(BVPL) – Báo Bảo vệ Pháp luật nhận được đơn kiến nghị của một số cổ đông góp vốn thành lập nên Đại học Hoa Sen (TP HCM) về những sai phạm của Ban giám hiệu nhà trường. Họ cho rằng sai phạm này mang tính hệ thống trong công tác quản lý, tài chính, đào tạo và nhân sự của cá nhân Hiệu trưởng - bà Bùi Trân Phượng và ban lãnh đạo Đại học Hoa Sen (ĐHHS) hiện hành, gây tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định cho hoạt động của nhà trường.
Ai công nhận trường ĐHHS là trường “phi lợi nhuận?”
Theo nội dung đơn kiến nghị thì ĐHHS được thành lập theo Quyết định số 274/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định ghi rõ “Đại học Hoa Sen hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng được góp vào bởi hơn 270 cổ đông.
Đến tháng 7/2014, sau nhiều lần tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng, chuyển nhượng cổ phiếu, ĐHHS còn 160 cổ đông với vốn điều lệ là 93 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với Ban giám hiệu (BGH) điều hành. Hàng năm, Đại hội đồng cổ đông thường niên đều thông qua các báo cáo tài chính, ngân sách hoạt động cũng như chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức bình quân là 51% một năm.
Suốt từ khi đi vào hoạt động cho đến đầu năm 2014, hoàn toàn không có sự xung đột đáng kể nào về quyền lợi giữa cổ đông và ban điều hành. Mâu thuẫn chỉ xảy ra vào đầu năm 2014, khi HĐQT và BGH đã không giải trình những thắc mắc của cổ đông về các khuất tất trong công tác điều hành cũng như quản lý tài chính?
Các cổ đông đã chỉ ra một số sai phạm chủ yếu như “che giấu 119 tỷ đồng lợi nhuận trong các năm tài chính từ 2010-2013; thành lập công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và du lịch Vĩnh An trái với nghị quyết của HĐQT; phê duyệt vượt thẩm quyền các phát sinh so với dự toán ban đầu với dự án xây dựng mới tòa nhà tại Nguyễn Văn Tráng; Lợi dụng quyền hạn, thực hiện sai quy định khi ký hợp đồng tư vấn tài chính vượt thẩm quyền; sa thải hơn 400 nhân viên, giảng viên trái luật…?
Chính vì vậy, ngày 02/08/2014, với 70% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ bất thường đã tiến hành phiên họp công khai có đại diện tham dự của chính quyền (Sở GD&ĐT Tp.HCM, Cơ quan đại diện bộ GD&ĐT tại Tp.HCM, Cục an ninh chính trị nội bộ - A83). Đại hội đã miễn nhiệm các thành viên HĐQT cũ, bầu bổ xung thành viên HĐQT mới khóa 2 theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Nhưng đến nay, đã hơn 18 tháng HĐQT mới bầu vẫn chưa được UBND Tp.HCM ra quyết định công nhận.
Bên cạnh đó, trong công văn số 891/ĐHHS-HĐQT do ông Trần Văn Tạo, chủ tịch HĐQT gửi Thành ủy và UBND TP HCM cho rằng ĐHHS hoạt động theo “cơ chế phi lợi nhuận”. Việc này khiến các cổ đông không đồng ý và trên thực tế, trường này chưa được bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên môn nào công nhận trường là hoạt động phi lợi nhuận.
Bởi ngày 01/10/2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 5032/BGDDT-TCCB khẳng định: ĐHHS là ĐH tư thục và muốn chuyển sang ĐH tư thục không vì lợi nhuận, ĐHHS phải tiến hành thủ tục theo mục 4, chương II của điều lệ trường ĐH theo QĐ số 70/2014/QĐ-TTg ban hành ngày 10/12/2014.
Mới đây, ngày 18/01/2016, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ ban hành công văn 422/VPCP-KGVX trả lời về việc chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận đối với trường ĐHHS, công văn nêu rõ: ĐHHS là trường đại học tư thục; ĐHHS muốn chuyển đổi sang trường ĐH tư thục không vì lợi nhuân phải tuân thủ theo quy trình, thủ tục quy định tại điều lệ trường đại học theo QĐ 70/2014/QD-TTg.
Nhưng không hiểu sao bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng vẫn một mực phủ nhận các văn bản này trong khi thực tế, ĐHHS hoạt động hoàn toàn theo mô hình Đại học tư thục. Không những vậy, Bà Phượng cho in hàng loạt các ấn phẩm, tài liệu của trường với khẩu hiệu “không vì lợi nhuận”, kể cả việc ngang nhiên truyền thông “không vì lợi nhuận” cho phụ huynh, sinh viên và quan khách như trong các buổi gặp gỡ, lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp.
Sa thải hàng trăm nhân viên, giảng viên?
Theo thống kê về việc thay đổi nhân sự trong đơn kiến nghị của các cổ đông cho thấy con số nhân viên, giảng viên nghỉ việc tại ĐHHS cao ở mức bất thường, đặc biệt trong công tác thay đổi nhân sự ở cấp quản lý.
Cụ thể, tổng số giảng viên, nhân viên nghỉ việc từ 2009 đến hết tháng 9/2014 là hơn 420 người. Đặc biệt, hầu hết các nhân viên của ĐHHS tham dự ĐHĐCĐBT ngày 02/8/2014 đều đã bị Lãnh đạo đương nhiệm ĐHHS điều chuyển công tác sang vị trí khác hoặc gây sức ép nghỉ việc.
Trao đổi với phóng viên, một cổ đông cho biết: bên cạnh việc cách chức, ép nghỉ việc, rất nhiều giảng viên, nhân viên không được giao việc, giảm lương và đặc biệt là cố tình vi phạm luật lao động gây bất an, xáo trộn nội bộ. Rõ ràng, mục tiêu chính của sự thay đổi nhân sự bất thường này nhằm gây áp lực để tạo phe cánh ủng hộ cũng như che dấu các sai phạm của bà Bùi Trân Phượng nhằm kéo dài thời gian tại vị.
Chúng tôi không phản đối việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang hướng “phi lợi nhuận” nhưng phản đối việc lợi dụng danh nghĩa “phi lợi nhuận” của bà Bùi Trân Phượng, cố tình đánh tráo các khái niệm nhằm che dấu những sai phạm trong quản lý, mưu cầu quyền lực, lợi ích cho bản thân, bất chấp các quy định của pháp luật?
Theo kiến nghị của các cổ đông thì việc chuyển đổi mô hình hoạt động “phi lợi nhuận” cần phải tuân thủ theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Và để không ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, sinh viên cũng như giảng viên, các cổ đông đề nghị việc tranh chấp, mẫu thuẫn phải dựa trên cơ sở pháp luật để phán quyết.
Như vậy có thể thấy, việc mập mờ đánh tráo khái niệm “phi lợi nhuận” với mục đích gì thì chỉ mình bà hiệu trưởng Bùi Trân Phượng biết, nhưng theo một cổ đông cho biết thì việc làm này của bà Phượng nhằm che giấu những sai phạm trong công tác điều hành cũng như những khuất tất về tài chính, cụ thể là giữ lại số tiền hơn 119 tỷ đồng của các cổ đông.
Báo BVPL tiếp tục thông tin.
Nhóm phóng viên