Theo các cơ quan chức năng, trường hợp thi công gây hư hại cho nhà liền kề thì bên thi công nhà phải bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

 


Tại căn nhà số 1434 của bà Trần Thị Nguyệt, theo ghi nhận của phóng viên, có nhiều vết nứt ngang, dọc xuất hiện trên tường, trần nhà. Một số nơi gạch ốp tường bị bung rơi xuống nền nhà. Theo bà Nguyệt, những vết nứt trên chỉ xuất hiện từ khi căn nhà bên cạnh – nhà số 1436 bắt đầu thi công.

Trước đó, đầu tháng 10 - 2014, đại diện các cơ quan chức năng gồm: UBND phường 12, Đội trật tự đô thị, Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, đã làm việc theo đơn trình bày của bà Nguyệt. Bà Nguyễn Thu Hà, chủ căn nhà 1436 thừa nhận việc giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công nhà 1436 đã gây nứt, lún nhà bà Nguyệt. Theo đó, bà Hà đề nghị được bồi thường trọn gói 100 triệu đồng để bà Nguyệt sửa chữa các vết nứt, lún. Tuy nhiên, bà Nguyệt không đồng ý với mức bồi  thường bà Hà đưa ra, đồng thời kiến nghị các cơ quan chuyên môn kiểm định thiệt hại để đưa ra biện pháp khắc phục.

Ngày 7-10, tại buổi làm việc với phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, bà Hà đề xuất giải quyết vụ việc theo 2 phương án. Phương án 1: Bà Hà bồi thường trọn gói 100 triệu đồng, còn phía bà Nguyệt tự liên hệ, thuê đơn vị thi công có năng lực tiến hành khảo sát, lập phương án sửa chữa, khắc phục hậu quả. Phương án 2: Nếu bà Nguyệt không đồng ý với phương án 1 thì có thể thuê một đơn vị tư vấn kiểm định thiệt hại, mọi chi phí bà Hà thanh toán. Còn nếu bà Nguyệt không đồng ý với cả 2 phương án trên thì có thể khởi kiện ra tòa. Tuy vậy, bà Nguyệt vẫn chưa quyết định chấp nhận phương án nào.

Theo phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, việc xử lý đối với trường hợp chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình gây nứt, lún công trình liền kề thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Do vậy, phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu đề nghị UBND phường 12 đứng ra giải quyết vụ việc theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 3, Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12-2-2014 của Bộ xây dựng. Hiện nay, UBND phường 12 đang tiếp nhận và xử lý vụ việc nêu trên. Tại Điều 3, Thông tư 02/2014, quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật), có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo trình tự, thủ tục như sau: Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì chủ tịch UBND xã, phường chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại; Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, chủ tịch UBND xã, phường quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả. Sau khi bên gây thiệt hại đã bồi thường đủ số tiền quy định thì UBND xã, phường quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng công trình.

Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.