Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bắt tạm giam Lê Bá Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Quang Tấn (Công ty Quang Tấn, 8A Dương Bạch Mai, TT.Long Điền, huyện Long Điền) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 


Ngày 20-11-2010, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy phép số 102/GPXD để xây dựng một bệnh viện phật giáo đa khoa tại TT.Phú Mỹ (huyện Tân Thành) với diện tích xây dựng 78.720m2, có 500 giường bệnh, gồm nhiều khoa như: cấp cứu, đông y vật lý trị liệu, lây nhiễm, nội, Khoa dinh dưỡng mặn… Nguồn vốn đầu tư xây dựng bệnh viện này dự kiến vận động từ các tổ chức, cá nhân từ thiện. Mục đích xây dựng bệnh viện là dựa vào tài trợ của các tổ chức, cá nhân từ thiện để chữa bệnh cho người nghèo.

Ngày 1-10-2011, một Hòa thượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm trưởng ban quản lý dự án bệnh viện phật giáo này đã ký giấy ủy quyền số 01/UQ/BQT cho ông Lê Bá Tùng, Giám đốc Công ty Quang Tấn được toàn quyền thương thảo với các đối tác, các đơn vị, các tập đoàn tài chính trong và ngoài nước về việc “khai thác, tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi, vốn bảo trợ, vốn tài trợ không hoàn lại…” nhằm mang nguồn tài chính hợp pháp đầu tư xây dựng bệnh viện. Theo đó, ông Tùng được quyền chủ động điều hành, tuyển chọn các đơn vị liên danh thi công xây dựng, được quyền ký kết các hợp đồng liên quan đến việc xây dựng với các đơn vị đã được tuyển chọn.

Sau đó, thông qua một người tên Phương (chưa xác định được lai lịch), ông Tùng gặp các ông Trần Đức Phú, Nguyễn Xuân Khải, Lương Văn Quý và được các ông này tự giới thiệu mình là đại diện của Công ty Calcior Enviromental Limited – Hồng Kông (CEL) tại Việt Nam, đang có nguồn vốn lớn muốn đầu tư từ thiện xây dựng bệnh viện tại một tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau khi gặp gỡ, các đại diện của CEL đã đồng ý tài trợ kinh phí xây dựng bệnh viện phật giáo đa khoa tại huyện Tân Thành dưới dạng từ thiện không hoàn lại với tổng kinh phí 500 triệu USD. Các đại diện của CEL cũng “cung cấp” cho ông Tùng một số giấy tờ (bằng tiếng nước ngoài) xác nhận có trụ sở tại Hồng Kông, có số dư tài khoản 3,002 tỷ đồng… (nhưng đến nay, việc tài trợ này không được thực hiện và cũng không liên lạc được với các ông Phú, Khải, Quý).

Tiếp đó, ngày 3-9-2012, chủ dự án bệnh viện phật giáo và đại diện CEL cùng với ông Tùng ký biên bản thỏa thuận giao cho Công ty Quang Tấn làm tổng thầu xây dựng phần thô và hạ tầng của dự án cũng như lo các thủ tục pháp lý để đưa nguồn vốn tài trợ về đầu tư xây dựng bệnh viện phật giáo này. Lợi dụng giấy ủy quyền và thỏa thuận mà chủ dự án đã ký, ông Tùng yêu cầu các doanh nghiệp muốn nhận được thi công các hạng mục của công trình bệnh viện phật giáo tại huyện Tân Thành phải trích hoa hồng trên tổng giá trị gói thầu. Không dừng lại ở đó, ông Tùng còn ký hợp đồng giao một hạng mục công trình (khoa) cùng lúc cho nhiều nhà thầu phụ để lừa đảo chiếm đoạt số tiền tổng cộng 11,05 tỷ đồng.

Chẳng hạn: Tháng 4-2012, ông Tùng ký giao gói thầu Khoa cấp cứu của bệnh viện này cho Công ty Hưng Thịnh Phát thi công xây dựng với tổng giá trị hơn 134,527 tỷ đồng để nhận hoa hồng là 1,3 tỷ đồng. Ngày 23-9-2012, ông Tùng ký hợp đồng giao gói thầu Khoa cấp cứu này cho Công ty Tường Thành với tổng giá trị xây dựng 240 tỷ đồng để nhận hoa hồng là 1,8 tỷ đồng. Ngày 19-11-2012, ông Tùng ký hợp đồng giao gói thầu Khoa đông y vật lý trị liệu cho Công ty Tường Thành với tổng giá trị xây dựng là 240 tỷ đồng để nhận hoa hồng 1,8 tỷ đồng. Mặc dù trước đó, ngày 20-9-2012, ông Tùng đã ký hợp đồng giao gói thầu Khoa đông y vật lý trị liệu này cho Công ty Thiên Phú thi công với tổng giá trị xây dựng hơn 271 tỷ đồng để nhận hoa hồng 1,6 tỷ đồng, ngày 17-5-2012, ông Tùng cũng ký hợp đồng giao gói thầu này cho Công ty Kỷ Nguyên Xanh thi công xây dựng với tổng trị giá xây dựng trên 119 tỷ đồng để nhận hoa hồng (chưa xác minh). Ngoài ra, ông Tùng còn ký hợp đồng giao các gói thầu Khoa dinh dưỡng chay, Khoa lây nhiễm, Khoa điều trị cho Công ty Hưng Thịnh Phát để nhận số hoa hồng tổng cộng 6,35 tỷ đồng…

Sau khi nhận được tiền hoa hồng, ông Tùng đã đóng cửa công ty và bỏ trốn khỏi nơi cư trú cũng như tắt điện thoại di động nên không ai liên lạc được. Đến ngày 23-4-2014, bà Nguyễn Viết Thúy, Giám đốc Công ty Tường Thành bất ngờ bắt gặp ông Tùng tại một quán cà phê ở quận 7 (TP.Hồ Chí Minh) nên mời về Phòng PC46, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm việc.

Hiện, cơ quan công an đang điều tra có hay không việc ông Tùng thông đồng các đối tượng lừa đảo (giả danh đại diện CEL) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp kể trên.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.