Các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
“Ủy ban Tư pháp cho rằng tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương và tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tham nhũng ở lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tổ chức tín dụng”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhận định khi trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại buổi họp của kỳ họp Quốc hội ngày 20-10.
Xử lý chưa tương xứng
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Năm qua có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng và có ba người bị xử lý hình sự, năm người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Ông cũng nhìn nhận việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn chậm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng kéo dài, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng còn thấp.
|
Xét xử vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD |
Nhận định về kết quả trên, ông Nguyễn Văn Hiện nói: “Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa tương xứng với số vụ việc và vụ án tham nhũng, thiếu gắn với việc xem xét để bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm chỉnh thực hiện việc điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện vi phạm đạo đức, lối sống, năng lực yếu kém hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng”.
Đánh giá kết quả xử lý tham nhũng năm nay có khá hơn về tính nghiêm minh, nghiêm khắc hơn năm trước nhưng Ủy ban Tư pháp cho rằng tình hình tham nhũng chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện còn ít, chủ yếu ở cấp xã, phường. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khiếu nại, tố cáo chưa cao, chưa kiểm soát có hiệu quả tài sản tham nhũng.
Theo ông Hiện, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ viên chức suy thoái đạo đức, lạm dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng. “Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ vẫn diễn ra trong đội ngũ cán bộ. Vì vậy một số người dân còn tâm lý đưa hối lộ để được việc. Một số cán bộ lãnh đạo vẫn còn dung túng hành vi tham nhũng cho cán bộ mình quản lý…
Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước” - ông Hiện nói.
Kê khai tài sản còn hình thức
Đề cập đến vấn đề kê khai tài sản để phòng, chống tham nhũng, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết trong tổng hơn 944.000 người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2013 có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh, trong đó có một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Ngoài ra, có sáu người bị xử lý kỷ luật do chậm tổ chức việc kê khai và chậm kê khai. Trong thời gian qua có hơn 914.00 bản kê khai đã công khai. Song song với việc kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ đã đẩy mạnh việc thanh toán qua thẻ, xây dựng quy chế tặng quà và nộp lại quà tặng... Tuy nhiên, việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.
“Hiện nay vẫn chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập khác ngoài lương của đối tượng hưởng lương từ ngân sách, nhất là chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn. Việc mua bán tài sản có giá trị lớn chưa được thanh toán qua tài khoản. Trong khi việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức và khó xử lý...” - ông Tranh nói.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, việc kiểm soát trên thực tế tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn còn rất hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý để theo dõi, xác minh, xử lý đến cùng đối với tài sản, thu nhập tăng lên một cách bất thường mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về quà tặng, cảm ơn, hiếu hỉ để đưa hối lộ vẫn diễn ra nhưng rất ít người nộp lại quà biếu, quà tặng…
Cử tri than phiền về tham nhũng
Truyền đạt lại ý kiến và kiến nghị của cả nước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp.
Cử tri còn lo ngại về một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương.
1.000 bị can phạm tội về tham nhũng mà cảnh sát điều tra các cấp thụ lý năm 2014. Trong năm, VKS các cấp đã truy tố 751 bị can; Cục Điều tra của VKS Tối cao đã khởi tố 16 vụ với 14 bị can. Ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ với 87 người có hành vi liên quan đến tham nhũng…
|
Theo PLO