Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân là do chủ hụi lợi dụng mối quan hệ bà con thân tộc, hàng xóm, quen biết giữa hụi viên và chủ hụi để huy động số hụi viên tham gia, đến khi thấy số hụi viên tham gia đông với số tiền lớn thì chủ hụi bắt đầu ghi khống tên để tự hốt chiếm đoạt tiền của các hụi viên, sau đó tuyên bố vỡ hụi, từ đó đẩy nhiều gia đình hụi viên lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

 


Đáng chú ý là trên địa bàn huyện Tháp Mười từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ vỡ hụi ở thị trấn Mỹ An, xã Mỹ Quí, xã Đốc Binh Kiều. Công an huyện Tháp Mười đã khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng. Gần đây nhất là vụ vỡ hụi tại xã Đốc Binh Kiều, do đối tượng Nguyễn Thị Mộng Thu ngụ ấp 2, làm chủ hụi từ năm 2009, làm nhiều người lao đao vì vụ vỡ hụi liên quan tới 47 dây hụi và số tiền gần 800 triệu đồng. Bằng nhiều thủ đoạn,Thu tạo được uy tín và tin tưởng của nhiều người dân trong vùng, nên nhiều hụi viên đã giới thiệu bà con dòng họ, người thân tham gia các dây hụi của Thu, thậm chí có người tham gia tới 20 dây hụi, dây ít nhất là 500 ngàn đồng và cao nhất là 5 triệu đồng. “Bà Thu kêu tôi vô hụi để cất nhà. Ai ngờ tôi cất nhà chưa xong thì bị bể hụi. Tôi dự định hốt hụi trả nợ ngân hàng, nhưng bà Thu bị bể hụi, nên tôi rất rối...” - bà Huỳnh Thị Vân một bị hại của vụ vỡ hụi do đối tượng Nguyễn Thị Mộng Thu làm chủ hụi, nói.

Qua vụ vỡ hụi nói trên cho thấy, tâm lý của người chơi hụi là muốn có điều kiện để tích góp được số tiền lớn, hoặc có vốn để làm ăn cải thiện cuộc sống gia đình với hình thức đơn giản, nhẹ nhàng và thuận tiện hơn vay ngân hàng. Do vậy những người chơi hụi chủ yếu dựa vào “uy tín” của chủ hụi; các dây hụi chủ yếu được thể hiện bằng giấy viết tay, mọi giao dịch tiền bạc có khi chỉ bằng miệng, bằng sự tin tưởng lẫn nhau. Thậm chí, đến khi khui hụi, một số hụi viên không đến, chỉ liên lạc bằng điện thoại và khi Thu thông báo người hốt và đóng bao nhiêu tiền thì họ tin tưởng đóng ngay. Chính vì lẽ đó mà khi xảy ra sự cố rất khó xử lý, việc điều tra thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các chủ hụi cơ quan công an cũng gặp không ít khó khăn.

Được biết, từ đầu năm 2014 đến ngày khởi tố vụ án (ngày 14/5/2014) Công an huyện đã tiếp nhận gần 100 đơn thưa của bị hại. Qua tiếp xúc với những nạn nhân, chúng tôi biết được các hụi viên tham gia đường dây hụi do đối tượng Thu làm chủ đều không hề có giấy biên nhận mà chỉ có giấy viết tay sơ sài như: tên của những người tham gia và hầu như các hụi viên không biết hết mặt nhau... Do có ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của các hụi viên, đối tượng Thu đã bịa ra việc hôm nay có hụi viên A nhờ bỏ thăm hốt dùm, và số tiền bỏ Thu thường kêu cao hơn những người đến tham gia hốt. Chỉ với thủ đoạn đơn giản này, đã có gần trăm bị hại bị Thu lừa.

Thực tế trên là hồi chuông cảnh báo về tình trạng chơi hụi trong nhân dân. Để tránh rủi ro trong việc chơi hụi, Thượng tá Phạm Văn Huệ - Phó Trưởng Công an huyện Tháp Mười khuyến cáo người dân, nếu có nguồn tiền dư thừa trong sinh hoạt nên gởi vào ngân hàng cơ quan tín dụng hợp pháp, không nên chơi hụi để mất tài sản một cách đáng tiếc.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.