Trong những năm gần đây, chủ trương xuất khẩu lao động sang các nước phát triển được Nhà nước ta hết sức quan tâm, khuyến khích hợp tác nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, cũng chính vì tâm lý khao khát đổi đời bằng cách đi lao động tại nước ngoài, người dân ở những vùng quê nghèo đã trở thành nạn nhân của hàng chục vụ lừa đảo xuất khẩu lao động trong thời gian qua.
Năm 2010, qua những lời dụ dỗ của một người địa phương móc nối với đối tượng ngoài tỉnh, hàng chục người từ các miền quê nghèo như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu đã gom góp tiền bạc để nộp cho một đường dây xuất khẩu lao động “chui” sang Nga với giá 50 triệu đồng/người. Nhưng cuộc sống ở miền đất hứa khác xa mong đợi. Và chỉ hơn một năm sau thì bi kịch đã ập đến.
Chiều 30 Tết Nhâm Thìn 2012, những cuộc điện thoại từ phương trời xa gọi về cho gia đình báo về cái chết của 3 thanh niên trong đoàn vì tai nạn lao động ngạt khí gas. Đó là các nạn nhân Lê Công Khoa (SN 1992) trú tại xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Văn Tuấn trú tại xã Diễn Hạnh và Nguyễn Văn Dũng trú tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Xót xa hơn khi trong số 3 người chết ấy, để đưa được xác về quê là điều không thể vì chi phí quá lớn. Các nạn nhân đều là những lao động “chui” nên việc xử lý các thủ tục liên quan gặp nhiều rắc rối. Vì vậy, cái nghèo vẫn đè nặng các gia đình có nạn nhân nói trên, giấc mộng đổi đời khi sang đất khách làm ăn nhanh chóng tan vỡ. Khi sự việc vỡ lở, những kẻ lừa đảo nhanh chóng ôm tiền “bặt vô âm tín”.
Mới đây nhất, trung tuần tháng 3/2014, Công an huyện Yên Thành cũng đã lật tẩy đường dây lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Canada lên tới hàng tỉ đồng. Kẻ cầm đầu đường dây là Ngô Thu Lý (SN 1983) trú tại Tân Yên, Bắc Giang cùng đồng bọn đã móc nối với Chu Ngọc Lâm trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành để tạo “điểm tựa” nhằm gom tiền lừa đảo hàng chục người dân nghèo ở các huyện trong tỉnh Nghệ An. Chỉ đến khi biết mình bị lừa, người dân mới làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng thì chân tướng của những kẻ lừa đảo mới dần lộ rõ.
Và, trong quá trình phá án, cơ quan CSĐT cũng không thể tin nổi, với những lai lịch xuất xứ không rõ ràng, giấy tờ, tài liệu đều là giả mà người lao động vẫn tin được mình sẽ sang nước ngoài làm việc nên nhanh chóng nộp cho chúng hàng tỉ đồng?! Ở đây, chưa bàn tới tài dụ dỗ, lừa đảo tinh vi của những đối tượng này, nhưng vấn đề thông tin, trình độ hiểu biết của người dân đang đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, trong đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động, ngay cả cấp ủy, chính quyền xã Tiến Thành, huyện Yên Thành cũng bị bọn chúng lợi dụng để mượn cả hội trường làm nơi tuyên truyền về cái gọi là “đường lối” để đưa người sang nước ngoài làm việc. Rõ ràng, trách nhiệm về công tác thẩm định, xác minh nhân thân của những cán bộ địa phương còn bị buông lỏng quản lý.
Vì vậy, qua những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động đã xảy ra, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin chính sách của các cơ quan chức năng cần được tăng cường hơn nữa. Hơn ai hết, người dân cũng cần cảnh giác với những chiêu trò bịp bợm một cách tinh vi của kẻ lừa đảo, tránh tình trạng biến mình thành “con rối” trong đường dây của chúng. Mặt khác, người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cần tìm đến những đơn vị có đầy đủ cơ sở pháp lý, tránh tình trạng thông qua “cò” để rồi tai họa rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Theo CA Nghệ An