(BVPL) - Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp để xin ý kiến nhân dân. Một loạt vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở lĩnh vực tư pháp đã được các nhà làm luật bổ sung hành vi vi phạm để xử phạt.
Bổ sung nhiều hành vi mới
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, từ sau khi có Luật Công chứng năm 2006, đội ngũ công chứng viên phát triển nhanh chóng về số lượng (hiện có hơn 1 nghìn người), dẫn tới phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn chưa được pháp luật điều chỉnh.
|
Hoạt động công chứng sẽ được siết chặt hơn sau khi Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được ban hành (ảnh minh họa). Ảnh: Dân trí |
Đáng chú ý, chất lượng công chứng thấp do trình độ thẩm định, nghiệp vụ của một số công chứng viên yếu kém và không đồng đều. Tình trạng dễ dãi trong thẩm định hồ sơ dẫn tới công chứng ẩu, công chứng sai vẫn còn diễn ra. Công chứng viên thực hiện công chứng ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở không có lý do chính đáng.
Đặc biệt, thời gian vừa qua nổi lên nạn giả mạo giấy tờ để lừa đảo, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Nhiều công chứng viên, văn phòng công chứng còn cố tình lách luật gây ra những sai phạm nghiêm trọng.
Trước những thực tế phát sinh trên, trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 60/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, dự thảo Nghị định lần này quy định hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động công chứng gồm 5 điều, bổ sung 14 hành vi mới.
Cụ thể, trường hợp thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản không kiểm tra tính xác thực về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản hoặc không kiểm tra để xác định người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản hoặc khi có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng (điểm b, Khoản 2, Điều 6).
Trường hợp thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, sẽ bị phạt từ 500.000 đến 3 triệu đồng (điểm a, Khoản 1 Điều 8).
Hành vi thực hiện công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch không đúng quy định của pháp luật và hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia giao dịch, sẽ cùng bị phạt từ 1-6 triệu đồng (điểm g, i Khoản 2 Điều 8). Đặc biệt, hành vi công chứng khống hợp đồng, giao dịch sẽ bị phạt từ 30-50 triệu đồng (Khoản 3 Điều 8).
Luật sư vòi tiền sẽ bị phạt 20 triệu đồng
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư và tư vấn pháp luật cũng đã được sửa đổi, bổ sung mới 12 hành vi. Cụ thể, nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật hoặc từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật; Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác (điểm n,o Khoản 4 Điều 11). Nếu luật sư vi phạm 2 hành vi này sẽ bị phạt từ 5-30 triệu đồng.
Các luật sư cũng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 20 triệu đồng nếu vi phạm một trong những hành vi sau: Sách nhiễu, lừa dối, ép buộc khách hàng đưa thêm tiền hoặc lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; Từ chối thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi được yêu cầu; Tự ý sửa chữa, tẩy xoá hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung Giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, Giấy đăng ký hành nghề luật sư (điểm b,c,d Khoản 3 Điều 11).
Theo một thành viên Ban soạn thảo Nghị định, về hình phạt chính vẫn giữ nguyên như hiện hành (phạt cảnh cáo và phạt tiền), tuy nhiên, mức phạt tiền đối với các hành vi được quy định trong dự thảo Nghị định đều được quy định theo hướng tăng mức xử phạt với tỷ lệ là từ 2 đến 10 lần tuỳ theo từng hành vi vi phạm cụ thể, đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa.
Nghị định này dự kiến cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2013, cùng thời điểm hiệu lực thi hành của Luật xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012.
Theo Hoàng Long
Tiền phong