Báo BVPL nhận được nhiều đơn thư của một số cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia phản ánh nhiều sai phạm của ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban QLDA. Những tố cáo không được cơ quan chủ quản (Bộ Xây dựng) phúc đáp khiến người dân bức xúc.

 

Theo đơn thư, ông Nguyễn Quang Nam, trước đây là Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia vào năm 2007. Hệ số lương ở cơ quan cũ là 6,97 và khi về tại cơ quan mới theo quy định thì ông Nam phải làm thủ tục điều chỉnh hệ số lương cho phù hợp với nhiệm vụ. Thế nhưng, ông Nam vẫn tự quyết định cho mình được hưởng nguyên hệ số lương cũ là 6,97 và cộng thêm hệ số trách nhiệm là 1,0, mặc nhiên ông Nam được hưởng hệ số lương 7,97. Đến năm 2011, Bộ Xây dựng mới có quyết định điều chỉnh hệ số lương ông Nam xuống chỉ còn 6,97. Nghiễm nhiên, trong suốt thời gian gần 5 năm, ông Nam đã hưởng lợi từ tiền ngân sách nhà nước lên đến hàng trăm triệu đồng.


Đơn thư cho rằng, khi về làm Giám đốc BQLDA này, ông Nam đã tuyển dụng cháu (con dì ruột ông Nam), một nhân viên kỹ thuật tin học, không đủ điều kiện vào làm việc tại Ban. Sau khi được tuyển dụng, trong suốt 4 năm nhân viên này được đi học tại chức, học trong giờ hành chính nhưng vẫn được hưởng nguyên lương tại Ban QLDA. Trong khi Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia mới đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, số lượng cán bộ đang làm việc thường xuyên tại Ban khoảng 26 người và Bộ Xây dựng đã cử hàng chục cán bộ làm việc kiêm nhiệm. Nhiều người chưa có việc để làm hết thời gian nhưng Giám đốc Nam vẫn ký hợp đồng với 2 cán bộ về hưu để tư vấn cho Giám đốc. Thực tế, hai cán bộ này rất ít có mặt tại Ban và cũng không có báo cáo kết quả công việc nhưng vẫn được nhận lương gần 10 triệu đồng/tháng.

 

Việc triển khai dự án, nhiều cán bộ trong BQLDA cho rằng, năm 2007, Bộ Xây dựng có hai dự án trọng điểm đó là đầu tư xây dựng nhà Quốc hội (khoảng 4.800 tỷ đồng) và dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia (dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng), có tiến độ triển khai công việc ngang nhau. Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm, dự án nhà Quốc hội đã triển khai thi công xong phần móng, phần ngầm và đang thi công đến phần thân, còn dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia do Giám đốc Nam chỉ đạo thì chưa được phê duyệt đầu tư, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và còn nhiều thiếu sót như: Sau khi thi tuyển kiến trúc hoàn thành năm 2008, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án kiến trúc để lập dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 280 triệu USD (tương đương khoảng 5.700 tỷ VND), nhưng Giám đốc chỉ đạo nhà thầu tư vấn lập Tổng mức đầu tư của dự án (năm 2011) lên đến 436 triệu USD (tương đương khoảng 9.100 tỷ VND). Nhà thầu tư vấn lập dự án đã đưa chi phí quản lý dự án bằng 4% chi phí xây dựng và thiết bị (tương đương 281 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư của dự án. Đây là khoản tiền gấp 7 lần so với quy định của Nhà nước.


Ngoài ra, đơn thư cũng đề cập đến năng lực lãnh đạo của cá nhân BQLDA dẫn đến dự án bị chậm trễ, cụ thể việc đàm phán hợp đồng với nhà thầu tư vấn lập dự án kéo dài hơn 1 năm mới hoàn thành; ký hợp đồng tư vấn lập dự án từ ngày 5/01/2010 đến 16/11/2010 mới bắt đầu triển khai; Công tác lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết ô đất 07 thuộc khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 và 1/500, được Chính phủ chấp thuận chỉ định Viện kiến trúc quy hoạch thực hiện vào tháng 1/2010 nhưng đến tháng 10/2010 mới hoàn thành. Bảo tàng lịch sử quốc gia đã bắt đầu triển khai được gần 5 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Thế nhưng, số tiền đã chi cho hoạt động của Ban QLDA khoảng 24 tỷ đồng (tương đương với 60% chi phí hoạt động của BQLDA theo quy định của Nhà nước).

 

Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều nội dung đơn thư được cán bộ BQLDA Bảo tàng lịch sử quốc gia trình bày nhưng chưa được Bộ Xây dựng trả lời, hay cho kiểm tra. Thiết nghĩ, Dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia là một công trình trọng điểm và mang tính nhân văn, vì thế phải được quan tâm đúng mức. Những nội dung khiếu nại của cán bộ Ban QLDA cần được xác minh chặt chẽ từ cơ quan chủ quản để phân định đúng sai, xử lý theo pháp luật.

 

B.B.Đ

.