(BVPL) - Nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách Agribank Kiều Trọng Tuyến cho rằng vụ việc Agribank thất thoát hơn 4.000 tỉ đồng là bài học đau xót và cần phải rút kinh nghiệm trong quản trị điều hành các hoạt động tín dụng. 
 
Bốn đại diện Agribank tại tòa từ chối trả lời về việc xử lý khoản nợ 4000 tỷ đồng của các công ty hiện như thế nào - Ảnh chụp màn hình
Bốn đại diện Agribank tại tòa từ chối trả lời về việc xử lý khoản nợ 4000 tỷ đồng của các công ty hiện như thế nào - Ảnh chụp màn hình
 
Ngày 24-12, ngày làm việc thứ 4 phiên xét xử vụ đại án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), HĐXX tiếp tục với phần thẩm vấn.
 
Không liên quan
 
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Kiều Trọng Tuyến - nguyên phó tổng giám đốc phụ trách Agribank) - cho rằng quá trình công tác tại Agribank, ông là người thực hiện gián tiếp vì các quyết định đều phải có phán quyết của hội đồng quản trị Agribank. Vì thế cáo trạng truy tố ông về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là quá nặng.
 
“Có đồng ý nâng quyền phán quyết tín dụng hay không là thuộc hội đồng quản trị. Hậu quả khoản tiền vay bị chiếm đoạt diễn ra tại chi nhánh Agribank Nam Hà Nội. Quá trình kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân tôi không liên quan. Tôi cũng không phụ trách kiểm tra đối với giám đốc chi nhánh khi thực hiện cho vay” - bị cáo Tuyến trần tình. 
 
“Sự việc ngày hôm nay là bài học đau xót cho Agribank cũng như hệ thống ngân hàng. Dù quản lý gián tiếp, tôi thấy mình cũng có những thiếu sót. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, nhưng đây là bài học cho các đồng nghiệp rút kinh nghiệm trong quản trị điều hành các hoạt động tín dụng” - ông Tuyến trả lời khi được hỏi về việc Agribank thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. 
 
Trong ngày 24-12, lần lượt 30 luật sư đã xét hỏi 18 bị cáo. Trả lời trước tòa, đa số 18 bị cáo đều cho rằng mình không có sai sót trong việc gây hậu quả của vụ án. Trong khi bị cáo là bên vay tiền đổ lỗi cho ngân hàng “hướng dẫn, tạo điều kiện” thì các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng lại cho rằng “bị cáo đã muốn lừa đảo thì thủ tục đầy đủ vẫn lừa được”. 
 
Bị cáo Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank, khai mình không phát hiện việc làm trái pháp luật của Phạm Thị Bích Lương (giám đốc Agribank Nam Hà Nội) khi Lương trình tờ trình nâng quyền phán quyết cho Công ty cổ phần Enzo Việt vay, trong khi hạn mức cho vay của công ty này đã hết. 
 
Theo ông Tân, không có văn bản nào quy định giám đốc chi nhánh phải báo cáo tổng giám đốc Agribank việc khách hàng đã hết hạn mức cho vay. Tổng giám đốc cũng không cần phải biết vấn đề này.
 
“Khách hàng chúng tôi có trên nửa triệu. Nếu báo tôi cũng không biết được” - ông Tân nói. 
 
Trước tòa, đại diện Agribank từ chối trả lời câu hỏi của luật sư về việc đến nay ngân hàng này đã xử lý khoản nợ của các công ty thế nào, cũng như việc bán nợ xấu ra sao. Theo đại diện Agribank, đây là vấn đề nội bộ, không được công bố. 
 
Cán bộ hải quan làm đúng?
 
Nhóm cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội) bị cáo buộc đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông quan, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Công ty Enzo Việt và Công ty liên doanh Lifepro VN.
 
Mặc dù các công ty này còn nợ tiền thuế nhưng các bị cáo đã giải quyết cho thông quan hàng hóa, gây thất thoát tiền thuế nhập khẩu cho Nhà nước và gián tiếp tạo thuận lợi cho các bị can người nước ngoài có các bộ tờ khai hải quan, dùng tờ khai lừa dối Agribank Nam Hà Nội giải ngân theo giá trị hàng hóa nhập khẩu.
 
Trong chiều 23-12, khi trả lời trước tòa, bị cáo Hoàng Tuấn Khanh (42 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) cho biết tháng 6-2011, bị cáo đã tiếp nhận 10 tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu nguyên liệu của Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.
 
Bị cáo thừa nhận mình thiếu trách nhiệm khi công ty này đang nợ 57 triệu đồng tiền thuế quá hạn nhưng bị cáo vẫn cho thông quan hàng hóa. Tuy nhiên bị cáo cho rằng việc đóng dấu thông quan “chỉ giá trị đi đường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”
 
Đỗ Thị Liên Hương (37 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) cũng cho rằng việc thông quan hàng hóa là cả một quá trình chứ không chỉ một mình bị cáo. Tại thời điểm mở tờ khai, bị cáo thấy doanh nghiệp nợ tiền thuế quá hạn.
 
Theo thẩm quyền của công chức bước 1, bị cáo đã yêu cầu doanh nghiệp đi nộp thuế, sau đó chuyển hồ sơ sang công chức bước 3. Công chức bước 3 có nhiệm vụ chờ biên lai doanh nghiệp đã nạp thuế thì mới cấp tờ khai. Vì vậy bị cáo không có sai sót.  
 
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi Hục hải quan Hà Tây) cho rằng bản kết luận của thanh tra là sai đối với bị cáo - Ảnh chụp màn hình
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi Hục hải quan Hà Tây) cho rằng bản kết luận của thanh tra là sai đối với bị cáo - Ảnh chụp màn hình
 
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã thanh tra và kết luận Chi cục Hải quan Hà Tây đã cho doanh nghiệp hưởng ân hạn thuế, thông quan hàng hóa không đúng quy định. Tuy nhiên tại tòa chiều 24-12, bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (37 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục hải quan Hà Tây) cho rằng bản kết luận của thanh tra Tổng cục Hải Quan không nói rõ ai sai phạm như thế nào mà lại đưa cả tên bị cáo vào.
 
“Kết luận thanh tra nói tôi sai mà không nói rõ tôi sai ở điểm nào, sai thế nào trong việc này. Khi kiểm tra tờ khai, tôi đã tích vào mục doanh nghiệp không được hưởng ân hạn thuế. Bản thân đoàn thanh tra của Tổng cục Hải quan đang bị điều tra vì có nhiều sai phạm trong việc thanh tra hoạt động tại nhà máy của Công ty Cổ phần Enzo Việt ở Ninh Bình.
 
Một bản kết luận thanh tra của đoàn thanh tra đang có nhiều sai phạm mà cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra mà lại dùng để kết tội các công chức hải quan là không đúng pháp luật. Kết luận thanh tra là sai đối với bản thân tôi. Tôi đã có đơn khiếu nại về kết luận này” - bị cáo Hằng khai trước tòa. 
 
Cả hai bị cáo Hương và Hằng đều cho rằng mình là công chức bước 1. Nhiệm vụ của công chức bước 1 là tiếp nhận, kiểm tra tờ khai. Phát hiện doanh nghiệp nợ 57 triệu tiền thuế, các bị cáo đã đề xuất kiểm tra hàng hóa.
 
Sau khi được lãnh đạo chi cục đồng ý, công chức bước 2 kiểm tra hàng hóa và công chức bước 3 có trách nhiệm kiểm tra xem doanh nghiệp đã nạp thuế chưa, sau đó mới cho thông quan. Vì vậy các bị cáo cho rằng trách nhiệm thuộc công chức bước 3. 
 
Tại tòa, đại diện Tổng Cục Hải quan cũng nhiều lần cho rằng nhiệm vụ của công chức bước 1 là kiểm tra hồ sơ, sau đó chuyển sang các bước 2, 3 chứ một mình công chức bước 1 khi chuyển hồ sơ đi không được coi là đã đồng ý cho hàng hóa thông quan. Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng các bị cáo đã làm đúng quy định. 
 
Sáng 25-12, phiên tòa tiếp tục làm việc. Dự kiến đại diện VKS sẽ trình bày bản luận tội đối với các bị cáo.
 
Theo Tuổi trẻ