Thời gian gần đây có nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với việc Bộ Y tế đang xây dựng Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, nhưng lại tỏ ra quan ngại về tính khả thi của quy định trong dự thảo Luật về việc cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng.
Góp phần giảm tai nạn giao thông và bạo lực gia đình
Anh Nguyễn Hồng Đức (phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cho biết, theo dõi trên truyền thông và báo chí được biết phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra là có nguyên nhân từ việc uống rượu, bia và khoảng thời gian dễ xảy ra tai nạn nhất là từ 22 giờ cho đến 1-2 giờ sáng. Như vậy có thể thấy, ngoài việc gây tác hại xấu cho sức khỏe, rượu, bia là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông đau lòng, nhiều gia đình bị mất người thân cũng chỉ vì rượu, bia. “Mỗi khi đi ra đường sau 22 giờ tôi rất sợ, vì lúc này có nhiều “ma men” trên đường, nguy cơ bị tai nạn rất cao. Việc đề xuất của Bộ Y tế về cấm mua bán rượu sau 22 giờ là rất đáng ủng hộ. Nếu luật được thực hiện nghiêm túc chắc chắn sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông”, anh Nguyễn Hồng Đức bày tỏ.
Nhiều người cũng cho rằng, việc hạn chế rượu, bia còn góp phần giảm bạo lực gia đình. Chị Trần Ánh Trúc (phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, chồng chị bình thường vốn rất hiền nhưng cứ rượu, bia vào là thay đổi tính nết, mỗi lần đi nhậu về khuya là y rằng anh đập cái này, phá cái kia, thậm chí “tặng” ngay cho chị mấy bạt tai hay vài cú đấm nếu chị tỏ ra bực bội. “Tôi nghĩ, nếu có luật cấm thì chắc chắn anh sẽ về nhà sớm hơn và ít say xỉn hơn”, chị Trần Ánh Trúc nói.
Cũng đồng tình với đề xuất cấm mua bán rượu, bia sau 22 giờ của Bộ Y tế, anh Hồ Văn Vinh, nhân viên kinh doanh của hãng nước ngọt 7 Up cho biết, anh rất ngán việc nhậu nhẹt, nhưng vì công việc làm ăn và xây dựng các mối quan hệ nên thỉnh thoảng anh phải đi bù khú với các đối tác. Cứ mỗi lần nhậu là tới nửa đêm anh mới được về. “Nhiều lúc tôi muốn từ chối để về sớm nghỉ ngơi nhưng không có lý do, nếu luật này được hiện thực hóa thì tôi nghĩ việc từ chối sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, anh Hồ Văn Vinh cho biết. Theo anh Vinh việc cấm bán rượu, bia rất nên làm và cần làm sớm.
Khó nhưng vẫn có thể thực hiện
Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần người dân đồng tình với quy định cấm bán bia rượu nhưng vẫn quan ngại về tính khả thi của luật, và cho rằng nó cũng dễ bị trôi vào quên lãng như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Theo anh Nguyễn Quang Thanh (phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) thì quy định này rất khó triển khai vì thiếu tính hợp lý. “Nếu cấm sau 22 giờ thì người ta uống và say trước 22 giờ. Như vậy, quy định có cũng như không, người dân vẫn tiêu thụ rượu, bia nhiều như bình thường”, anh Thanh nói. Vì vậy, theo anh Thanh, nên đánh mạnh vào thuế sản xuất, kinh doanh rượu, bia và phạt nặng các trường hợp uống rượu, bia gây hậu quả như: Tai nạn giao thông, an ninh trật tự, bạo lực gia đình.
Anh Hồ Văn Vinh cho rằng, để luật đi vào cuộc sống thì cần có những quy định cụ thể như: khu vực nào nên chỉ hạn chế, khu vực nào cấm tuyệt đối, khu vực nào được tự do kinh doanh, và phải có đủ lực lượng để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.
Quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện. Theo luật sư Dương Thanh Thuận, Công ty Luật hợp danh Dương Chính (TP. Bà Rịa), việc triển khai quy định này là điều hoàn toàn có thể làm được. Chúng ta phải đặt văn hóa, văn minh của quốc gia, khu vực và xây dựng lối sống văn minh cộng đồng lên trên quyền lợi thụ hưởng cá nhân. Thậm chí, có thể xếp kinh doanh quán nhậu vào nhóm ngành nghề hạn chế kinh doanh. So với quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng thì quy định này thực hiện dễ hơn. Mạnh tay xử lý một vài lần, người dân sẽ e ngại và thay đổi dần thói quen”, Luật sư Dương Thanh Thuận nói.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu