Bộ Tài nguyên và Môi trường: UBND tỉnh Hải Dương; Sở TNMT tỉnh Hải Dương đã liên tiếp ra các công văn trong nhiều năm gửi UBND huyện Gia Lộc (Hải Dương) yêu cầu giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng cho người dân. Thế nhưng, mặc người dân khản giọng kêu cầu, mọi việc vẫn "án binh bất động".
Báo Dân trí nhận được Đơn xin cứu xét của ông Lương Công Phượng (SN 1958), nguyên quán: thôn Cát Hậu, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; hiện trú tại số 175 - C4, Khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội; là con độc nhất của liệt sỹ Lương Mạnh Toàn.
Nội dung đơn cho biết: "Mảnh đất ở của ông nội tôi là Lương Công Sự có nguồn gốc do ông cha để lại nằm ở cạnh đường trục xã trước cửa gia đình ông Nguyễn Đức Dùng, có diện tích 2 sào 10 thước Bắc Bộ làm đất thổ cư và 8 thước đất 5% trồng hoa màu.
|
Nguồn gốc đất của gia đình ông Lương Công Phượng được người dân và các cán bộ chính quyền trước đây xác nhận rõ ràng. |
Gia đình chúng tôi gồm: ông bà nội, bố mẹ tôi, ba người cô (em ruột của bố tôi) và tôi sinh sống trên thửa đất này. Các cô tôi là: Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngoan và Nguyễn Thị Ngoãn.
Năm 1960, khi tôi 2 tuổi, cha mẹ tôi ly hôn, mẹ tôi đi lấy chồng ở nơi khác, cho đến nay không về quê, tôi ở với ông nội tôi tại thửa đất này.
Năm 1961, bố tôi đi thoát ly, làm công nhân nông trường Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương. Năm 1967, bố tôi nhập ngũ và hy sinh năm 1972 tại chiến trường miền Nam; Cô tôi là Nguyễn Thị Huệ đi lấy chồng ở xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc; năm 1962, bà nội tôi là Nguyễn Thị Rêu chết, do già yếu; năm 1971, cô Nguyễn Thị Ngoan đi thoát ly, làm công nhân ở Cẩm Phả, Quảng Ninh và xây dựng gia đình tại đó; năm 1974, ông nội tôi chết, do già yếu; năm 1977 tôi đi học. Cô tôi Nguyễn Thị Ngoãn ở nhà trông coi nhà đất trên, sau đó cô tôi đi thanh niên xung phong rồi đi lấy chồng ở đâu, tôi không rõ.
Khoảng năm 1983 - 1984 tôi nhờ cụ Lương Công Xiểm (người cùng trong họ) trông nom
Năm 1985, tôi được nhận công tác tại Công ty XNK Nông sản II - Đà Nẵng, thuộc Tổng Công ty XNK Nông sản Việt Nam cũng thời điểm này HTX nông nghiệp Hồng Hưng có quan điểm mở đường tiêu úng đi qua phần đất của gia đình tôi. Lúc đó ông Nguyễn Đức Môn quyền Chủ nhiệm HTX Hồng Hưng có liên hệ với tôi và đề cập với tôi cho mở kênh tiêu qua phần đất của gia đình tôi khi nào gia đình cần thì tập thể sẽ có trách nhiệm. Tôi đồng ý để HTX làm kênh qua đất nhà tôi (thực tế chỉ mất 1 phần của thửa đất). Sau đó HTX Hồng Hưng cùng với thôn Cát Hậu tạm giao phần đất còn lại của gia đình tôi cho ông Dùng khi nào tôi về và có nhu cầu sử dụng thì tập thể sẽ trả lại. Đến thời điểm các hộ kê khai đăng ký sử dụng đất thì tôi đi vắng không có mặt ở nhà để kê khai, cuối năm 1985 tôi có về quê và đề cập về thửa đất với HTX và địa phương nhưng chưa được giải quyết, những năm tiếp theo tôi vẫn có ý kiến đề nghị với địa phương nhưng chưa được cấp nào giải quyết.
|
Công văn chỉ đạo coả Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Ngày 22/5/2012 UBND xã Hồng Hưng có Biên bản xác minh và "đề nghị UBND và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gia Lộc xem xét giải quyết để cho gia đình ông Phượng có đất ở để thờ cúng Liệt sỹ Lương Mạnh Toàn".
Từ nguồn gốc đất rõ ràng như vậy, ông Phượng đề nghị chính quyền địa phương cho được nhận lại thửa đất thổ cư của ông cha để lại, để tôi có thể dựng nhà, lập bàn thờ tổ tiên, ông, bà và bố là liệt sỹ Lương Mạnh Toàn trên mảnh đất quê hương.
"Diện tích đất này hiện nay không có tranh chấp với ai. Hiện nay thửa đất này Hợp tác xã tạm giao cho ông Nguyễn Đức Dùng sản xuất trồng hoa màu. Ông Dùng là người đã ký vào đơn xin lại đất của tôi, ông ùng sẵn sàng giao lại đất cho tôi, việc bồi thường hoa màu trên đất tôi và ông Dùng sẽ thỏa thuận không để xảy ra tranh chấp", ông Phương cho biết.
|
Các công văn chỉ đạo liên tiếp của UBND tỉnh Hải Dương liệu có rơi vào tình trạng "nước chảy bèo trôi". |
Liên quan đến nguyện vọng chính đáng của ông Phượng, ngày 27/5/2013, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 128/TTr-TDXLĐT do ông Lê Quốc Trung - Chánh thanh tra ký gửi UBND huyện Gia Lộc đề nghị huyện này giải quyết theo quy định của pháp luật và chính sách Nhà nước với gia đình ông Phượng là gia đình chính sách.
Tiếp đến, ngày 15/6/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5833/TNMT-NVĐĐ gửi UBND huyện Gia Lộc cho biết các nội dung đề nghị của ông Lương Công Phượng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Gia Lộc. Vì vậy, Sở TNMT đề nghị UBND huyện Gia Lộc chỉ đạo Phòng TNMT và các đơn vị chức năng liên quan hướng dẫn ông Phương thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật.
Ngày 12/10/2015, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 404/UBND-VP-TCD chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc kiểm tra, giải quyết các nội dung đề nghị bằng đơn của ông Lương Công Phượng, báo cáo Chủ tịch tịch Hải Dương trước ngày 30/11/2015.
Mọi việc vẫn "án binh bất động". Mới đây nhất, ngày 6/7/2016, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có công văn số 242/UBND-VP-TCD yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc kiểm tra, xét xét giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người dân, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trước ngày 31/8/2016.
Như vậy, đã hơn 3 năm trôi qua từ ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu giải quyết quyền lợi cho người dân, UBND huyện Gia Lộc đã làm gì? Đã giải quyết như thế nào? Và người dân còn phải khốn khổ gửi thêm bao nhiêu lá đơn để được ông Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc giải quyết như chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Theo Dân trí