(BVPL) - Vụ việc 8B Lê Trực những ngày qua đang nóng lên bởi đến giai đoạn cao trào trong việc thực thi cưỡng chế phá dỡ. Tuy việc quy hoạch một đằng cấp giấy phép một nẻo là vấn đề “cốt tử” cần phải xem xét lại, nhưng những ứng xử hay phát ngôn thiếu minh bạch của cán bộ, chính quyền địa phương dường như đang đi ngược lại các quy định pháp luật?
 
Mới đây, trong văn bản số 6672/VP-ĐT ngày 03/08/2016 của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Công ty cổ phần Hạ tầng Phương Bắc khẩn trương hoàn chỉnh phương án phá dỡ; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn UBND quận Ba Đình tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) công trình vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ 8B phố Lê Trực. Như vậy, sự thật đã được phơi bày sáng tỏ, hiện nay việc phá dỡ phần vi phạm trật tự tại công trình 8B phố Lê Trực là chưa có phương án phá dỡ đồng thời chưa có Nhà thầu thi công phá dỡ nào được chọn.
 
Vậy tại sao UBND quận Ba Đình vẫn chỉ đạo UBND phường Điện Biên và Công ty cổ phần Hạ tầng Phương Bắc (với nhiệm vụ được giao là lập phương án) thực hiện phá dỡ. Điều này làm dấy lên dư luận UBND quận Ba Đình đang thực hiện trái quy định pháp luật và làm sai chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Phía Công ty cổ phần Hạ tầng Phương Bắc đang hủy hoại tài sản trái phép của người dân mua nhà và chủ đầu tư.
 
 
Đúng 01 ngày sau khi UBND thành phố giao nhiệm vụ, ngày 04/08/2016, UBND quận Ba Đình lập tức tổ chức phá khóa, cố ý cưỡng chế phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực "trái pháp luật". Tại buổi làm việc đó chủ đầu tư tiếp tục đề nghị được cung cấp phương án phá dỡ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình trả lời thẳng thừng: "chủ đầu tư không có quyền hỏi về phương án phá dỡ...", “...Các ông (chủ đầu tư – PV) đang là đối tượng bị cưỡng chế phá dỡ và tôi đề nghị UBND phường triển khai ngay, còn bất kỳ một cá nhân nào chống đối lập hồ sơ xử lý. Bây giờ không phải là lúc giải thích...”
 
Theo luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty luật An Viên: khoản 1, Điều 25, Nghị định 180/2007/NĐ-CP thì việc phá dỡ công trình phải có phương án phá dỡ nhằm đảm bảo an toàn quá trình phá dỡ. Cần thấy rằng, 8B Lê Trực là công trình lớn việc phá dỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu cũng như chất lượng công trình, đặc biệt gây thiệt hại rất lớn cho các tầng còn lại của công trình, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người mua nhà cũng như chủ đầu tư. Ngoài ra, công trình vị trí như 8B Lê Trực lại nằm sát khu dân cư, đường giao thông cho nên càng cần thiết phải có phương án phá dỡ, thẩm tra phương án cẩn thận để giảm thiểu rủi ro cho tòa nhà, cũng như người tham gia giao thông và người dân xung quanh trong quá trình triển khai phá dỡ. Mặt khác, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm sau này thanh toán cho nhà nước các khoản tiền phá dỡ. Chính vì vậy, chủ đầu tư yêu cầu công khai phương án phá dỡ công trình 8B Lê Trực theo quy định của pháp luật và cũng là điều hợp lý.
 
Đồng quan điểm này, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Châu Á khẳng định, chủ đầu tư có đầy đủ căn cứ pháp lý để yêu cầu UBND quận Ba Đình cung cấp thông tin về phương án phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Theo Luật sư Sơn, khoản 2, Điều 118 Luật Xây Dựng năm 2014 quy định: phá dỡ công trình phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt. Như vậy, chủ đầu tư đề nghị phải có phương án phá dỡ đối với công trình 8B Lê Trực là đúng theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, Khoản 2.2, Điều 2 Quyết định số 32/QĐ-UBND của UBND quân Ba Đình do chính ông Cầm ký có nội dung "...Chủ đầu tư chịu mọi thiệt hại phát sinh liên quan đến an toàn công trình, phương án cải tạo trong, sau quá trình cưỡng chế...". Từ văn bản bày có thể thấy, ông Cầm đồng ý để chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm trong hoạt động này. Nên chủ đầu tư có quyền yêu cầu được xem phương án phá dỡ liên quan đến công trình tránh phát sinh các thiệt hại lớn có thể xảy ra cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật.
 
Vậy tại sao ông Nguyễn Phong Cầm lại nói rằng: “...chủ đầu tư không có quyền hỏi phương án phá dỡ...”? vì chưa có phương án phá dỡ hay vì ông Cầm không hiểu luật pháp cũng như những điều mình đã ký tại Quyết định 32. Theo như ông Cầm nói, chủ đầu tư là đối tượng vi phạm nên không có quyền có ý kiến... Vậy Luật nào quy định điều đó?  Hẳn ông Cầm đã nói ra điều phi lý! Nên nhớ chủ đầu tư là đối tượng có công trình bị phá dỡ cũng là đối tượng chịu mọi chi phí lập, thẩm tra phương án phá dỡ và mọi thiệt hại phát sinh liên quan đến an toàn công trình,... Họ cần phải biết phương án phá dỡ đảm bảo an toàn hay không để đề phòng sự cố xảy ra thì có căn cứ quy rõ trách nhiệm; Họ cần biết việc triển khai phá dỡ chi tiết ra sao sau này có căn cứ tính dự toán chi phí nộp trả Nhà nước,... Việc chủ đầu tư cần được minh bạch thông tin phương án phá dỡ là đúng.
 
Đến thời điểm hiện tại, dựa vào những phát ngôn, ứng xử của ông Nguyễn Phong Cầm, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình tại buổi làm việc ngày 4/8 thật sự khó hình dung được lãnh đạo quận Ba Đình đang điều hành việc phá dỡ 8B Lê Trực theo luật nào. Phát ngôn và cách điều hành của ông Cầm trong cuộc họp thể hiện cá nhân của ông hay nhân danh cho một chính quyền? Thủ tướng chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã không ít lần có chỉ đạo phải xử lý theo quy định của pháp luật mà tại sao UBND quân Ba Đình vẫn thờ ơ với các quy định của pháp luật trong việc thực hiện?
 
Minh Châu
.