HĐXX đã quyết định tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của Huyền Như tại 5 công ty để điều tra lại.
 
 
Trước đó, trong kháng cáo, ngân hàng ACB yêu cầu xem lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank; đề nghị ngân hàng này trả lại số tiền bị Huyền Như chiếm đoạt; đề nghị hủy một phần bản án liên quan đến ngân hàng này.
 
Trong vụ việc liên quan đến ACB, HĐXX cấp phúc thẩm thấy rằng, việc TAND TP Hà Nội tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “bầu” Kiên đã khởi tố Huỳnh Thị Bảo Ngọc để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Huyền Như là đúng pháp luật nên tòa phúc thẩm không đặt vấn đề.
 
Ngọc là người đã giao dịch, trao đổi về lãi suất vượt trần với Huyền Như đồng thời cầm lót tay tiền tỷ từ “siêu lừa”.
 
Kháng cáo của Ngân hàng Navibank (nay đổi tên thành Ngân hàng Quốc dân) cũng bị HĐXX bác bỏ. Theo HĐXX, việc Navibank yêu cầu Vietinbank bồi thường là không có cơ sở chấp nhận.
 
Quan điểm của VKS tại phần tranh luận phù hợp với phân tích và nhận định của HĐXX. Huyền Như và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trả tiền cho Ngân hàng Navibank.
 
Đối với kháng cáo của 5 công ty: An Lộc, Phương Đông, SBBS, Hưng Yên… HĐXX có cơ sở khẳng định Huyền Như là người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ thực hiện giao dịch giả là nằm ngoài ý chí của khách hàng.
 
HĐXX cũng xem xét kiến nghị về hành vi Tham ô tài sản của Huyền Như. HĐXX quyết định hủy một phần bản án liên quan đến 5 công ty này để điều tra lại.
 
Đối với kháng cáo của Võ Anh Tuấn, HĐXX giữ nguyên mức án đã tuyên tại phiên tòa sơ thẩm.
 
Đối với bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh – chị gái Huyền Như, HĐXX cho rằng, mức án 14 năm tù giam đối với bị cáo là phù hợp, thỏa đáng, đúng pháp luật.
 
Đối với kháng cáo của trùm cho vay lãi nặng Đào Thị Tuyết Dung, chủ tọa cho rằng, mức án 10 năm chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo phạm tội vì động cơ xấu.  Tình tiết giảm nhẹ của Tuyết Dung không có căn cứ chấp nhận.
 
Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ của bị cáo Huyền Như về căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng ở Quảng Nam, theo HĐXX việc mua bán thanh toán là do Huyền Như thực hiện, nên không có căn cứ chứng minh bà Lang có quyền sở hữu hợp pháp.
 
Đối với bị cáo Phạm Anh Tuấn, HĐXX xét thấy, nhân thân bị cáo tốt nên xem xét giảm nhẹ hình phạt.
 
Đối với Huyền Như do không có kháng cáo, nên nhận mức án chung thân cho hai tội danh như đã tuyên tại phiên tòa sơ thẩm.
 
Ngoài ra, HĐXX còn có một số kiến nghị liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, xem xét điều tra một số cá nhân liên quan đến hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.
 
Mức án phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ án “siêu lừa” Huyền Như:
 
Nhóm bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
 
Võ Anh Tuấn, 20 năm tù giam
 
Huỳnh Mỹ Hạnh, 14 năm tù giam
 
Trần Thị Tố Quyên, 14 năm tù giam
 
Nhóm bị cáo Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
 
Đoàn Lê Du, 17 năm tù giam
 
Hoàng Hương Giang, 8 năm tù giam.
 
Phạm Thị Tuyết Anh 15 năm tù giam
 
Huỳnh Hữu Danh 14 năm tù giam
 
Trần Thanh Thanh, 9 năm tù giam
 
Tống Nguyên Dũng 5 năm tù giam
 
Huỳnh Trung Chí 7 năm tù giam
 
Bùi Ngọc Quyên 13 năm tù giam
 
Vũ Nguyễn Xuân Tiên 9 năm tù giam.
 
Nguyễn Thị Phúc Ngân 10 năm tù giam.
 
Nhóm bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
 
Lương Thị Việt Yên 6 năm tù giam
 
Hồ Hải Sỹ 6 năm tù giam.
 
Lê Thị Ngọc Lợi 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
 
Nhóm bị cáo Cho vay lãi nặng
 
Nguyễn Thiên Lý 6 năm tù giam
 
Đào Thị Tuyết Dung 15 năm tù giam
 
Nhóm bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
 
Phạm Anh Tuấn 11 năm tù giam./.
 
Theo VOV
.