(BVPL) - Hàng trăm hộ dân ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có đơn phản ánh về việc giá bán lẻ điện trên địa bàn xã của hai Công ty kinh doanh điện (Công ty cổ phần điện Quốc Tuấn và Công ty TNHH đầu tư Bình Phương) tăng cao, nhiều khoản dịch vụ điện thu cao và không theo quy định...
 
Mỗi Công ty một giá
 
Trên địa bàn huyện Nam Sách hiện có 16 Công ty đang kinh doanh loại hàng đặc biệt này. Trong đó, xã Quốc Tuấn có hai Cty mua và bán điện cho nhân dân là Cty điện Quốc Tuấn, do ông Vũ Đình Tuấn làm Giám đốc (cung cấp điện cho 1.780 hộ dân) và Cty Bình Phương, do bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt làm Giám đốc (cung cấp điện cho gần 800 hộ dân). 
 
Người dân xã Quốc Tuấn họp tại Nhà văn hóa để phản ánh về giá điện bất hợp lý.
Người dân xã Quốc Tuấn họp tại Nhà văn hóa để phản ánh về giá điện bất hợp lý.
 
Theo đơn của ông Nguyễn Bá Ngọc cùng nhiều hộ dân thôn An Xá, thì từ ngày 16/9/2013, Cty Bình Phương đã áp dụng giá điện bình quân trên công tơ 3 pha là: 1.912 đồng + VAT 10% KW/h (giá là 2.100 đồng/KW/h); Chi nhánh điện lực Nam Sách bán cho hộ dân giá là: 1.406 đồng/KW/h (bao gồm cả VAT); Cty điện Quốc Tuấn, bán lẻ điện cho các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt là: 1.911 đồng + VAT 10%/KW/h, giá điện kinh doanh là: 2.101 đồng + VAT 10%/KW/h.
 
Từ tháng 8/2013 đến tháng 5/2014, giá bán lẻ điện sản xuất mà Cty Bình Phương đang áp dụng là 1.406 đồng/1kWh; giá bán lẻ điện kinh doanh là 2.285 đồng/KWh + thuế GTGT. 
 
Như vậy, trên cùng một địa bàn xã Quốc Tuấn, nhưng hai Cty này lại thu hai giá điện khác nhau, và chênh lệch quá cao so với nhiều Cty điện khác trong huyện Nam Sách, làm cho các hộ dân sử dụng điện có nhiều bức xúc gửi đơn kiến nghị nhiều nơi.
 
Người sử dụng bức xúc, nhà quản lý hứa giải quyết
 
Theo đơn phản ánh của người dân, chúng tôi đã về xã Quốc Tuấn tìm hiểu sự việc. Ông Nguyễn Văn Khả, ở thôn An Xá làm nghề xay xát gạo cho biết: Hiện tại, giá điện gia đình ông phải trả lên tới gần 3.000 đồng/kWh. Việc lắp đặt điện 3 pha sử dụng máy xay xát hoặc chạy máy đóng cọc xây nhà phải mất tiền dịch vụ lắp đặt với giá cao, mà không biết Cty điện thu theo quy định nào?. Còn ông Lê Khả Thanh, chủ trang trại ở thôn An Xá phản ánh, trang trại không được sử dụng giá điện ưu tiên. 
 
Hiện tại đang phải trả tiền điện với giá 2.100 đồng/KW + thuế GTGT. Anh Phạm Công Trường cho biết; vợ chồng anh thuê nhà để ở và mở hiệu thuốc trong xóm, chỉ dùng quạt điện, tivi, nồi cơm điện, nhưng Cty lại bắt trả tiền dịch vụ điện kinh doanh... Nhiều hộ dân còn cho biết, khi thu tiền điện, doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ điện chỉ có phiếu thu hoặc giấy viết tay, không có hóa đơn. Như hộ gia đình ông 
 
Phạm Công Ngọc, làm nghề xay xát, những tháng gần đây phải mua điện với giá 2.101 đồng/1KWh + thuế GTGT. Có tháng gia đình ông phải đóng trên 5 triệu đồng tiền điện, song Cty bán điện chỉ thu qua phiếu thu. Hộ ông Nguyễn Huy Ngọc, ở thôn An Xá có tháng phải đóng gần 7 triệu đồng tiền điện, nhưng doanh nghiệp chỉ thu qua phiếu thu. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, giá điện gần đây tăng cao; cùng một loại hình sử dụng điện, nhưng giá bán điện không đồng nhất... Khi xây dựng nhà, xin điện 3 pha để đóng cọc, mỗi hộ phải chi từ 5 - 6 triệu đồng, hộ nào xin lắp đặt công tơ 3 pha phải chi 4 - 5 triệu đồng(?).
 
Trả lời về vấn đề trên, ông Vũ Đình Tuấn, Công ty điện Quốc Tuấn cho biết: Cty không đề ra các khoản thu trên, đây là do công nhân của Cty tự đòi tiền bồi dưỡng của người dân khi lắp đặt công tơ 3 pha...
 
Còn về việc Cty Bình Phương thu tiền điện thông qua phiếu thu, không có hóa đơn, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc cho biết: Cty có thiếu sót là chưa trả hóa đơn đầy đủ cho tất cả các hộ mua điện theo đúng quy định. Một phần là do Cty còn cho nhiều hộ nợ tiền điện, do làm ăn khó khăn nên Cty viết phiếu để thu tiền dần. 
 
Nhiều hộ sử dụng điện khi nộp tiền không nhận lại hóa đơn... Khi chúng tôi đề nghị Cty xuất trình hóa đơn GTGT của các hộ sử dụng điện, bà Nguyệt mới đem “một đống” cuống hóa đơn GTGT hàng tháng của gần 800 hộ dân sử dụng điện mà Cty cung cấp trong những năm qua... 
 
Trao đổi sự việc trên với ông Vũ Đình Quý – Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, được ông Quý cho biết: xã có nhận được đơn khiếu kiện của bà con về vấn đề giá điện, nhưng việc quản lý về điện lại thuộc Phòng kinh tế hạ tầng (KTHT) của huyện, những gì có lợi cho dân thì xã hoàn toàn ủng hộ, người dân muốn mua trực tiếp điện do Điện lực Nam Sách quản lý, thì xã hoàn toàn nhất trí. Còn theo ông Thiện - Phó trưởng phòng KTHT huyện Nam Sách, thì hiện tại phòng đang quản lý 16 Cty buôn, bán điện trên địa bàn. Sự việc trên phòng cũng đang cùng các đơn vị tìm cách giải quyết.
 
Theo nguyện vọng của các hộ dân sử dụng điện ở xã Quốc Tuấn, mong muốn Chi nhánh Điện lực Nam Sách tiếp quản và quản lý, để người dân đỡ bị thiệt thòi là hoàn toàn có cơ sở. Chính quyền cần quan tâm đến quyền lợi của người dân, tránh những đơn thư khiếu kiện kéo dài. Đề nghị ngành Điện lực Hải Dương và UBND tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc, làm rõ những thắc mắc của người dân, để nhân dân sớm ổn định cuộc sống. 
 
Bình Minh