Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, thời hạn chuẩn bị xét xử tranh chấp về ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn, nhưng không quá  2 tháng. Thế nhưng đối với vụ án hôn nhân gia đình mà TAND quận 12, TP.HCM đang giải quyết, kể từ ngày Tòa án thụ lý đến nay đã gần 5 năm nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử!

 
Theo phản ánh của ông Huỳnh Tấn Cường (thường trú tại tổ 20, khu phố 1, phường Tân Thới Hiệp, Q.12, Tp.HCM), do mâu thuẫn trầm trọng trong đời sống vợ chồng, vào tháng 3/2008, ông Cường gửi đơn đến TAND Q.12 xin ly hôn đối với bà Nguyễn Thị Huyền Duy.
 
Đơn của ông Cường đã được Tòa thụ lý vào ngày 09/04/2008. Sau đó do hai bên tự nguyện ly hôn và tự thỏa thuận được với nhau về tài sản nên ngày 26/06/2008, TAND Q.12 đã lập Biên bản hòa giải để ghi nhận sự tự nguyện của hai bên. (Thẩm phấn Nguyễn Minh Trí).
 
Theo đó, về nuôi con chung: bà Nguyễn Thị Huyền Duy tiếp tục nuôi dưỡng 3 con chung, ông Cường có trách nhiệm mỗi tháng cấp dưỡng cho 3 con 5 triệu đồng. Về tài sản chung: hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
 
Theo quy định của Bộ luật TTDS, sau 7 ngày, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, Tòa sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định có hiệu lực thi hành đối với các bên.
 
Nội dung của các văn bản giấy tờ mâu thuẫn nhau
Nội dung của các văn bản giấy tờ mâu thuẫn nhau
 
Một thời gian sau đó, bà Duy thay đổi ý kiến, khai báo với Tòa việc ông Cường trước đó nợ 3 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Thúy Diễm (em gái bà Duy) và 550 lượng vàng của bà Cao Thị kim Sơn (chị dâu bà Duy) mà ông Cường đã vay để sử dụng vào mục đích riêng và yêu cầu Tòa án giải quyết. 
 
Theo đó, ông Cường đã cầm cố, thế chấp đất đai mang tên ông Cường tại huyện Hóc Môn để vay 550 lượng vàng của bà Sơn.
 
Tại phiên hòa giải ngày 24/2/2009, ông Cường vẫn giữ nguyên quan điểm và yêu cầu ly hôn, giải quyết việc nuôi con chung như biên bản thỏa thuận ngày 26/6/2008.
 
Về tài sản chung, ông Cường không yêu cầu Tòa án giải quyết và khẳng định ông không mượn nợ của bà Diễm, bà Sơn, cũng không mang thế chấp giấy tờ nhà đất.
 
Trước đó, bà Sơn đã giao nộp cho Tòa án Giấy vay mượn tiền của ông Cường với nội dung thế chấp một số giấy tờ nhà đất để lấy 550 lượng vàng. Trong số giấy tờ nhà đất đó có giấy tờ của căn nhà và đất số 109/3 ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.
 
Vấn đề  cần phải làm rõ ở đây là theo ông Cường, đầu tháng 8/2011, ông đã phát hiện giấy tờ nhà và đất số 109/3 trên lại được cầm cố tại tiệm cầm đồ Mỹ lan để lấy 430 triệu đồng. Như vậy nếu chiếu vào Giấy vay mượn tiền của ông Cường và bà Sơn ngày 10/1/2005 và Hợp đồng cầm nhà và đất ngày 19/5/2007 thì không lý nào bà Sơn đưa cho ông Cường số tiền 550 lượng vàng để lấy giấy tờ nhà và đất đi cầm lấy lại số tiền chỉ 430 triệu đồng? 
 
Ông Cường cho biết dù không trực tiếp mang sổ đi cầm nhưng ông vẫn phải bỏ tiền để chuộc giấy tờ về. Với những suy luận ở trên, ông Cường một lần nữa khẳng định những chứng cứ bà Sơn, bà Diễm xuất trình là giấy tờ giả và yêu cầu chuyển cơ quan công an để điều tra làm rõ.
 
Và ngay tại buổi làm việc, người được bà Diễm và bà Sơn ủy quyền cũng đồng nhất trí với ông Cường là đề nghị TAND Q.12 chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an điều tra, giải quyết hai giấy mượn nợ để làm rõ về chữ ký và nội dung hai giấy này nhưng không được TAND Q.12 chấp nhận. 
 
Nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong việc giải quyết vụ án nên ông Cường yêu cầu thay đổi Thẩm phán.
 
Khi Tòa thay Thẩm phán khác là bà Lê Ngọc Nga, phía bà Sơn, bà Diễm xuất trình một kết luận giám định của Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại Tp.HCM xác định: chữ ký mang tên Huỳnh Tấn Cường trên hai giấy mượn tiền với chữ ký mang tên Huỳnh Tấn Cường trên tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người ký ra.
 
Việc giám định này được thực hiện theo yêu cầu của Văn phòng luật sư. Ông Cường không đồng ý với kết quả này và yêu cầu giám định lại tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an Tp.HCM. Sau khi giám định, Phòng kỹ thuật hình sự Công an Tp.HCM kết luận: chữ ký cần giám định trên hai tài liệu (2 giấy mượn tiền) với chữ ký của Huỳnh Tấn Cường dùng làm mẫu so sánh là chữ không do cùng một người ký ra. 
 
Nhưng kết luận của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Tp.HCM phía bị đơn không chấp nhận, yêu cầu giám định lại tại Phân viện khoa học – kỹ thuật hình sự Tp.HCM, đơn vị mà bị đơn yêu cầu lúc đầu, kết quả vẫn như lần giám định 1: chữ ký trong 2 tờ giấy nhận nợ với chữ ký dùng làm mẫu so sánh là do cùng 1 người ký ra.
 
Việc 2 cơ quan giám định đưa ra 2 kết luận giám định trái ngược nhau khiến vụ việc kéo dài từ năm 2008 cho tới năm 2012 vẫn không có chuyển biến gì.
 
Tại buổi hòa giải vào tháng 4/2012, ông Cường bất ngờ được Thẩm phán chủ trì lúc này là Phan Thanh Nguyễn thông báo một trong hai tờ giấy nợ bản chính đã bị mất. Nghi ngờ có sự khuất tất trong việc thông báo mất một trong tờ giấy nhận nợ bản chính, ngày 13/7/2012 ông Cường đến TA xin photo các biên bản hòa giải, trong đó có biên bản làm việc thông báo về việc mất bản chính giấy mượn tiền.
 
Song, Thẩm phán cho rằng Tòa không có nghĩa vụ phải cung cấp các văn bản này. Gần đây nhất, tại buổi tiếp công dân ngày 9/8/2012, Chánh án TAND Q.12 cho rằng: việc chậm giải quyết vụ án là “do quá trình xác minh địa chỉ của cha mẹ nguyên đơn là Huỳnh Tấn Công và bà Trần Thị Tám đang ở nước ngoài”; còn về yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an, Tòa cho rằng “theo báo cáo của Thẩm phán thì chưa có cơ sở, chưa thấy dấu hiệu hình sự”.
 
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, thời hạn chuẩn bị xét xử tranh chấp về ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, TA phải ra một trong các quyết định: tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ vụ án; đưa vụ án ra xét xử. 
 
Thế nhưng đối với vụ án hôn nhân gia đình này, theo phản ánh của ông Cường đã gần 5 năm kể từ ngày Tòa thụ lý vụ án, qua 3 thẩm phán giải quyết, song đến nay vụ việc vẫn chỉ dùng ở giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tòa vẫn chưa ra quyết định nào theo quy định.
 
T.H
.