(BVPL) Tài sản nằm ngoài bảng liệt kê của Hợp đồng thế chấp đã được Tòa án xác định và Chi cục trưởng ra quyết định ghi rõ. Thế nhưng, chấp hành viên vẫn tự tiện giao luôn cho bên trúng đấu giá, mặc dù tài sản này đang được thế chấp cho một ngân hàng nước ngoài chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).

Định giá rẻ mạt?
Bà Châu Ngọc Phụng – Đại diện pháp luật đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Sing Sing (Cty Sing Sing) ký Hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương và thế chấp “…Dây chuyền đồng bộ máy sản xuất bánh quy và các thiết bị phụ trợ (chi tiết theo bản kê đính kèm)”. Do không trả được nợ, hai bên thỏa thuận tại Tòa án nhân dân (TAND) thị Dĩ An tỉnh Bình Dương bán tài sản thế chấp để thanh toán nợ và lãi hơn 35 tỷ đồng.
Theo trình bày của bà Phụng, Cty Sing Sing đã tìm được đối tác mua lại số máy móc này là Công ty CNE GLOBAL, thỏa thuận giá mua là 1,7 triệu EURO, căn cứ từ Chứng thư thẩm định giá ngày 12/5/2012 của Công ty Thẩm định giá miền Nam là 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc mua bán phải thông qua Thi hành án (THA) dân sự thị xã Dĩ An theo luật định và “sóng gió” khiến gia đình bà và Cty Sing Sing lâm cảnh nợ nần cũng bắt nguồn từ đây. Thay vì để Cty Sing Sing bán cho đối tác thì THA thị xã Dĩ An quyết định đưa tài sản ra định giá và thông báo bán đấu giá. Ngày 17/5/2013, Cty Định giá EXIM định giá theo yêu cầu của THA thị xã Dĩ An với kết quả định giá giảm xuống còn gần 33 tỷ đồng. Sau đó, THA thị xã Dĩ An yêu cầu Cty Thẩm định giá Đông Á định giá lại vào ngày 10/10/2013 giảm lần nữa còn gần 25 tỷ đồng. Bên tham gia đấu giá từ đầu tới cuối cũng chỉ một mình Công ty CNE GLOBAL, và dĩ nhiên công ty này trúng đấu giá, nhưng mức giá trúng cuối cùng chỉ là 20,6 tỷ đồng.

 

Đơn tố cáo của bà Châu Ngọc Phụng gửi cơ quan chức năng.
Đơn tố cáo của bà Châu Ngọc Phụng gửi cơ quan chức năng.
 Trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, bà Châu Ngọc Phụng cho biết: “Toàn bộ tài sản đang nằm trong nhà xưởng của chúng tôi nhưng cơ quan thi hành án định giá đến hai lần mà không hề thông báo, đến khi thông báo có người mua trúng đấu giá chúng tôi mới biết giá trị tài sản chỉ được định giá gần 25 tỷ đồng. Trong khi thiết bị này chúng tôi mua 60 tỷ đồng và giá trị hiện không dưới 40 tỷ đồng. Thậm chí kết quả định giá, sau khi bán đấu giá xong chấp hành viên mới cung cấp cho chúng tôi. Như thế là tước mất quyền khiếu nại việc định giá của chúng tôi theo luật định?”. Sau đó, với phương thức giảm dần giá đấu do chỉ có duy nhất một mình Công ty CNE GLOBAL nộp hồ sơ mua nên cuối cùng thiết bị được bán với giá 20,6 tỷ đồng.
Cưỡng chế cả thiết bị ngoài danh mục
Căn cứ vào Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự ngày 14/09/2012 của TAND thị xã Dĩ An, ngày 21/12/2012, Chi cục trưởng  Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Dĩ An ban hành Quyết định thi hành án số 729 về việc thi hành án. Sau đó, đưa ra bán đấu giá số tài sản có danh mục đính kèm như liệt kê của TAND thị xã Dĩ An bao gồm 48 thiết bị máy móc. Trong thời gian Cty Sing Sing đang khiếu nại các sai phạm trong định giá và qui trình bán đấu giá thì bất ngờ ngày 23/04/2015, THADS thị xã Dĩ An ra Quyết định cưỡng chế 48 thiết bị giao tài sản cho đơn vị trúng đấu giá theo “Bảng kê chi tiết kèm theo Hợp đồng thế chấp số 0179/2010/HĐTC”. Thiệt hại đối với phía Cty Sing Sing do “giảm giá” từ phía chấp hành viên thi hành án không những không được giải quyết mà bất ngờ hơn, ngày 22/6/2015, Đoàn cưỡng chế theo Quyết định số 49/TB-CCTHA ngày 23/4/2015 của Chấp hành viên Trần Ngọc Anh, đã cưỡng chế lấy thêm 10 thiết bị máy móc ngoài danh mục 48 thiết bị theo bảng kê và nhanh chóng chuyển toàn bộ máy móc xuống tập kết ở cảng Cát Lái TP. HCM để xuất đi nước ngoài theo yêu cầu của Công ty CNE GLOBAL.

 

Vụ việc đã có dấu hiệu của vi phạm luật mang tính hình sự
Vụ việc đã có dấu hiệu của vi phạm luật mang tính hình sự
Theo trình bày của phía Cty Sing Sing, với 10 thiết bị ngoài danh mục bị cưỡng chế “thêm” này có trị giá lên đến 10 tỷ đồng. Khi sự việc vỡ lở, phía trúng đấu giá là Công ty CNE GLOBAL quay lại thương lượng mua riêng 5 tỷ để nhằm êm xuôi sự việc nhưng phía Cty Sing Sing không chấp nhận. Nghiêm trọng hơn, đoàn cưỡng chế còn lấy luôn thiết bị vận hành là tài sản ngoài danh mục mà Cty Sing Sing đang thế chấp cho Ngân hàng Malayan Banking Berhad chi nhánh tại TP HCM. Ngoài ra, đoàn cưỡng chế còn “vô tình” lấy thêm một băng tải trị giá 165 triệu đồng của Công ty TANS là nhà phân phối của Cty Sing Sing đặt tại nhà xưởng để đóng gói thùng sản phẩm. Thậm chí, hệ thống máng dây điện công nghiệp của Cty Tân Tân (đơn vị cho Cty Sing Sing thuê nhà xưởng) cũng bị chấp hành viên Trần Ngọc Anh cưỡng chế lấy đi luôn. Trong buổi làm việc giải quyết khiếu nại khẩn cấp vì đoàn cưỡng chế lấy cả thiết bị ngoài danh mục đã thế chấp cho Ngân hàng Malayan Banking Berhad và băng tải của Công ty TANS, cùng các thiết bị là tài sản riêng của Cty Sing Sing. 
Trao đổi với PV, Luật gia Lê Hoàng Vũ cho biết: “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được cưỡng chế các tài sản nằm ngoài danh mục đã xác định theo quyết định thi hành án. Hành vi lấy thêm tài sản trong cưỡng chế thi hành án là hoàn toàn trái qui định pháp luật. Theo qui định tại Khoản 8; Điều 21 Luật Thi hành án dân sự nêu rõ: Chấp hành viên không được làm trái nội dung bản án, quyết định của tòa án. Vụ việc này có dấu hiệu hình sự, các cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý nghiêm theo luật định”.
Được biết, ngày 15/6/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Công văn yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương báo cáo gấp sự việc. Đồng thời ngày 11/8/2015, Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Công văn yêu cầu VKSND tỉnh Bình Dương báo cáo sự việc và xem xét đơn tố cáo của phía Cty TANS, đơn vị bị cưỡng đoạt mất băng tải chuyền.
SÔNG PHỐ