Cho dù có một lương tâm trong sạch nhất, ranh giới giữa vi phạm pháp luật và không vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh rất mong manh.
 
 
Luật sư của bầu Kiên cho rằng nếu hợp đồng ủy thác không có giá trị, lợi nhuận của bà Hương là thu nhập của Công ty B&B thì lỗ và chi phí của bà Hương cũng là lỗ và chi phí của Công ty B&B. Khi chuyển toàn bộ lợi nhuận, lỗ của hợp đồng ủy thác từ bà Hương thành của B&B thì B&B bị lỗ, không phải nộp thuế.
 
Cho dù Công ty B&B có lỗi trong việc kê khai, có thiếu thuế thì đây cũng không phải là trốn thuế mà chỉ là nộp thiếu thuế và cần truy thu. Có nhiều trường hợp trên thực tế cơ quan thuế truy thu số tiền thuế gấp nhiều lần vụ án này mà không phải là vụ án hình sự. Vì việc ký hợp đồng ủy thác là có thật, lời ăn, lỗ chịu, không phải là hành vi cố ý nhằm trốn thuế.
 
Về tội danh cố ý làm trái
 
Bầu Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực HĐQT ngân hàng ACB bị kết tội cố ý làm trái gậy thiệt hại với tổng số tiền làm tròn là 1.400 tỷ đồng, gồm 718 tỷ đồng ủy thác cho nhân viên gửi tại Vietinbank trong vụ án Huyền Như và xấp xỉ 700 tỷ đồng được cho là thiệt hại trong việc đầu tư cổ phiếu ACB.
 
Vụ án Huyền Như chưa xử phúc thẩm để xác định trách nhiệm của Vietinbank với Ngân hàng ACB. Về việc đầu tư cổ phiếu ACB, chính Ngân hàng ACB khẳng định tại Tòa là không thiệt hại, việc này thể hiện ở chính các báo cáo tài chính của Ngân hàng ACB đã được kiểm toán xác nhận, đại hội đồng cổ đông thông qua. Ngân hàng ACB không có yêu cầu bồi thường với bầu Kiên cũng như các cá nhân khác.
 
Đáng suy nghĩ về lý luận, Ngân hàng ACB không có vốn góp của Nhà nước, việc kinh doanh thông thường có thể đúng, sai, lãi lỗ. Nhưng nếu các doanh nghiệp, với quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình, không yêu cầu xử lý và bồi thường, thậm chí nêu không thiệt hại thì việc xử lý hình sự các cá nhân sai phạm nếu có liệu có cần thiết? Nếu tội danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng được áp dụng rộng rãi thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi làm mất tiền của chính mình.
 
Hậu phương vững chắc?
 
Để các “người lính” doanh nhân yên tâm chiến đấu, các cơ quan Nhà nước chính là hậu phương vững chắc nhất, bảo vệ và hỗ trợ cho doanh nhân thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn; có một thái độ thông cảm, rộng lượng, tận tình với doanh nghiệp. 
 
Các hành vi vi phạm, các hành vi bị cấm phải được chỉ ra cụ thể, minh bạch, đúng là đúng, sai là sai. Khi nào còn cột cho doanh nhân các hành vi “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”, khi nào cơ quan Nhà nước còn tranh cãi một hành vi cụ thể là có vi phạm không, hoặc trả lời không rõ ràng, thì khi đó, ranh giới sai đúng của doanh nhân vẫn rất mỏng manh.
 
Có 3 trong số 4 tội danh trong vụ án có nhiều câu hỏi với cơ quan quản lý Nhà nước tại Tòa để khẳng định có hành vi vi phạm không. Các câu trả lời không rõ ràng, thậm chí là né tránh của Bộ kế hoạch đầu tư, của cơ quan đăng ký kinh doanh, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Cơ quan thuế trong vụ án bầu Kiên đặt ra nhiều câu hỏi về hậu phương vững chắc của “người lính” doanh nhân hiện nay.
 
Theo VTC News