Nhiều người trong xóm vẫn thường gọi bị cáo Nguyễn Xuân Thái (49 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) là Thái “khùng”, nhưng không ai ngờ có ngày Thái “khùng” vì miếng ăn mà giết bạn nhậu.

 


Chết người vì miếng mồi nhậu

Ngày 10-8-2014, Thái cùng các anh: Dương Mạnh Hùng (39 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn), Nguyễn Văn Toản… kéo nhau đến nhà Thái uống rượu. Khi tất cả đều đã ngấm hơi men, thấy Thái “phá mồi” hơi nhiều nên anh Toản nhắc: “Anh Thái ăn ít thôi, để anh em còn mồi nhậu”. Anh Toản nói chưa dứt câu đã bị Thái đấm vào mặt rồi hai bên xô xát với nhau. Khi đuổi đánh anh Toản không kịp, Thái quay về nhà đập xe của anh này.

Thấy vậy, anh Toản nhờ anh Hùng vào nhà Thái lấy xe giùm. Khi anh Hùng vừa đến nhà Thái thì bị Thái đấm đá túi bụi làm nạn nhân chết ngay sau đó.

Khi giết người, Thái biết mình bị anh Toản đánh, nhưng lại không nhớ nổi việc mình giết chết anh Hùng. “Bị cáo say rượu nên chẳng nhớ gì cả. Khi bị cáo bị bắt thì mới tỉnh rượu” - bị cáo Thái trả lời trước tòa.

Cái tên Thái “khùng” lại là lý do để bị cáo dùng để biện hộ cho hành vi giết người. Lâu nay, mọi người gọi Thái “khùng” thì bị cáo không chịu nhận, nhưng khi ra tòa bị cáo lại nhận mình có vấn đề về thần kinh. Thái cũng được đưa đi giám định tâm thần với kết quả: “Đương sự bị bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn do tổn thương và rối loạn chức năng não”. Tuy nhiên, do thời điểm gây án và hiện tại Thái có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đã gây ra.

Nhìn vẻ ngông nghênh, trả lời một cách cộc cằn của bị cáo mỗi lần Hội đồng xét xử chất vấn, nhiều người tham dự phiên tòa không nghĩ Thái “khùng” thật, mà cho rằng Thái giả vờ để khai gian trước tòa. Bản án 15 năm tù, bồi thường 85 triệu đồng cho gia đình bị hại mà tòa án dành cho Thái “khùng”, nhiều người vẫn cho rằng quá nhẹ.

Lời cảnh tỉnh

Tòa vừa tuyên phạt bị cáo Thái 15 năm tù và buộc bồi thường cho gia đình bị hại 85 triệu đồng thì phía gia đình bị hại lại hỏi nhau: “Khi nào mới được bồi thường?”. Câu hỏi đó trở nên khó trả lời bởi gia đình bị cáo có tiền đâu mà bồi thường.

Thái có 4 con đều đang tuổi ăn học. Mỗi lần đi làm thợ hồ, kiếm được đồng nào Thái lại “xào” đồng ấy vào những cuộc nhậu. Sau những cuộc nhậu của Thái là nỗi kinh hoàng của gia đình khi kẻ say xỉn giáng những đòn roi vô tội vạ lên vợ và các con.

Những lúc Thái sau xỉn hay nổi cơn “khùng” thì không ai dám chống đối hay can ngăn. Cứ thế, những lần vợ, con Thái chịu “ăn đòn” lại diễn ra như cơm bữa. Đến khi không chịu đựng được nữa, vợ Thái dẫn các con về nhà ngoại sống. Cũng bắt đầu từ đó, Thái tự do hơn và thả ga mời bạn bè ghé nhà để tổ chức ăn nhậu. Án mạng cũng từ trong cuộc nhậu mới xảy ra.

Vị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo cũng như những người có mặt tại phiên tòa: “Hiện nay, có quá nhiều vụ án mạng xảy ra bắt nguồn từ việc say xỉn trong ăn nhậu. Mỗi người cần phải biết làm chủ bản thân, biết điểm dừng trong việc uống rượu, bia để sáng suốt trong mọi hành vi và lời nói; tránh những mâu thuẫn không đáng có, những câu hiềm khích gây mất đoàn kết và dẫn đến án mạng chết người”.

Thấy bị cáo Thái bị công an dẫn giải ra xe chở phạm nhân để trở về trại giam, mẹ của bị hại đi theo vừa khóc vừa nói: “Dù chú có khùng thì cũng không thể nào nổi khùng là có thể cầm dao giết người. Chú đi tù rồi, có ai trả con lại cho gia đình tôi đâu”. Câu nói đó vừa là nỗi đau vừa là lời trách móc, nhưng cũng là lời nhắc nhở những người coi rẻ mạng sống người khác để rồi gây ra những hậu quả lớn.
 

Theo Báo Đồng Nai
.