Ép dân trả lại tiền bồi thường đất, UBND huyện đứng về phía ai?
Cập nhật lúc 19:56, Thứ sáu, 24/10/2014 (GMT+7)
Vụ việc xảy ra tại dự án Cụm Công nghiệp Đức Hòa Đông Hải Sơn (thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, đang gây nhiều ngạc nhiên lẫn bức xúc cho người dân địa phương. (bồi thường đất, Long An, Đức Hòa)
Vụ việc xảy ra tại dự án Cụm Công nghiệp Đức Hòa Đông Hải Sơn (thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư, đang gây nhiều ngạc nhiên lẫn bức xúc cho người dân địa phương.
Công an yêu cầu nộp lại tiền?
“Trong lúc tôi chưa kịp khiếu nại đối với 2 quyết định vừa nhận thì bất ngờ tôi bị công an huyện Đức Hòa mời đến trụ sở làm việc nhiều lần. Điều tra viên làm việc với tôi là các ông Đỗ Ngọc Sơn và Hồ Minh Trung. Họ yêu cầu tôi phải giao nộp số tiền 483.097.500 đồng. Tôi thắc mắc là tiền gì thì các cán bộ nói rằng tiền chênh lệch phải hoàn trả lại Công ty Hải Sơn theo quyết định điều chỉnh của UBND huyện Đức Hòa. Khi tôi nói rằng, tôi không còn tiền để trả lại vì đã chi tiêu hết thì điều tra viên nói rằng nếu không trả sẽ bị bắt giam về hành vi lạm dụng chiếm đoạt tiền Nhà nước”-ông Nguyễn Văn Út bức xúc kể lại.
Quá lo lắng, ngày 12/8/2014, ông Út đã mang đủ 483.097.500 đồng, số tiền mà theo ông là phải đi vay nặng lãi, đến nộp cho công an. Điều tra viên thu giữ tiền lập biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu theo mẫu số 10BB của Bộ Công an ban hành, nội dung thu giữ là theo quyết định điều chỉnh của UBND huyện Đức Hòa để trả cho Công ty Hải Sơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Út búc xúc: “Tôi không bị điều tra, tôi không bị khởi tố nhưng cách họ làm với tôi chẳng khác nào với một đối tượng phạm tội. Lẽ ra họ thu giữ tiền thì phải có quyết định khám xét hay quyết định thu giữ đồ vật. Đằng này, trong quyết định, UBND huyện chỉ ghi là điều chỉnh giảm số tiền bồi thường nhưng không đề cập việc buộc phải hoàn trả hay hoàn trả cho ai, ở đâu”. Theo ông Út, việc ông nhận tiền bồi thường là do cơ quan Nhà nước tính toán, chủ đầu tư chi trả và bản thân ông đã chấp hành nghiêm túc. Do vậy, ông cảm thấy rất bất bình trước cách làm của chính quyền và công an địa phương”.
Một hộ khác bị thu hồi đất và buộc phải trả lại tiền bồi thường là ông Nguyễn Văn Quý (SN 1964). Số tiền mà ông phải nộp lại lên đến gần 1,2 tỷ đồng. Thực tế, ông Quý có 7.166m2 đất bị thu hồi để giao cho Công ty TNHH Hải Sơn. Theo quyết định số 19718 của UBND huyện Đức Hòa ban hành ngày 4/12/2013, ông Quý được bồi thường, hỗ trợ 2.637.070.446 đồng.
Cách đây gần một tháng, ngày 19/8/2014, UBND huyện Đức Hòa ra Quyết định số 7028 để điều chỉnh một phần Quyết định số19718. Theo đó, số tiền bồi thường hỗ trợ cho hộ dân này chỉ còn 1.441.045.000 đồng, tức giảm đi gần 1,2 tỷ đồng. Lý do là điều chỉnh giá trị nhà cửa, vật kiến trúc theo biên bản xác định lại thời điểm cất nhà trên đất nông nghiệp.
Theo ông Quý, lý do điều chỉnh giảm tiền bồi thường là không đúng. Căn nhà ông xây dựng trước thời điểm 1/7/2004. Trước khi quyết định bồi thường, các cơ quan Nhà nước đã thẩm định, kiểm kê và đưa ra mức giá hợp lý thì ông mới đồng ý bàn giao mặt bằng cho Công ty Hải Sơn. Khi ông Quý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, phía công ty có lập biên bản rõ ràng, trong đó yêu cầu ông Quý “đồng ý nhận tiền theo bảng chiết tính và cam kết không khiếu nại”.
“Ban đầu UBND xã và người của Công ty Hải Sơn mời tôi lên xã nói phải trả lại tiền. Tôi nói với họ là tôi sẵn sàng trả lại tất cả tiền đền bù, hỗ trợ và yêu cầu họ trả lại quyền sử dụng đất cũng như hiện trạng trước đây trên đất. Sau đó, tôi liên tiếp nhận được giấy mời của Công an huyện. Họ nói, không trả sẽ bị bắt. Theo tôi được biết thì đã có một trường hợp bị bắt khiến chúng tôi rất lo sợ” - ông Quý hoang mang cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện đã có 3 hộ trả lại tiền đền bù, hỗ trợ, trong đó: ông Nguyễn Văn Quý trả 458 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Út trả 483 triệu đồng (tròn số); bà Nguyễn Thị Tra trả hơn 400 triệu đồng. Đến nay cũng đã có 4 hộ dân nộp đơn khởi kiện ra Tòa án huyện Đức Hòa, kiện các quyết định hành chính của UBND huyện liên quan dự án nói trên.
Căn cứ văn bản luật đã… hết hiệu lực!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Quyết định 7028 nói trên do Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa ký ban hành đã dựa vào 2 văn bản luật đã hết hiệu lực thi hành! Quyết định ban hành ngày 19/8/2014, ghi “Căn cứ Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và Thông tư số 116/200/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 197…”. Thực tế, Nghị định 197 đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, nó đã được thay thế bằng một nghị định khác, đó là Nghị định 47/2014 (quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư). Không những thế, quyết định vừa được ban hành này lại thể hiện sự cẩu thả trong trình bày: chỗ ghi Nguyễn Văn Quí, chỗ ghi Nguyễn Văn Quý.
Theo ĐS&TD
.