(BVPL) - Hôm nay là ngày xét xử thứ hai vụ án cố ý làm trái trong xét xử đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Gia Lai. Theo lời khai của các bị can, họ không biết sai phạm xảy ra lúc nào trong quá trình tổ chuyên gia đấu thầu thuốc làm việc và việc để xảy ra sai sót dẫn đến thất thoát gần 8,6 tỉ đồng là do áp lực từ phía nguyên Giám đốc sở Phùng Xuân Quýnh nên phải làm việc gấp gáp, dẫn đến sơ suất!
Cả hệ thống cùng “phù phép”
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai giao cho Sở Y tế tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở y tế căn cứ kết quả đấu thầu này để ký kết hợp đồng mua thuốc theo nhu cầu trong năm.
|
Nguyên Giám đốc sở Phùng Xuân Quýnh (bìa phải). Ảnh: L.Đ.Dũng |
Theo đó, GĐ Sở Y tế Phùng Xuân Quýnh ra quyết định thành lập hội đồng và tổ chuyên gia đấu thầu thuốc theo từng năm. Trong tám bị cáo trên thì Phan Minh Hiếu, Đoàn Cường và Đặng Đức Châu tham gia đấu thầu thuốc liên tục 3 năm. Bị can Châu cho rằng trong ba năm đó, mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
|
Nguyên Phó phòng Nghiệp vụ dược Đoàn Cường. Ảnh: L.Đ.Dũng |
|
Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Đặng Đức Châu. Ảnh: L.Đ.Dũng |
Trong quá trình xét thầu, tổ chuyên gia đấu thầu đã xét loại ra 9 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí, dẫn đến 9 mặt hàng thuốc dự thầu khác có giá chào thầu cao hơn được trúng thầu. Có 7 mặt hàng thuốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc Châu Á thì tổ chuyên gia “phù phép” xét đạt vào danh mục của khối nước Châu Âu sản xuất. Ngoài ra, có 61 mặt hàng không đảm bảo các tiêu chí quy định tại hồ sơ mời thầu (có số đăng ký hết hạn, có GMP hoặc CPP hết hạn) các bị can vẫn xét cho trúng thầu.
Tổng thiệt hại trong ba năm tổ chuyên gia đấu thầu Sở Y tế tỉnh Gia Lai gây ra sai phạm là gần 8,6 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can cho rằng không cố ý làm trái mà chỉ thiếu trách nhiệm. Rằng do khối lượng công việc nhiều, thời gian xét thầu ngắn, bị giám đốc sở hối thúc thường xuyên liên tục, phải làm việc cả buổi tối... nên gây ra tình trạng áp lực, chỉ một-hai ngày đầu thì xét thầu rất kỹ, sau đó xét rất nhanh và qua loa.
Đối với bị can Phùng Xuân Quýnh- là chủ đầu tư dự án đấu thầu thuốc năm 2008, là người chịu trách nhiệm chung trong các hoạt động đấu thầu thuốc trong ba năm- đã có hành vi buông lỏng quản lý, trực tiếp ký vào tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả xét thầu năm 2008, trong đó có 6 mặt hàng thuốc bị xét thầu sai gây thiệt hại 2,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, Viện KSND chỉ truy tố với tội danh “thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại nghiêm trọng”.
Sai phạm liên đới hàng loạt
Trong cáo trạng của Viện KSND tỉnh Gia Lai đã đề cập đến nhiều sở ngành liên quan đến vụ đấu thầu thuốc này.
Theo đó, Sở Tài chính là cơ quan thẩm định danh mục chi tiết thuốc đấu thầu, đây là cơ quan tham mưu được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thẩm định danh mục chi tiết thuốc đấu thầu trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Tài chính giao cho Phòng Quản lý công sản - giá mà trực tiếp là bà Bùi Hồng Tân - chuyên viên thực hiện việc thẩm định. Bà Tân chỉ căn cứ vào tờ trình của Sở Y tế và danh mục thuốc kèm theo để làm tờ trình lãnh đạo Sở Tài chính ký trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục mà không kiểm tra, không thẩm định danh mục thuốc. Năm 2009, bà Tân biết việc cộng thêm thặng số 20% vào báo giá của Cty dược TƯ 3 để làm giá kế hoạch chỉ định thầu đối với gói thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, nhưng không yêu cầu Sở Y tế làm rõ.
Đối với Sở Kế hoạch-Đầu tư, theo quyết định của UBND tỉnh thì phải thẩm định kết quả đấu thầu thuốc và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thẩm định. Sở này đã giao cho Phòng Thẩm định và Giám sát đầu tư, mà trực tiếp là ông Trần Đình Triết - Phó trưởng phòng - thực hiện việc thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả trúng thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh năm 2008, 2009, 2010.
Trong hồ sơ trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Sở Y tế có 77 trong 1.415 mặt hàng thuốc đề nghị trúng thầu không đúng với hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá được duyệt (trong đó, có 16 mặt hàng sai phạm trong vụ án này), nhưng cán bộ thẩm định của Sở Kế hoạch-Đầu tư không phát hiện ra.
Cả hai trường hợp này, Cơ quan CSĐT chỉ có văn bản đề nghị lãnh đạo hai sở xem xét, kỷ luật.
Cũng liên quan đến vụ việc, Cty CP dược VTYT Gia Lai là nhà thầu đã dự thầu 7 mặt hàng thuốc không đúng danh mục thuốc mời thầu. Đại diện Cty giải trình là do tập hợp hồ sơ nhiều, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu gấp rút nên đã để xảy ra sai sót có 7 mặt hàng dự thầu không đúng danh mục mời và cung cấp 7 mặt hàng thuốc sai xuất xứ cho cơ sở y tế, gây thiệt hại số tiền hơn 1,124 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT chỉ đề nghị thu hồi số tiền trên cho ngân sách nhà nước.
Theo Nguyễn Thịnh-Lê Đình Dũng
Báo Lao Động