(BVPL) Căn cứ vào kết quả xác minh và các tài liệu, bằng chứng thu thập được, ngày 27/6/2016 Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đã ra kết luận số 460/KL-UBND về việc gia đình ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn đã có hành vi chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Hành vi vi phạm của gia đình ông Thắng đã vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính, do vậy không được xử phạt hành chính mà phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Giao công an huyện điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, điều tra sự việc, ngày 20/9/2016 Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) công an huyện Sơn Động đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc nêu trên. Quyết định này khiến người dân, cũng như dư luận xã hội hoài nghi có hay không Cơ quan CSĐT công an huyện Sơn Động bỏ lọt tội phạm?
Chủ tịch huyện chỉ đạo xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự…
Theo hồ sơ, tài liệu thể hiện, năm 1996 ông Phạm Văn Thắng được UBND huyện Sơn Động chứng nhận và giao quản lý kinh doanh rừng và đất lâm nghiệp tại Lô a1 Khoảnh 3 thuộc thôn Tân Thanh, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, với diện tích 145.000m2 (14,5 ha) rừng và đất lâm nghiệp. Đến tháng 5/2014, gia đình ông Thắng đã tự ý phá rừng ngoài diện tích Nhà nước cho phép cải tạo lên đến hàng chục ngàn m2. Sự việc này đã bị ông Đỗ Văn Trọng là công dân trên địa bàn huyện Sơn Động làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng huyện Sơn Động để tố cáo hành vi phá rừng trái phép của gia đình ông Thắng.
|
Kết luận của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động yêu cầu phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với gia đình ông Phạm Văn Thắng. |
Ngày 27/4/2016, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động có Quyết định số 1326/QĐ-UBND về thẩm tra, xác minh nội dung tố cáo của công dân đối với ông Phạm Văn Thắng. Nội dung tố cáo, tố cáo hành vi phá rừng trái phép và gian lận giấy ủy quyền của ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Theo kết quả của Đoàn thẩm tra, xác minh cho thấy: hộ gia đình nhà ông Thắng đã phá rừng ngoài diện tích Nhà nước cho phép cải tạo tại khu Khe Lê, thông Tân Thanh, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động vào tháng 5/2014 với diện tích là 26.066m2 . Cụ thể, theo kết quả kiểm tra tra, đo đạc diện tích phá rừng ngày 20/4/2016 của Hạt Kiểm lâm và các cá nhân có liên quan thì diện tích hộ ông Thắng phá rừng: 8.036m2; phần lấn sang diện tích rừng của hộ ông Phạm Văn Lợi: 18.030m2.
|
Kết luận của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động yêu cầu phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với gia đình ông Phạm Văn Thắng. |
Căn cứ vào kết quả xác minh và các tài liệu, bằng chứng thu thập được, ngày 27/6/2016 Chủ tịch UBND huyện Sơn Động đã ra kết luận số 460/KL-UBND về nội dung tố cáo đối với ông Phạm Văn Thắng.
Nội dung bản Kết luận cho thấy, việc công dân tố cáo gia đình ông Phạm Văn Thắng tự ý phá rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đúng. Đồng thời đưa ra biện pháp xử lý đối với gia đình ông Thắng như sau: “Hành vi phá rừng của ông Thắng đã vi phạm khoản 1 Điều 12 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2014, quy định về hành vi bị nghiêm cấm; chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Hành vi vi phạm của hộ gia đình ông Thắng vượt quá mức xử phạt vi phạm hành chính, do vậy không được xử phạt hành chính mà phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Giao công an huyện điều tra, làm rõ”.
Ngoài ra, đối với nội dung tố cáo ông Phạm Văn Thắng gian lận khi làm giấy ủy quyền sự dụng đất rừng cho con trai là Phặm Văn Cương (hiện đang là cán bộ Tư pháp của thị trấn Thanh Sơn - PV) nhằm mục đích “trốn tội”? Thì kết luận trên đã chỉ rõ: việc ông Hoàng Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu, ký giấy xác nhận Giấy ủy quyền cho ông Thắng và ông Cương là trái thẩm quyền. Bởi lẽ theo Giấy ủy quyền ghi ngày 24/2/2014, tại thời điểm đó ông Tuệ vẫn đang là Trưởng Công an xã Tuấn Mậu, đến tháng 11/2014 mới được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã!? Về việc này, giao cho Phòng Nội vụ thành lập Hội đồng kỷ luật đối với ông Tuệ, khi thực hiện nhiệm vụ được giao không đúng thẩm quyền.
Công an cho rằng không…đủ cơ sở?
Tháng 6/2016, Công an huyện Sơn Động nhận được công văn số 424 của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, kèm theo hồ sơ sự việc nêu trên. Sau khi vào cuộc xác minh, điều tra, đến ngày 29/9/2016 Cơ quan CSĐT công an huyện Sơn Động đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 19 đối với vụ việc gia đình ông Thắng phá rừng tự nhiên trái pháp luật và làm gian lận giấy ủy quyền. Quyết định này đã bị người đứng đơn tố cáo là ông Đỗ Văn Trọng, cũng như người dân trên địa bàn kịch liệt phản đối, đồng thời làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang và các cơ quan báo chí để khiếu nại quyết định của Cơ quan CSĐT công an huyện Sơn Động.
Trao đổi với chúng tôi về lý do khiếu nại quyết định của Công an huyện Sơn Động, ông Trọng cho biết: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi ngang nhiên phá rừng tự nhiên trái pháp luật của gia đình ông Thắng là không phù hợp với hồ sơ, tài liệu và chứng cứ tồn tại thực tế khách quan mà các cơ quan chức năng huyện Sơn Động đã xác minh làm rõ. Việc làm này có dấu hiệu bao che cho hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của gia đình ông Thắng, khiến người dân chúng tôi thất vọng, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội”.
Ngoài ra, ông Trọng còn đưa ra những căn cứ phản biện kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động như: “việc Công an huyện kết luận diện tích rừng mà gia đình ông Thắng tự ý phá, là rừng sản xuất là không đúng. Bởi lẽ, năm 1996 khi Nhà nước giao rừng cho gia đình ông Thắng, xác định đây là rừng tự nhiên, giao theo Nghị định 02/NĐ-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ. Vì vậy, khi quy hoạch để giao rừng, các cơ quan chức năng đã khảo sát về số liệu, mật độ cây tự nhiên hiện có, trữ lượng gỗ, loại rừng… tất cả đều được ghi trong hồ sơ giao rừng của ông Thắng”.
Cũng theo ông Trọng: “báo cáo ngày 3/11/2015 của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tuấn Đạo với Hạt Kiểm lâm Sơn Động về kiểm tra đơn xin phát dọn thực bì của ông Thắng, kết quả kiểm tra thực tế chỉ có 3.000m2 là không có rừng và đã đề nghị hộ gia đình ông Thắng tổ chức trồng rừng, sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, gia đình ông Thắng lại tự ý phát đến 33.000m2 rừng, tôi được biết đến nay toàn bộ diện tích rừng này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vậy, đây rõ ràng là hành vi coi thường và cố tình vi phạm pháp luật của gia đình ông Thắng, cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nhưng không hiểu sao Công an huyện lại không khởi tố vụ án hình sự đối với sự việc trên?”.
Trong khi trước đó, ngày 16/7/2015, TAND huyện Sơn Động đã đưa vụ án phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc ra xét xử. Hai bị cáo trong vụ án này là Châu Văn Định (SN 1971), Châu Văn Chung (SN 1974) trú tại thôn Biểng, xã An Lạc, huyện Sơn Động bị truy tố với tội danh hủy hoại rừng theo Điều 189 Bộ Luật hình sự. Kết quả, Châu Văn Chung bị xử phạt 3 năm 3 tháng tù giam và 5 triệu đồng; Châu Văn Định 3 năm tù cho hưởng án treo và 5 triệu đồng.
Cũng với tội danh phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại xã An Lạc, ngày 13/5/2015 TAND huyện Sơn Động đã xử phạt Lê Văn Vinh (SN 1981) thường trú tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động 3 năm tù giam.
Từ những căn cứ, dẫn chứng thực tế nêu trên, dư luận đang đặt ra một câu hỏi tại huyện Sơn Động, dân phá rừng vào tù còn gia đình lãnh đạo phá rừng thì… thoát tội?
Báo BVPL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc khi có thông tin về sự việc nêu trên.
Nhóm PV