Phát hiện một công ty hoạt động chui, trốn tránh pháp luật
Cập nhật lúc 23:20, Thứ ba, 29/09/2015 (GMT+7)
Chúng tôi đã phản ánh nội dung khiếu nại của Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong tố cáo Công ty Happy Travel Service (số 11 đường Pierre Lescot, 77185 Lognes, Pháp), do bà Nguyễn Thị Phương làm đại diện tại Việt Nam, hoạt động chui ở Việt Nam và gian dối khách hàng. (đi tour, hoạt động chui, đi du lịch nước ngoài, Happy Travel Service)
Chúng tôi đã phản ánh nội dung khiếu nại của Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông thủy sản xuất khẩu Thuận Phong tố cáo Công ty Happy Travel Service (số 11 đường Pierre Lescot, 77185 Lognes, Pháp), do bà Nguyễn Thị Phương làm đại diện tại Việt Nam, hoạt động chui ở Việt Nam và gian dối khách hàng.
Điều đặc biệt, liên tục giới thiệu đây là Văn phòng đại diện của Happy Travel Service tại Việt Nam nhưng khi chúng tôi hỏi ai là người đứng ra ký hợp đồng thì được bà Phương trả lời: “Ký hợp đồng với bên Pháp. Bên em gửi file mềm cho chị duyệt, rồi bên em ký trước, sau đó scan về cho bên chị ký, và scan lại cho bên em” vì “Ở đây không có con dấu, chỉ là văn phòng đại diện thôi mà!”.
Khách sẽ thanh toán bằng cách chuyển khoản sang công ty tại Pháp và sau đó: “Hóa đơn từ bên kia xuất về cho chị, là hóa đơn châu Âu, các đơn vị ở đây bên em vẫn xuất hóa đơn châu Âu mà”, bà Phương giải thích.
Chúng tôi tỏ ra không hiểu và lo lắng vì tính pháp lý của hợp đồng cũng như hóa đơn nói trên thì được bà Phương đưa ra giải pháp: “Còn nếu giả sử bên chị muốn xuất hóa đơn của công ty Việt Nam thì em sẽ nhờ một công ty du lịch tại Việt Nam ký hợp đồng với chị để 2 bên cùng là pháp nhân tại Việt Nam”.
Đồng thời trấn an: “Nếu có trục trặc gì thì chị lôi em ra, em ở đây giống như là con tin vậy!”. Theo bà Phương, công ty có thể đứng ra thay Happy Travel Service ký hợp đồng và xuất hóa đơn cho chúng tôi tại Việt Nam là Công ty Du lịch Ấn Tượng, ở Q.5 và được giải thích lòng vòng đó là một công ty con của công ty ở Pháp nhưng lấy pháp nhân tại Việt Nam; là công ty của nhau… Nếu ký hợp đồng với công ty này thì giá tour sẽ được tính bằng tiền Việt và thanh toán cho Ấn Tượng.
Như vậy, nghi vấn của người khiếu nại Happy Travel Service đang hoạt động chui tại Việt Nam đã được chính bà Phương khẳng định: “Đây là văn phòng liên lạc nên không có đăng ký kinh doanh, không khai báo thuế, lương của nhân viên bọn em sẽ do công ty bên Pháp trả”.
Hỏi rõ hơn về Happy Travel Service, chúng tôi được biết văn phòng này được mở ra hơn 7 năm nay, hiện có 7 nhân viên làm việc. Happy Travel Service là công ty của một Việt kiều Pháp. Theo “bật mí” của bà Phương thì nhiều công ty du lịch tại Việt Nam hàng ngày vẫn bán tour du lịch châu Âu cho khách nhưng thực tế họ không thực hiện tour đó, mà họ sẽ bán lại khách cho Happy Travel Service.
Hay nói cách khác, văn phòng bà Phương là nơi đứng ra gom khách, chủ yếu là khách đoàn, khách của các công ty du lịch tại Việt Nam chuyển sang cho Happy Travel Service tại Pháp thực hiện: “Bên em là công ty đứng phía sau để làm dịch vụ cho các công ty du lịch tại Việt Nam ký hợp đồng đưa khách đi du lịch châu Âu”.
Theo đó, từ bảng giá của bà Phương đưa ra, các công ty du lịch sẽ cộng thêm các khoản dịch vụ đi kèm nếu họ thực hiện được như: phí visa, dịch thuật, vé máy bay và tất nhiên là cả phần lợi nhuận của họ. Vì vậy khách hàng sẽ phải trả một cái giá cuối cùng rất cao nhưng không biết mình đã bị “bán” và chất lượng của chuyến du lịch mơ ước lúc này phụ thuộc nhiều vào “hên, xui”, trường hợp đoàn khách của Công ty Thuận Phong là một ví dụ.
Hỏi thêm về hướng dẫn viên, bà Phương cho biết hướng dẫn viên của Happy Travel Service đã đi “nát” châu Âu và được đào tạo cả việc lái xe, nên với các đoàn khách ít người, lái xe sẽ kiêm luôn hướng dẫn viên.
Ông Lê Bảo Thu, đại diện Công ty Thuận Phong cho rằng, chính vì tài xế kiêm hướng dẫn viên mà chất lượng dịch vụ của Happy Travel Service rất kém, tài xế có thể vì lái xe đường xa mệt, có thể vì tốc độ di chuyển nhanh mà căng thẳng… nên cáu gắt, có những lời nói khiếm nhã với đoàn. Mặt khác, khi tới các điểm tham quan, tài xế phải trông coi xe nên khách thường không được hướng dẫn, giới thiệu chu đáo.
Theo bà Phương, hầu như ngày nào văn phòng của bà cũng có đoàn khách khởi hành đi châu Âu. Hoạt động chui, với quy mô lớn, trong một thời gian dài, tại sao các cơ quan quản lý du lịch không phát hiện và xử lý?
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM cho biết các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch nước ngoài muốn mở văn phòng tại Việt Nam thì phải hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau đó phải qua Sở Du lịch hoàn tất hồ sơ nếu mở Văn phòng đại diện (chỉ được phép giao dịch và tiếp thị, không được kinh doanh), hoặc phải xin phép của Tổng cục Du lịch nếu mở chi nhánh (giao dịch, tiếp thị, kinh doanh). Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.
Theo NTD
.