Trong những năm qua, bên cạnh một bộ phận người dân thực hiện tốt nghĩa vụ tố giác tội phạm với cơ quan có thẩm quyền góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội còn có một bộ phận không nhỏ do không am hiểu pháp luật hoặc có hiểu biết nhưng vì tình cảm nên đã cố tình che dấu hoặc không tố giác tội phạm, dẫn đến hậu quả khó lường.
 
Vấn đề này càng trở nên nhức nhối khi thời gian vừa qua liên tục xảy ra những vụ trọng án gây chấn động dư luận có liên quan đến hai tội danh này, điển hình là: vụ án Lê Văn Luyện giết người cướp tài sản tiệm vàng tại Bắc Giang, vụ án Dương Chí Dũng tham nhũng tại Vinalines, hay gần đây là vụ giết lái xe CRV – Kiều Hồng Thành tại Hà Nội… Đáng buồn thay, trong số đó có cả những cá nhân giữ các chức vụ, trọng trách cao trong bộ máy nhà nước, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm.
 
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, theo chuyên gia pháp lý Trần Thị Huyền – Văn phòng luật sư Quang Phạm – Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum, trước hết chúng ta cần phải hiểu như thế nào là che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.
 
Theo quy định tại Điều 313 BLHS thì: “Che giấu tội phạm là hành vi của một người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội”.
 
Theo quy định tại Điều 314 BLHS thì: “Không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền”.
 
 
Tội danh Dấu hiệu Đối tượng Hình phạt
Che giấu
 
tội phạm
-   Dạng hành động (che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm…)
 
-   Thời điểm: biết sau khi tội phạm được thực hiện
 
Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự Cao nhất là 05 năm tù (phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cao nhất là 07 năm tù)
Không tố giác tội phạm
- Dạng không hành động (Không tố giác một số tội theo quy định)
 
-   Thời điểm: biết trước khi, đang khi hoặc sau khi tội phạm được thực hiện
Trừ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội nếu tội phạm đó không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng. Cao nhất là 03 năm tù
 
Về tội che giấu tội phạm có các dạng hành vi sau:
 
Thứ nhất, che giấu người phạm tội, được hiểu là chứa chấp, nuôi giấu trong nhà, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu, giúp người phạm tội bỏ trốn … Chẳng hạn như Trương Thanh Hồng, Lê Văn Nghị, Hoàng Văn Trai mặc dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết Lê Văn Luyện giết người cướp tài sản đã tham gia đưa Luyện bỏ trốn nên cả ba bị xử lý về tội che giấu tội phạm.
 
Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm, đó là tẩy xóa, làm thay đổi, làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm. Ví dụ: Mẹ Lê Văn Luyện đã có hành vi giặt sạch bộ quần áo dính máu khi thực hiện hành vi giết người của Luyện.
 
Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm là hành vi cất giấu, huỷ hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm, tiền hoặc tài sản bị can chiếm đoạt được… Ví dụ: sau khi biết con cướp vàng mang về, sợ bị phát hiện nên Cha của Luyện đã giúp con đào hố chôn vàng vì thế ông đã bị xử lý về tội che giấu tội phạm.
 
Thứ tư, hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội cũng chính là không muốn cho tội phạm bị phát hiện, xử lý theo pháp luật. Hành vi này rất đa dạng như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn từ chối cung cấp các tài liệu, sổ sách, giấy tờ có liên quan đến tội phạm; từ chối cung cấp địa chỉ, nơi ở của người phạm tội đang ẩn náu mà mình biết rõ; dùng quyền hành để dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng ép người khác không khai báo, không cung cấp tài liệu cho cơ quan tiến hành tố tụng…
 
Theo Điều 313 BLHS, cơ quan tố tụng sẽ xử lý hình sự tội che giấu tội phạm đối với người che giấu một trong các tội: xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, tội cướp tài sản, tội hiếp dâm trẻ em, tội buôn lậu, tội tổ chức đua xe trái phép… Hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm được xem là đã hoàn thành từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm.

 

Che giấu tội phạm sẽ bị xử lý hình sự (Hình minh họa)
Che giấu tội phạm sẽ bị xử lý hình sự (Hình minh họa)
 
Trường hợp hứa hẹn sẽ che giấu trước khi một người thực hiện hành vi phạm tội sẽ không bị xử lý về tội che giấu tội phạm mà bị xử lý hình sự theo tội danh mà người phạm tội đã thực hiện với vai trò là đồng phạm giúp sức. Ví dụ: Trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, A rủ B cùng tham gia, B đã hứa hẹn trước là sẽ cất giấu tài sản mà A cướp được. Trong trường hợp này, B sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản mà A đã thực hiện với tư cách là đồng phạm giúp sức.
 
 Khác với hành vi che giấu tội phạm, hành vi không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 314 BLHS, về lý luận gọi là “không hành động”, tức là người phạm tội không làm một việc mà họ có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Cụ thể hơn là họ không trình báo với cơ quan có thẩm quyền về việc tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ. Việc “không hành động” này đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự: “Các tổ chức, công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức”.
 
Cần lưu ý rằng, không phải bất cứ ai có hành vi nêu trên thì đều bị xử lý về tội không tố giác tội phạm. Trường hợp vì lý do khách quan khiến một người không có khả năng tố giác thì hành vi không tố giác đó không bị coi là hành vi phạm tội. Ví dụ: A biết rõ B đang thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em. Khi trên đường đến cơ quan Công an trình báo thì A bị tai nạn xe máy nên phải nhập viện. Ngày hôm sau A xuất viện thì nhận được tin B đã bị Cảnh sát điều tra bắt giữ. Trong trường hợp này A không bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm vì việc bị tai nạn là lý do khách quan nằm ngoài ý muốn, khiến A không thể đến Công an trình báo.
 
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 314 BLHS thì người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em ruột, vợ, chồng của người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm trong một số trường hợp: Đối với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia và những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Có thể nói rằng, đây là một trong những quy định rất nhân đạo của BLHS năm 1999. Quy định này là sự ghi nhận mối quan hệ tình cảm gia đình sâu nặng vốn là một trong những nét đặc trưng của truyền thống đạo đức người Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung.
 
Khoản 3 Điều 314 BLHS cũng quy định: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”. Ví dụ: A biết rõ kế hoạch của B là tối nay sẽ trộm vàng của gia đình C. Mặc dù A không tố giác B nhưng A đã gọi điện báo tin cho gia đình C biết kế hoạch của B. Do được thông báo kịp thời nên gia đình C đã cùng cơ quan Công an bắt quả tang khi C đang trộm vàng. Trong trường hợp này A có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
 
Thời gian gần đây, số lượng người phạm tội “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Đặc biệt, qua vụ thảm án giết người, cướp tài sản của Lê Văn Luyện, chúng ta càng nhận ra rằng: Ranh giới giữa tình thương và vi phạm pháp luật thực sự rất mong manh. Sự bao che, dung túng khi vượt quá giới hạn đã khiến họ trong phút chốc trở thành tội phạm.
 
Xót xa thay, một số quan chức trong bộ máy nhà nước dẫu am hiểu pháp luật nhưng vẫn phạm tội. Ví dụ: ông Lê Văn Kiên – Phó trưởng ban tổ chức Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội đã bị bắt giữ, truy tố về hành vi “Không tố giác tội phạm” trong vụ án giết lái xe CRV – Kiều Hồng Thành. Xót xa thay, Cha mẹ Luyện không đồng phạm với Luyện trong việc giết người cướp tài sản nhưng “đồng phạm” với Luyện trong sự coi thường pháp luật, “đồng phạm” trong suy nghĩ là bất chấp nỗi đau của người khác miễn sao bảo vệ gia đình mình. Họ không hiểu pháp luật hay vì thương con mù quáng mà cố tình không hiểu pháp luật?
 
Qua sự việc này, chúng ta nhận thấy rằng phía sau hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện là một vấn đề rất nghiêm trọng trong xã hội hiện nay, đó là sự nhận thức lệch lạc của một số bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cái. Sự yêu thương mù quáng có thể vô tình đẩy con cái và chính họ vào vòng tội lỗi. Rõ ràng trong những trường hợp như vậy: “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”
 
Do dó, chúng ta cần phân biệt đúng – sai, phải có bản lĩnh, lý trí vững vàng để vượt lên trên tình cảm từ đó có xử sự phù hợp. Việc xử sử phù hợp đó không những giúp người phạm tội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà còn giúp chúng ta tránh được “vòng lao lý”.
 
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cần phải có đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân. Cần tổ chức nhiều phiên xử lưu động vụ án có người phạm các tội này để tăng cường công tác phòng chống tội phạm.Từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về hai tội danh này, để an ninh, trật tự xã hội sẽ ngày càng được đảm bảo, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.
 
Theo ĐSPL