(BVPL) - Do liên quan đến việc kiện quyết định hành chính của UBND huyện Di Linh, những người nông  dân tại huyện Di Linh đã “được gọi” đến nhà ông thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng (người thụ lý giải quyết vụ án) để nghe giải thích về vụ án. Người dân sau đó đã có đơn tố cáo đến các cơ quan báo chí, Cục điều tra VKSND Tối cao: đã đưa ông thẩm phán này tiền tại nhà riêng. 
 
Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Đình Long trao đổi với phóng viên
Ông Bùi Văn Chinh  trao đổi với phóng viên
 
Trao đổi với phóng viên, vị thẩm phán này cũng thừa nhận có việc đương sự đưa tiền, nhưng ông không nhận, để trên bàn và tiền biến đi đâu, ai cầm thì ông không biết?
 
Cầu cạnh nhà “quan”
 
Trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan báo chí, TAND Tối cao, Cục điều tra Viện KSND Tối cao, ông Bùi Văn Chỉnh (SN 1972, thôn 6, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) tố cáo là đã đưa cho ông Trần Đình Long, thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng 20 triệu đồng tại nhà riêng ông Long để cảm ơn trước ông Long khi ông này giải quyết vụ án hành chính mà ông Chỉnh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
 
Theo đó thì vợ chồng ông Chỉnh sau thời gian tích cóp được ít tiền đã mua một mảnh đất của người anh vợ để làm kế sinh nhai. Khi ông Chỉnh dựng nhà tạm để ở và sản xuất thì mảnh đất trên xẩy ra tranh chấp. UBND huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có quyết định hành chính không công nhận quyền sở hữu mảnh đất trên là của ông Bùi Văn Triển (người đã bán đất cho ông Chỉnh) mà là của một người khác.
 
Vì đó, quyết định trên của UBND huyện Di Linh đã bị kiện ra tòa. Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm do TAND huyện Di Linh số 01/2015/HC-ST (09/1/2015) đã tuyên hủy quyết định trái pháp luật của UBND huyện Di Linh. Như vậy bằng bản án này, Chủ tịch UBND huyện Di Linh đã thua kiện người dân. 
 
Không chấp nhận thua kiện, UBND huyện Di Linh đã kháng cáo bản án, TAND tỉnh Lâm Đồng thụ lý xét xử phúc thẩm. Người được giao thụ lý giải quyết vụ án này là ông Trần Đình Long- thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng.
 
Tố cáo của ông Chỉnh cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm, ông cùng với ông Bùi Văn Triển (anh vợ), ông Hoàng Quý (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, người đại diện theo pháp luật của ông Bùi Văn Triển) được "gọi" đến nhà thẩm phán Trần Đình Long (ở thị trấn Đạ Hoai, huyện Đạ Hoai, Lâm Đồng) để trao đổi.
 
“Tại nhà riêng ông Long nói rằng ông là chủ tọa phiên tòa, ông chủ động mời chúng tôi đến nhà để giải thích rằng nếu rút đơn khởi kiện UBND huyện là có lợi cho chúng tôi. Quyết định của UBND huyện Di Linh là sai, tòa sơ thẩm đã xử đúng, nhưng tòa phúc thẩm sẽ bác đơn của các anh vì…. Các ông  rút đơn khởi kiện tôi sẽ giải thích kỹ trong bản án để treo quyết định 3655 không thực hiện được và ông Chỉnh làm đơn cấp QSDĐ, nếu có khó khăn sẽ can thiệp. Và tôi đã đưa "cảm ơn" ông Trần Đình Long số tiền 20 triệu đồng, có ông Hoàng Quý chứng kiến”- ông Chỉnh viết trong đơn tố cáo.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Chỉnh cam đoan nội dung ông tố cáo là đúng sự thật, “số tiền tôi đã đưa cho thẩm phán Long là 20 triệu đồng, gồm 40 tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng”- ông Chỉnh nói.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 26/6/2015 thẩm phán Trần Đình Long đã xử phiên phúc thẩm này và đã quyết định hủy bản án sơ thẩm trước đó của TAND huyện Di Linh và đình chỉ giải quyết vụ án hành chính vì người khởi kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút đơn khởi kiện. Sau phiên tòa, mọi việc không diễn ra như mong đợi của ông Chỉnh, ông có nguy cơ mất đất, mất nhà vì phải thực hiện theo quyết định hành chính của UBND huyện Di Linh. Cho rằng mình đã bị thẩm phán lừa nên ông Chỉnh đã tố cáo thẩm phán Trần Đình Long.
 
20 triệu đồng biến mất bí ẩn tại nhà thẩm phán?
 
Tiếp xúc, trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Long, thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng, người bị tố cáo trên thừa nhận có việc ông tiếp ông Chỉnh và những người đi cùng tại nhà riêng. Ông Long cho rằng ông không gọi họ đến mà họ tự tìm đến nhà ông. “Biết tiếp đương sự liên quan đến vụ án tại nhà riêng là sai, nhưng họ tìm đến nhà tôi thì chẳng lẽ tôi đuổi họ về. Tôi sẽ chịu trách nhiệm giải trình việc này với lãnh đạo cơ quan”- ông Long nói. 
 
Ông Long thừa nhận việc trao đổi trước nội dung vụ án với đương sự là sai. Nhưng ông thẩm phán lại ngụy biện rằng như vậy thể hiện ông “trung thực”.
 
Ông Long thừa nhận có việc đương sự đưa tiền, đương sự nhét tiền vào túi quần ông, ông không nhận. “Tôi mặc quần sóoc, người ngồi bên cạnh nhét tiền vào túi tôi, tôi không nhận móc ra để trên bàn, tôi không biết là bao nhiêu. Rồi sau đó tôi xuống bếp lấy đồ”- ông Long nói.
 
Khi phóng viên hỏi, anh nói anh không nhận, người tố cáo là anh Chỉnh tố cáo đã hối lộ anh 20 triệu và anh đã nhận. Số tiền để trên bàn sau biến đi đâu? Ông Long nói: “không biết”. Khi viết đến đây, chúng tôi nhớ đến tác phẩm nổi tiếng Đồng hào có ma của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan.
 
Và góc khuất liên quan đến vụ án của lão nông Hoàng Quý
 
Trước đó, Báo Bảo vệ Pháp luật liên tục có các bài viết điều tra về vụ án của ông Hoàng Quý trú tại thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Vụ án này kéo dài đến nay đã gần 10 năm. Với sự lắt léo của các cấp tòa, “với lỗi hệ thống” của hệ thống TAND tỉnh Lâm Đồng đã buộc một người nông dân như ông Hoàng Quý phải trang bị kiến thức pháp luật cho mình để bảo vệ mình. 
 
Như trước đó đã phản ánh, do tin cậy, vợ chồng ông Hoàng Quý đã mang số tiền lớn tích cóp từ làm nông nghiệp dành mua nhà cho con mang cho ông Bùi Văn Hòa (tên gọi khác là “mèo”) là một đại gia tại huyện Di Linh vay. Sauk hi vay tiền ông Hòa đã không trả lại tiền, buộc ông Hoàng Quý phải kiện ra tòa. Đã qua các cấp tòa, nhiều lần xét xử, lúc ông Quý thắng, lúc ông Quý thua, vụ án lại quay về cấp sơ thẩm là TAND huyện Di Linh xét xử lại. 
 
Nhưng hiện nay vụ án này đang bị “ngâm” tại TAND huyện Di Linh và không được đưa ra xét xử, gây mất niềm tin đối với vợ chồng ông Hoàng Quý nói riêng và người dân tại Lâm Đồng nói chung.
 
Đến lúc này, lý do duy nhất giải thích cho cách làm việc thiếu trách nhiệm này của cơ quan cầm cán cân công lý tại tỉnh Lâm Đồng là “lỗi hệ thống”, là sự nhũng nhiễu, thiếu công tâm của cán bộ tòa án.
 
Nhóm PV điều tra