Câu chuyện về trách nhiệm của nhà đầu tư và các cơ quan thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu công trình một lần nữa lại được đặt ra.
 
Lo lắng, sợ hãi
 
Sống tại một chung cư ở quận Bình Thạnh, anh Thanh Phong cho biết những vụ cháy chung cư cao tầng gần đây làm anh và nhiều người hàng xóm rất lo lắng.
 
“Thiết bị chữa cháy của VN không thể lên được tầng quá cao và đưa người xuống. Dù có lên được thì việc đưa xuống cũng rất mất thời gian”, anh Phong nói.
 
Theo anh Phong, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của chủ đầu tư khi xây dựng chung cư. Đừng vì những lợi ích trước mắt mà đầu tư xuề xòa, làm kiểu đối phó để khi xảy ra sự cố thì thiệt cả người và của.
 
Trong khi đó, anh Nguyễn Giang, một người sắp chuyển đến sống của chung cư cao tầng mong mỏi các cơ quan chức năng nên siết chặt việc cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình, phải đảm bảo hệ thống chữa cháy đúng chuẩn quy định thì mới cấp phép và đồng ý cho chủ đầu tư bán căn hộ cho dân.
 
Cùng quan điểm này, anh Đào Huy Hoàng đề nghị khi duyệt thiết kế bắt buộc phải có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động loại khá trở lên để kéo giãn thời gian chờ các chiến sĩ PCCC đến dập lửa.
 
“Bên cạnh đó, người ở chung cư cũng phải mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trong việc yêu cầu chủ đầu tư trình bày về hệ thống PCCC , những thiết bị thoát hiểm mà họ trang bị trong tòa nhà”, anh Giang bày tỏ quan điểm.
 
Anh Bùi Tá Vinh thì đề xuất các nhà cao tầng nên có nhiều móc treo dây lò xo để khi xảy ra cháy người dân có thể đu dây thoát ra ngoài. Sau đó, dây lò xo này sẽ tự động kéo lên để người khác sử dụng.
 
Một đề xuất khác từ anh Nguyễn Đức Hùng là chung cư phải có ống trượt hình trôn ốc, phía cuối đầu ống là bể nước hoặc hồ cát để người dân thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
 
Xe thang cứu được 4 người/lần
 
Xe thang cứu hỏa - Ảnh: Anh Quang
Xe thang cứu hỏa - Ảnh: Anh Quang
 
Trong khi đó, ông Trần Kim Khánh, phó Khoa Chữa cháy, trường ĐH PCCC Hà Nội hiện nay xe thang chỉ cứu được 4 người/lần
 
Ông Khánh cho biết xe thang cao nhất hiện nay là 72m vươn tới khoảng tầng 23, 24. Ngoài ra, còn có hai loại khác cao 52m và 32m, vươn tới khoảng tầng 17 và tầng 10. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.
 
Thực tế vận hành xe thang đòi hỏi nhiều yếu tố như cần có vị trí để vươn lên, nơi đặt xe phải đủ chịu lực. Đó là chưa kể vướng cây, vướng dây điện và xe ôtô đậu bên dưới, không phải mặt nhà nào thang cũng có thể đặt được.
 
Đôi khi hướng có thể đặt thang lại không phải hướng cháy hoặc không có người để cứu. Theo ông Khánh, một số trường hợp thang không chạy được vì vướng và có khi tốn hàng chục phút để cứu được một chuyến.
 
“Rất nhiều người nghĩ xe thang dùng để chữa cháy và cứu người ở tầng cao nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Dùng giỏ xe thang cứu được tối đa chỉ 4 người/lần nâng lên hạ xuống”, ông Khánh nói.
 
Ông Khánh nhận định giải pháp tốt nhất đối với những người từ tầng hai trở lên trong các nhà cao tầng là dùng cầu thang bộ thoát nạn. Thang bộ cứu nạn phải được xây dựng với cửa chống cháy, có khả năng điều áp, không nối thông với tầng hầm. Thang bộ thoát hiểm là giải pháp hàng đầu, các giải pháp khác như dây hạ chậm, ba lô thoát hiểm chỉ là biện pháp sau.
 
Ông Danh Luân, giảng viên trường ĐH PCCC Hà Nội chia sẻ đối khi di chuyển trong các lối cầu thang bộ thoát nạn, người dân phải dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp và đi men theo tường tìm lối ra.
 
Lối thoát nạn là lương tâm nghề nghiệp
 
Một cô gái thoát từ nhà cao tầng bằng balô cứu hộ SkySaver - Ảnh chụp từ clip
Một cô gái thoát từ nhà cao tầng bằng balô cứu hộ SkySaver - Ảnh chụp từ clip
 
Là người thiết kế nhiều chung cư cao tầng, KTS Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định luôn phải đặt vấn đề thoát nạn cho người dân trong chung cư lên cao nhất bởi đó là lương tâm nghề nghiệp.
 
Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, ngoài việc tuân thể theo các quy định về PCCC, chủ đầu tư còn phải tính đến lối thoát hiểm cho người dân, phải làm sao an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.
 
Trong điều kiện thiết bị chữa cháy còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc thiết kế lối thoát hiểm hợp lý, an toàn còn cấp thiết hơn rất nhiều. Nếu chung cư nào chỉ có một loại thang thì khi cháy, khói bít bùng, không còn đường thoát thân.
 
“Khi thiết kế thì tuân thủ nhưng khi thi công, vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư lại bỏ lơ qua những tiêu chuẩn về PCCC hoặc chỉ làm cho có rồi bỏ lơ. Đến khi nghiệm thu thì cơ quan nghiệm thu lại không phát hiện kịp thời. Khi phát hiện có sai thiết kế, chúng tôi cũng kiến nghị nhưng đôi khi chủ đầu tư lại làm lơ. Chỉ khi nào Sở PCCC lên tiếng thì họ mới sửa chữa”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhận định.
 
KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm hiện nay, khi thiết kế chung cư cao tầng, ông đề nghị chủ đầu tư trang bị những ống thoát hiểm cho mỗi tầng. Khi xảy ra cháy, người dân có thể chui vào đó và trượt xuống đất.
 
Ông Trần Kim Khánh cho biết có trường hợp đưa thiết kế để kiểm duyệt là thế này nhưng thực tế khi thi công người ta lại cắt xén bớt đi, cửa chống cháy có thể không chống cháy, công suất quạt không đủ…
 
“Vai trò của ban quản lý tòa nhà rất quan trọng, phải kiểm tra hiệu quả làm việc của hệ thống quạt gió, điều áp, cửa tự động. Bên cạnh đó, người dâ cũng phải ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình”, ông Khánh chia sẻ thêm.
 
Ông Khánh nhận định việc bớt xén, quản lý lỏng lẻo, không duy trì bảo dưỡng thường xuyên mang lợi ích trước mắt cho chủ đầu tư nhưng về lâu dài họ đánh mất một giá trị lớn, đó là uy tín.
 
“Bán chung cư giá rẻ phục vụ cho nhiều người không có nghĩa là bán rẻ uy tín của mình, xây dựng không đến nơi đến chốn. Phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Không có chuyện chung cư giá rẻ mà tính mạng con người rẻ”, ông Trần Kim Khánh khẳng định.
 
Giám đốc một công ty Tư vấn quản lý dự án xây dựng tại Hà Nội khẳng định những yếu tố liên quan đến tính mạng con người như PCCC phải được đặt lên hàng đầu khi xây dựng các chung cư cao tầng.
 
“Trong trường hợp chủ đầu tư vì lợi nhuận mà cắt xén đi lối thoát hiểm hay những vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy khác thì đơn vị xây dựng chúng tôi sẽ phản đối bởi tính mạng con người là quan trọng nhất”, vị này cho biết.
 

Phải mua bảo hiểm PCCC cho cư dân

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, có những quy định rất rõ ràng về hệ thống PCCC khi xây dựng các chung cư cao tầng.

LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng sự cố xảy ra một phần không nhỏ là do các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng hoặc xây xong rồi bỏ đó, không duy tu, bảo dưỡng. Đến khi sự cố xảy ra thì trở tay không kịp.

“Theo tôi, cần có chế tài thật mạnh đối với những chủ đầu tư không tuân thủ các quy định về PCCC. Cơ quan nghiệm thu nếu thấy chưa đủ điều kiện an toàn thì nhất quyết không chủ đầu tư mở cửa cho người dân vào ở”, LS Nguyễn Văn Hậu nói.

LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng các chủ đầu tư khi bán nhà nên kèm theo việc mua bảo hiểm PCCC và cả những thiết bị thoát hiểm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân. Ngoài ra, người dân khi mua nhà nên tìm hiểu kỹ về các điều kiện PCCC của tòa nhà đó.

Theo Tuổi trẻ