Gần đây, các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng. Có muôn vàn lý do để các em trở thành tội phạm; song nguyên nhân sâu xa là sự lơi lỏng quản lý của các bậc làm cha, làm mẹ.

 


Gia đình lơi lỏng

Mới đây, TAND tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Thu (SN 1997, Quảng Ngãi) cùng đồng bọn về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Điều đáng nói ở vụ án này chính là việc gia đình buông lỏng quản lý đến mức con đi vào Quy Nhơn sống cùng với bạn trai (quen qua mạng) gần 2 tháng trời mà vẫn không hay biết. Chỉ đến khi xem báo mới hay, cô con gái út đã gây ra chuyện tày đình và bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định bắt giam.

Dự tòa với vai trò là người giám hộ cho bị cáo, ông N.M.Đ (SN 1969, cha ruột Thu) cho rằng Thu bị bạn bè xấu lôi kéo nên mới phạm tội. Đành rằng,Thu phạm tội là do bị lôi kéo, tuy nhiên nếu gia đình không buông lỏng quản lý, thì đâu có cơ sự như hôm nay. Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Thu thẳng thắn: “Thu chưa đủ tuổi mà gia đình lại để đi làm kiếm tiền, cả tháng trời không thấy con về mà vẫn không mảy may lo lắng; mấy ngày liền không liên lạc được với con cũng xem là bình thường, như vậy không thể cho rằng gia đình vô can trong việc con trẻ phạm tội được”.

Chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trường hợp của Thu, song N.H.N. (SN 2001, TP Quy Nhơn) cũng là đối tượng “có số”, bởi nhiều lần bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp. Vì chưa đủ tuổi, nên sau mỗi lần như vậy, N. lại được gia đình bảo lãnh về. Tuy nhiên, thay vì tìm cách giáo dục, định hướng và quản lý con tốt hơn thì cha của N. lại cho rằng gia đình giờ hết cách rồi, chỉ nhờ đến các anh công an quản lý giúp. “Nhiều trường hợp gia đình khoán trắng cho chúng tôi với lý do không biết phải dạy bảo thế nào, thế nhưng khi đề cập đến việc cùng phối hợp giáo dục con em họ, thì họ thường lảng tránh và phó mặc”, đại úy Từ Anh Tiến, Phó Trưởng CA phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, nói.

Cần quan tâm, sẻ chia

Hầu hết những trường hợp có con phạm tội do cha mẹ chỉ lo kiếm sống mà thiếu sự quan tâm, chia sẻ, định hướng, kèm cặp trong cuộc sống. Để rồi khi sự việc đáng tiếc xảy ra, họ lại bất ngờ, cho rằng do bị bạn bè dụ dỗ. Trong một phiên tòa mà tôi có dịp chứng kiến, vị thẩm phán đã hỏi mẹ bị cáo: Chị thấy hành động của con chị có nguy hiểm không? Thay câu trả lời, mẹ của bị cáo hỏi lại tòa: Có ai muốn con mình hư hỏng, phạm tội không, thưa tòa? Vậy tại sao gia đình không giáo dục con em mình tốt hơn? Mẹ bị cáo thản nhiên trả lời: Tôi đâu thể theo nó thường xuyên, do nó chơi với bạn xấu nên mới như vậy!

Hay như trường hợp của chị N.T.H. (TP Quy Nhơn), vì thương con trai sớm vắng tình thương của cha, nên chị rất mực cưng chiều, con muốn gì chị cũng đáp ứng; chỉ đến khi nhận được thông tin từ cơ quan CA, con trai gây rối đánh người gây thương tích và là đối tượng nghiện, chị mới vỡ òa, ân hận.

Theo vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, thì hành vi phạm pháp của các em, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Với sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, sự nuông chiều của người thân, đến khi con trẻ phạm tội, họ mới giật mình ân hận thì sự cũng đã rồi. Như ông N.M.Đ (SN 1969, cha ruột của Thu) thừa nhận: “Hai vợ chồng lo làm ăn, cứ tưởng nó vẫn bán cà phê ngoài thị trấn, chứ đâu ngờ nó bỏ vào Quy Nhơn rồi theo bạn bè xấu nghiện hút, mua bán ma túy! Tội lỗi của cháu Thu ngày hôm nay, một phần là do vợ chồng tôi đã thiếu quan tâm và quá tin tưởng vào lời con nói”.

Chính sự không ngờ này mà tương lai của các em đã sang hướng khác. Bản án các em nhận lấy cũng chính là bản án lương tâm dành cho các bậc làm cha mẹ.                

 

Theo Báo Bình Định

.