Công ty cổ phần công nghiệp hoá chất và vi sinh (gọi tắt là BICICO), trụ sở tại tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận I, thành phố Hồ Chí Minh, là công ty con của Tập đoàn hoá chất Việt Nam (Vinachem), được cổ phần hoá từ năm 2004, trong đó nhà nước sở hữu 51% vốn điều lệ.
Trước đó, tại BICICO đã xảy ra kiện tụng kéo dài, đỉnh điểm khiến công an vào cuộc là sai phạm trong ký kết hợp đồng thoả thuận về hợp tác thực hiện việc thay đổi, hoàn thiện và nhượng quyền sử dụng đất, giữa BICICO và Công ty TNHH xây dựng Đại Gia Phú. Hợp đồng này được ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc đại diện BICICO ký với ông Đặng Đức Trung, Giám đốc Cty Đại Gia Phú.
|
Một số hồ sơ liên quan đến vụ việc (Ảnh: VVT) |
Theo Thông báo của C48 (Bộ Công an), có nội dung: Ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc, là người đại diện phần vốn Nhà nước tại BICICO được Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đồng ý và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đầu tư di dời theo quy định của Nhà nước.
Nhưng trong khi chưa có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Hải đã ký và triển khai thực hiện hợp đồng dẫn đến thiệt hại về tài sản cho Công ty BICICO. Hành vi của ông Hải có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đến nay hậu quả đã được khắc phục.
Mặt khác, để bảo đảm ổn định cho doanh nghiệp hoạt động, C48 thống nhất với quan điểm của VKSND Tối cao (Vụ 1B) không xử lý hình sự mà đề nghị lãnh đạo Vinachem chỉ đạo kiểm điểm xử lý hành chính nghiêm minh.
Nhưng từ đó đến nay, ông Đặng Hồng Hải vẫn giữ cương vị Tổng giám đốc BICICO gây nên những bất bình lớn trong nội bộ cán bộ, nhân viên Công ty.
Ngày 15 tháng 6 năm 2007, ông Đặng Hồng Hải - Tổng giám đốc đại diện BICICO đã ký hợp đồng số 100/ HĐTT- HCVS/2007 với Công ty TNHH Đại Gia Phú, trụ sở tại 441/78 Điện Biên Phủ, phường 25, Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh với nội dung của hợp đồng là chuyển đổi đất và nhượng lại quyền thuê đất.
Về chuyển đổi đất: BICICO chuyển đổi hai lô đất có tổng diện tích là 16.746 m2 (gồm lô đất ở xưởng cơ khí thực nghiệm - Quận Thủ Đức với diện tích 10.292m2, lô đất tại Trung tâm Công nghệ sinh học - Quận 9 có diện tích 6.454m2 ) để đổi lấy 26.794m2 đất của Công ty Đại Gia Phú tại huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Tình trạng pháp lý của hai lô đất mà ông Đặng Hồng Hải ký chuyển đổi đều ở dạng: BICICO đang sử dụng và quản lý nhưng chưa hoàn thiện giấy tờ sử dụng đất cũng như hợp đồng thuê đất với nhà nước.
Còn lô đất mà Công ty BICICO nhận được từ Công ty Đại Gia Phú cũng ở tình trạng tương tự: đất chưa hoàn chỉnh giấy tờ sử dụng theo quy định.
Về nhượng lại quyền thuê đất: Công ty BICICO nhận lại quyền thuê đất của Công ty Đại Gia Phú với diện tích 30.264 m2 với giá là 1.634.256 USD.
Tính tổng diện tích mà BICICO nhận được do chuyển đổi đất và nhượng quyền thuê đất là 57.058 m2 trên cùng một thửa trong khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B - Dĩ An - Bình Dương.
Nhưng ngày 13/11/2007 ông Đặng Hồng Hải tiếp tục ký phụ lục hợp đồng số 208/ PLHĐ - HCSV/2007 với Công ty Đại Gia Phú với nội dung: Huỷ bỏ việc chuyển đổi đất đối với lô đất thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học - Quận 9 với diện tích 6.454 m2. Do đó, Công ty BICICO phải trả thêm cho Công ty Đại Gia Phú số tiền là 600.889 USD.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Đặng Hồng Hải đã chi tiền tạm ứng hai đợt cho Công ty Đại Gia Phú.
Đợt 1, số tiền ông Đặng Hồng Hải chi tạm ứng là 2.632.541.728 đồng. Hình thức thanh toán là tiền mặt. Phiếu chi là số 585 ngày 15 tháng 6 năm 2007 có cùng chữ ký chi của bà Lương Thị Thanh Loan - Phó phòng kế toán.
Ngày 5/12/2007, ông Đặng Hồng Hải tiếp tục thanh toán đợt 2 cho Công ty Đại Gia Phú với số tiền là 2 tỷ đồng; hình thức thanh toán là tiền mặt. Phiếu chi số 0235 có cùng chữ của ông Bùi Văn Hiệp, kế toán trưởng.
Điều cần lưu ý là điều kiện thanh toán đợt 2 chỉ được thanh toán khi Công ty Đại Gia Phú hoàn thành một số việc cụ thể.
Đó là: Hoàn tất việc sang tên lô đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B cho BICICO; Bàn giao lô đất tại khu công nghiệp Tân Đông Hiệp cho Công ty BICICO cùng các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất; Hoàn tất các thủ tục xin phép đầu tư vào khu công nghiệp Tân Đông Hiệp có quyết định chấp thuận.
Trong phụ lục của hợp đồng số 208/PLHĐ - HCVS/2007 còn khẳng định: BICICO thanh toán tiền đợt 2 của hợp đồng và số tiền công ty thêm tại điều 2 của phụ lục này khi nhận được thông báo đóng thuế trước bạ hợp lệ.
Nhưng trên thực tế thì công ty Đại Gia Phú đã không thực hiện được nội dung nào theo yêu cầu. Thậm chí, ngày 6 tháng 11 năm 2007, Công ty Đại Gia Phú còn có công văn đề nghị giải pháp thực hiện hợp đồng.
Theo đó, Công ty Đại Gia Phú nêu khó khăn: không thể hợp thức hoá 2 lô đất của BICICO và đề nghị hai phương án: ký kết hợp đồng liên doanh hoặc bồi thường thiệt hại đối với phần hợp đồng không được thực hiện do lỗi của Công ty Đại Gia Phú.
Vậy mà điều khó hiểu là ngày 5 tháng 12 năm 2007, ông Đặng Hồng Hải vẫn tiếp tục thanh toán đợt 2 cho Công ty Đại Gia Phú.
Tại sao ông Đặng Hồng Hải lại cố tình thanh toán đợt 2 một cách vô căn cứ đến như vậy?
Phải chăng do ông Đặng Hồng Hải yếu kém?
Nhưng thực chất là thanh toán giả, Công ty Đại Gia Phú không hề nhận đựơc số tiền 2 tỷ đồng này mà ngay sau khi ký nhận tiền tại thủ quỹ BICICO, ông Đặng Đức Trung - Giám đốc Công ty Đại Gia Phú đã đưa ngay 2 tỷ đồng mà ông Trung đã ký chuyển cho Công ty Đại Gia Phú cho ông Đặng Hồng Hải tại phòng làm việc.
Chính ông Đặng Đức Trung đã có đơn thư tố giác việc ông Đặng Hồng Hải nhận số tiền 2 tỷ đồng tới cơ quan công an.
Ngày 25 tháng 3 năm 2008, ông Đặng Hồng Hải đã ký biên bản huỷ bỏ hợp đồng số 100/ HĐTT- HCVS/2007 với Công ty Đại Gia Phú. Căn cứ vào biên bản huỷ hợp đồng thì Công ty Đại Gia Phú phải hoàn trả lại cho Công ty BICICO toàn bộ số tiền đã nhận và tiền bồi thường là 5 tỷ 200 triệu đồng.
Đến ngày 26/2/2009, Công ty Đại Gia Phú mới hoàn trả cho Công ty BICICO là 1 tỷ đồng. Hiện nay, số tiền chưa thu hồi được là 4,2 tỷ đồng.
Về khoản thu hồi công nợ này, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Tập đoàn hoá chất Việt Nam như sau: "Xem xét, xử lý trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Công nghiệp hoá chất và vi sinh do để xảy ra các sai phạm trong quản lý vật tư hàng hoá và phát sinh công nợ khó đòi".
Ban kiểm soát của Công ty BICICO cũng kiến nghị trách nhiệm cá nhân đối với việc không thu hồi được công nợ như sau: Đối với khoản nợ phải thu của Công ty Đại Gia Phú và Trung Quý, Hội đồng quản trị của công ty phải chịu trách nhiệm về việc thu hồi khoản công nợ này.
Nếu hai khoản nợ này không thu hồi, đề nghị HĐQT truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân trong việc thực hiện nội dung này.
Rõ ràng, hành vi ký hợp đồng số 100/HĐTT- HCVS/2007 chuyển đổi đất của ông Đặng Hồng Hải có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước và quản lý kinh tế vì các lô đất chuyển đổi không thoả mãn điều kiện được chuyển đổi theo quy định của pháp luật đất đai.
Những người ký hợp đồng hiểu rất rõ điều này, thậm chí họ ghi hẳn vào hợp đồng là đất chưa hoàn chỉnh giấy tờ theo quy định của Nhà nước.
Việc thanh toán số tiền có giá trị lớn (trên 30 triệu đồng) bằng tiền mặt là vi phạm thông tư của Ngân hàng Nhà nước số 01/2007/TT-NHNN ngày 7/3/2007 hướng dẫn thực hiện điều 4 và điều 7 Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt.
Hậu quả của hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước do ông Đặng Hồng Hải đã gây thiệt hại cho Công ty BICICO (doanh nghiệp cổ phần có 51% vốn nhà nước) số tiền là 4 tỷ 200 triệu đồng.
Trong đó, 2 tỷ đồng có dấu hiệu của tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, song ông Đặng Hồng Hải vẫn ung dung "tại vị"(?)
Đó là chưa kể hàng loạt các khuất tất sai phạm trong hoạt động của BICICO mà chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau...
Nhóm PV điều tra
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
…4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
…
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
…3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
(Trích Bộ luật hình sự 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
|