Sử dụng giấy tờ giả mang 17 xe môtô đi cầm cố
Cập nhật lúc 13:29, Thứ hai, 19/10/2015 (GMT+7)
"Các cơ sở, dịch vụ kinh doanh cầm đồ cần thận trọng và cảnh giác hơn nữa trong việc cầm cố các tài sản có giá trị. Nếu phát hiện hay nghi ngờ thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất kịp thời xử lý" – Hội đồng xét xử nhắc nhở những bị hại trong vụ án tại phiên tòa "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vừa diễn ra. (giấy tờ giả, cầm cố, lừa đảo)
“Các cơ sở, dịch vụ kinh doanh cầm đồ cần thận trọng và cảnh giác hơn nữa trong việc cầm cố các tài sản có giá trị. Nếu phát hiện hay nghi ngờ thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất kịp thời xử lý” – Hội đồng xét xử nhắc nhở những bị hại trong vụ án tại phiên tòa “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa diễn ra.
Sự việc bắt đầu khi Nghĩa sang trường gà Bắc-Nam phía Campuchia chơi và quen biết một đối tượng tên Phương (không rõ họ, địa chỉ cụ thể) sinh sống tại TP.HCM. Đến tháng 7-2013, Nghĩa nhờ Phương chỉ cách thức làm ăn để kiếm tiền nhanh. Phương bày cho Nghĩa mua những xe môtô có giấy chứng nhận đăng ký giả từ TP.HCM về An Giang bán lại để hưởng lợi, nguồn xe và giấy tờ do Phương cung cấp. Sau đó, Nghĩa cùng đồng bọn mang những xe có giấy tờ giả cầm tại các dịch vụ, rồi một trong bọn chúng liên lạc lại bằng điện thoại với chủ dịch vụ thông báo giấy tờ của chiếc xe đang cầm cố đó là giả, yêu cầu bán lại với giá rẻ, nhằm tránh vi phạm và mất trắng khi bị cơ quan chức năng kiểm tra. Sau khi “con mồi” cắn câu, bọn chúng hẹn đến trao tiền và lấy xe. Với thủ đoạn này, chúng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo ở những dịch vụ cầm đồ khác. Theo đó, chúng hưởng tiền chênh lệch từ 5 triệu đến hơn 20 triệu đồng/chiếc.
Trước phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi sai trái và bày tỏ sự ăn năn hối cải, do bản thân còn thiếu hiểu biết pháp luật nên mới phạm tội, mong được xem xét khi lượng hình. Hội đồng xét xử phân tích: “Các bị cáo nghề nghiệp không ổn định, xuất thân từ thành phần lao động nghèo, các bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối, giả tạo nhằm chiếm đoạt tài sản người khác để tiêu xài cá nhân. Trong đó, bị cáo Nghĩa là người chủ động bàn bạc với các bị cáo khác. Thủ đoạn của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội, thực hiện một cách cố ý, không những xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống bình thường của xã hội. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Nghĩa 12 năm tù giam, Tỷ 10 năm tù giam, Thanh 8 năm tù giam và Định 7 năm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139, Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đồng thời, buộc các bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường cho những người bị hại và nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội; tịch thu sung quỹ Nhà nước những môtô không tìm được chủ sở hữu.
Theo Báo An Giang
.