Sau hơn chục năm xuất hiện tại Việt Nam, ma túy tổng hợp (MTTH) đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, lôi kéo nhiều thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, văn nghệ sỹ, cán bộ công chức sử dụng. Đáng chú ý, với sự hỗ trợ của công nghệ, phương thức sản xuất, thủ đoạn mua bán cũng như vận chuyển MTTH ngày càng tinh vi, phức tạp.
Siêu lợi nhuận
Theo tính toán của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc (INCB), một kilogram tiền chất Pseudoenphedrine kết hợp với một vài hoá chất khác đóng vai trò dung môi, xúc tác có thể điều chế ra 0,6 kg Methamphetamine dạng tinh thể (còn gọi là đá). Với giá nhập khẩu mỗi kilogram tiền chất Pseudoenphedrine khoảng 200-300 USD nhưng nếu sản xuất thành công MTTH với hiệu suất như tính toán thì lợi nhuận mang lại cực lớn, có thể lên đến 30.000-40.000 USD. Đây là lý do tại sao, tình trạng điều chế trái phép ma túy từ tiền chất tại các quốc gia trong khu vực Asean và Trung Quốc ngày càng phát triển phức tạp.
Ở Việt Nam, những năm qua, một số đối tượng Việt kiều từ các nước Đông Âu như CH Czech, Đức, Ba Lan… đã mang công nghệ điều chế ma túy về nước, sau đó tổ chức sản xuất trái phép MTTH. Một số đối tượng khác cũng học được cách điều chế thông qua việc trao đổi thông tin qua mạng internet, các loại thiết bị số. Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, MTTH được sản xuất trái phép ở nước ta trong thời gian qua đều ở dạng tinh thể, có hàm lượng rất cao từ 80-90%, và được người nghiện ưa dùng, có giá bán từ 2-2,5 triệu đồng/gram. Đến nay, đã có 21 vụ sản xuất trái phép MTTH được lực lượng chức năng phát hiện. Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng sản xuất trái phép MTTH từ các tiền chất còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với quy mô lớn, thời gian hoạt động kéo dài. Điển hình như tụ điểm sản xuất trái phép MTTH bị Công an tỉnh Long An triệt xóa năm 2012, trong vòng 11 tháng, cơ sở này đã sản xuất 145kg Methamphetamine, bán được 116 tỷ đồng.
Đại tá Trần Như Nhận – Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho rằng, bên cạnh các biện pháp “truyền thống” như tuyên truyền về pháp luật, thủ đoạn, tác hại của ma túy; phối hợp với các ban, ngành trong việc nắm thông tin thì cần tập trung giải quyết “nguồn cung” – là phát hiện, quản lý các loại tiền chất, thuốc tân dược bị lợi dụng để điều chế MTTH; ngoài ra phải phối hợp ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, cửa khẩu; thường xuyên giám sát các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm, địa điểm vui chơi giải trí, đồng thời trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế liên quan đến đối tượng, cách thức sản xuất MTTH mới…
Theo An ninh Thủ đô