Theo phản ánh của người dân, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây khu nhà C (khu nhà Hiệu bộ) từ nhiều năm nay. Ngay từ lúc xây dựng, trường đã ngăn toàn bộ tầng 1 (mặt đường Phú Diễn) thành các ki ốt, cho các hộ dân kinh doanh bán hàng.
|
Toàn bộ tầng 1 khu nhà Hiệu bộ đã biến thành nơi kinh doanh. |
Chị N (Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: “Ngay từ khi xây dựng khu nhà này, vào khoảng năm 2011, tôi đã thấy họ kinh doanh ở đây. Ban đầu, tôi tưởng rằng đó là khu riêng phục vụ bán hàng, nhưng giờ thấy từ tầng 2 trở lên vẫn là trường học tôi thấy rất kỳ lạ, không hiểu đây là trường học hay là khu chợ nữa.”
Một số người dân còn cho biết, trước đây khu này rất nhộn nhịp bán đủ các mặt hàng, cả hàng ăn lẫn tạp hóa. Những người muốn tới thuê các ki ốt này sẽ làm hợp đồng trực tiếp với nhà trường, tự do sử dụng các ki ốt này cho mục đích kinh doanh.
|
Các hộ thuê ki ốt sử dụng đang tích cực sửa chữa, trang trí lại những quán sắp mở. |
Ông H – chủ một cửa hàng ở đây cho biết: “Tôi làm hợp đồng với nhà trường thuê một ki ốt này trong 3 năm. Giá là 6 triệu một tháng, lúc làm hợp đồng đóng luôn 12 tháng. Từ những năm sau đóng 6 tháng một lần.”
Theo ghi nhận của phóng viên, khu nhà C là một công trình 5 tầng, tầng 1 khu mặt đường Phú Diễn được mở thành 10 gian hàng, cho một số hộ dân thuê kinh doanh, bán hàng. Từ tầng 2 đến tầng 5 được sử dụng làm nơi hành chính của nhà trường. 5 gian hàng đầu được sáp nhập thành nơi kinh doanh nhà sách, 5 gian hàng còn lại vẫn là các hộ thuê với các hợp đồng riêng.
Với tình trạng buôn bán tràn lan, nhiều hàng tạp hóa buôn bán lẫn lộn, ảnh hưởng tới không gian và môi trường học tập của sinh viên, làm mất mỹ quan đô thị. Nhiều người không khỏi thắc mắc về những ki ốt lạ ngang nhiên “mọc” ở một trường danh tiếng, đầu ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Bên mặt trong tầng 1 nhà C trống trơn, không hề có phòng học. |
Ông Th (phường Phú Diễn) bức xúc: “Không hiểu sao trường lại cho kinh doanh tràn lan như thế. Công trình này đáng ra khi xây dựng phải phục vụ mục đích trường học chứ không thể cho phép kinh doanh hỗn tạp như vậy được. Tôi không hiểu vì sao lại có chuyện trái khoáy này.”
Sự việc khiến dư luận đặt ra nhiều cầu hỏi: Tại sao một trường đại học lại cho kinh doanh hỗn tạp, vừa kinh doanh vừa trường học? Việc kinh doanh như vậy có đúng với mục đích trường học hay không? Ngân sách thu được từ các hợp đồng thuê ki ốt được sử dụng như thế nào? Ai đã cấp phép cho việc chuyển đổi mục đích, chức năng của một nhà Hiệu bộ như vậy?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Quyết Chiến – Minh Châu