Đã 64 tuổi đời nhưng Huỳnh Văn Danh (SN 1950, ngụ tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) vẫn phải ra đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho hành vi lừa đảo mà y đã thực hiện 17 năm về trước. Điều đáng nói là trong 17 năm qua, ông ta luôn nơm nớp lo sợ nhưng rồi cũng bị bắt theo lệnh truy nã.

 


Thu mua nông sản rồi bỏ trốn

Có mặt tại phiên toà phúc thẩm xét xử Huỳnh Văn Danh tại TAND tỉnh vào ngày 25.6.2014, nhiều người nông dân vẫn chưa hết tức giận mặc dù chuyện đã xảy ra 17 năm trước, bởi lẽ chính sự gian dối của Danh trong việc thu mua đậu phộng đã khiến họ phải hết sức vất vả, khó khăn.

Quay về 17 năm trước, khi ông Hai Danh (tên mà những nông dân xã Truông Mít gọi Huỳnh Văn Danh) là một thương lái thu mua nông sản có uy tín trong vùng, được nhiều người tin tưởng bán nông sản theo hình thức lấy sản phẩm trước và trả tiền sau. Do mua bán mau lẹ, trả tiền sòng phẳng nên nhiều nông dân ở xã Truông Mít đã tự tìm đến bán nông sản cho ông Hai Danh. Thế nhưng vào mùa thu hoạch đậu phộng đầu năm 1997, Hai Danh đã “lên kế hoạch” thu gom đậu phộng của nông dân thật nhiều rồi… bỏ trốn. Chỉ trong 8 ngày- từ ngày 22.3.1997 đến ngày 30.3.1997, Hai Danh đã mua đậu phộng của 36 hộ dân tổng cộng 73.680kg với tổng số tiền hơn 343 triệu đồng. Hai Danh chỉ trả trước cho bà con nông dân được 9,7 triệu đồng, còn lại hơn 333 triệu đồng Danh chiếm đoạt và cùng gia đình bỏ trốn. Sau khi “hốt cú chót”, Hai Danh đưa gia đình lên tận tỉnh Kon Tum sinh sống, nhưng “lưới trời” khó thoát nên đến ngày 26.11.2013 ông ta bị bắt theo lệnh truy nã.


Lãnh án sau 17 năm lẫn tránh

Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Dương Minh Châu đã xử phạt Huỳnh Văn Danh 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, và buộc Hai Danh phải bồi thường 333 triệu đồng cho 36 người nông dân mà Hai Danh đã chiếm đoạt tiền mua đậu phộng 17 năm về trước.

Cho rằng mức hình phạt mà toà án sơ thẩm xử phạt là nặng nên Hai Danh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong khi đó 36 người bị hại cũng đồng loạt có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Hai Danh.

Tại phiên toà phúc thẩm, Hai Danh khai sau khi chiếm đoạt tiền mua đậu phộng của 36 người nông dân hơn 333 triệu đồng. Hai Danh trả nợ hơn 100 triệu đồng, số tiền còn lại Hai Danh cùng gia đình lên Kon Tum mua đất trồng mía. Do mía rớt giá nên ông ta trắng tay và bán rẫy đi làm thuê đủ thứ nghề cho đến ngày bị bắt.

Số tiền hơn 333 triệu đồng mà Hai Danh chiếm đoạt vào thời điểm năm 1997 có giá trị rất lớn- tương tương đến hơn 50 lượng vàng. Thế nhưng từ ngày Hai Danh bị bắt, gia đình ông ta chỉ mới nộp được 10 triệu đồng tại Chi cục THADS huyện Dương Minh Châu để khắc phục một phần hậu quả. Hai Danh khai là mình cũng có tác động gia đình kiếm tiền bồi thường cho nông dân, nhưng vợ con ông ta cho rằng mức án sơ thẩm tuyên quá nặng, có bồi thường thì Danh cũng “chết trong tù” (!?). Vị công tố gặn hỏi Hai Danh số tiền chiếm đoạt sử dụng vào việc gì? Danh trả lời là dùng vào sinh hoạt gia đình, lo cho vợ con. “Vậy tại sao ngày hôm nay, vợ con bị cáo lại không nhận thức được điều đó để bị cáo phải gánh chịu một mình. Vợ con bị cáo phải có trách nhiệm cùng khắc phục hậu quả mà bị cáo đã gây ra để bù đắp cho các nạn nhân chứ không thể vô trách nhiệm như vậy”- vị công tố phát biểu.

Cuối cùng, sau khi Hội đồng xét xử giải thích, 36 người bị hại đều đồng ý rút lại kháng cáo tăng hình phạt đối với Huỳnh Văn Danh. Còn bị cáo dù kháng cáo nhưng không đưa ra được lý do nào để Hội đồng xét xử xem xét ngoài việc cho rằng bản thân đã lớn tuổi, mang nhiều bệnh tật nên xin giảm án để về sớm để trị bệnh! Do đó, Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo của Huỳnh Văn Danh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Kết thúc phiên toà, Hai Danh nặng nề lê bước theo các chiến sĩ công an về trại giam để chấp hành bản án 10 năm tù mà ông ta đã trốn chạy từ 17 năm trước.

 

Theo Báo Tây Ninh

.