức Tộ “Tịch”, Đào Duy Tuấn (tức Tuấn “Tượng”) và Đào Văn Thắng (tức Thắng “An dương”), những kẻ chủ mưu của hàng chục vụ dùng súng quân dụng, súng bắn đạn hoa cải thanh toán lẫn nhau trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian qua.
Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương nằm trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Thượng tá Lê Thanh Tuấn, (Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự) cho biết suốt nhiều tháng qua, anh cùng các đồng nghiệp ở cùng phòng và Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải có mặt nhiều ngày ở đây để giám sát tên trùm giang hồ xứ Thanh - Vi “Ngộ” khi hắn giả điên để trốn tránh pháp luật. Đi qua khoảng sân rộng đang diễn ra một trận đá bóng giữa hai đội đều là bệnh nhân tâm thần đang điều trị, anh Tuấn bảo đây mới chỉ là những người bệnh nhẹ, còn “bên kia cánh cửa sắt mới là những con bệnh nặng, đều là tội phạm". Kẻ ít nhất đã giết một người, kẻ giết nhiều cũng phải 3-4 người.
Bên kia - đó là khuôn viên của Viện Giám định pháp y Trung ương, nơi từng điều trị và kết luận chính xác, buộc những kẻ giả điên như trùm giang hồ Vi “Ngộ”, Tộ “Tịch”, Tuấn “Tượng”, Thắng “An dương” phải về quy án pháp luật. Bước qua cánh cổng sắt có bảo vệ canh coi ấy, một thế giới dường như khác. Vì tất cả những bệnh nhân tâm thần ở trong Viện này đều là tội phạm và hầu hết là tội phạm nguy hiểm nên đều được ngăn với bên ngoài bằng những hàng rào cao 2-3m.
Không biết bên ngoài chúng gây ra tội lỗi như thế nào, nhưng quan sát ở đây, tất cả đều lờ đờ, chậm chạp... Bác sĩ Hoàng Viết Hải (Phó Trưởng khoa) cho biết hiện có 11 nghi can đang được các cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tâm thần tại đây.
Với mỗi bệnh nhân, Viện phải thành lập hội đồng giám định, quá trình theo dõi, giám định trong vòng từ 4-6 tuần và quy trình giám định theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Bác sĩ Hải cũng cho biết, bệnh tâm thần rất khó giám định. Yếu tố kỹ thuật như cộng hưởng từ, điện não đồ… chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn quan trọng nhất là việc theo dõi lâm sàng, cộng thêm việc nghiên cứu hồ sơ về họ từ trước đến nay.
Ở Khoa Giám định pháp y tâm thần, có một phòng đặt camera để theo dõi từng hoạt động của các đối tượng suốt 24/24h. Chỉ vào một người đang nằm trùm chăn ở căn phòng điều trị số 10, bác sĩ Hải cho biết, đó chính là một kẻ phạm tội tày đình từng gây xôn xao dư luận những ngày đầu năm 2013 - Trần Mạnh Hà, kẻ giết con đẻ mới 10 tháng tuổi rồi chôn xác dưới khe nhà.
Anh Hải cho biết, trong theo dõi giám định tâm thần, yếu tố con người là quan trọng nhất. Nếu các bác sĩ theo dõi lâm sàng mà có cái tâm trong sáng, có kinh nghiệm thì trước sau sẽ phát hiện và xác định được kẻ nào là giả tâm thần để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Thông thường, nếu bị tâm thần thật, qua quan sát, có thể thấy họ ở trong phòng sẽ tìm mọi cách chạy trốn tiếng nói sai khiến trong đầu như nút bông vào tai, trùm kín chăn, chui vào gầm giường trốn
Theo bác sĩ Hải, qua theo dõi giám định đã phát hiện 2-5% các người giả điên, hoặc có biểu hiện bệnh nhưng vẫn đủ mức để chịu trách nhiệm hình sự. Để chứng minh điều mình nói, anh Hải mở 2 kết luận mới nhất đối với 2 bệnh nhân Lê Trọng Tuyến, 23 tuổi và Lê Trọng Tuyền, 24 tuổi, cùng trú tại xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội). Khoảng 12h ngày 27/1/2012, Tuyền đang uống rượu tại nhà bạn thì điện thoại nhầm cho anh Phạm Văn Trung ở Chương Mỹ (Hà Nội). Hai bên lời qua tiếng lại và thách đánh nhau. Hậu quả, Tuyền và Tuyến đã chém anh Trung tổn hại 60,2% sức khỏe. Sau khi gây án, 2 người bỏ trốn, sau đó trở về địa phương nhưng vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương để trốn tránh.
Qua theo dõi, giám định, Hội đồng giám định của Viện kết luận: Trước, trong và sau khi phạm tội, bị can Lê Trọng Tuyền và bị can Lê Trọng Tuyến không có bệnh tâm thần. Đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Thế là, hai tên đã bị trao trả cho Công an huyện Thường Tín tạm giam và xử lý về hành vi cố ý gây thương tích…
Ngay cạnh Khoa Giám định pháp y tâm thần là Khoa Điều trị bắt buộc, từng là nơi mà những kẻ như Vi “Ngộ” được đưa đến điều trị và kết thúc hành trình giả điên khùng để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật...
Theo Công an nhân dân