(BVPL) - Gần đây, một loạt những bất ổn của trường Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) được các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh như lãnh đạo nhà trường sử dụng bằng cấp bất minh, sáng lập viên của nhà trường không được vào trường, bí thư chi bộ của trường bị chiếm giữ tài sản mà kêu mãi không thấu… Căn nguyên của sự việc này từ đâu, phải chăng là lãnh đạo nhà trường có vấn đề? 
 
Các cổ đông sáng lập bị ngăn cấm vào trường đại học Chu Văn An
Các cổ đông sáng lập bị ngăn cấm vào trường đại học Chu Văn An
 
Trước sự sống còn của nhà trường và số phận của hàng nghìn sinh viên nhà trường, ông Đặng Văn Tỉnh người sáng lập và là ủy viên Hội đồng quản trị trường Đại học Chu Văn An thay mặt cho những cổ đông chiếm gần 44% vốn điều lệ nhà trường có đơn gửi báo BVPL phản ánh hoạt động và những đợt sóng ngầm gây bất ổn của trường đại học Chu Văn An. Nội dung cụ thể như sau:
 
Tháng 4/2012, Đại học Chu Văn An bầu được Hội đồng quản trị nhiệm kỳ hai. Cuộc đại hội cổ đông kết thúc bằng một bữa cơm tối và vợ chồng ông Tuấn (hai thành viên Hội đồng quản trị mới được bầu) đã bỏ về không dự.
 
Người được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) trường Đại học Chu Văn An là ông Dương Phan Cường, vốn là phó chủ tịch (ông Cường cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Bách Khoa Hưng Yên). Việc đầu tiên sau khi nắm quyền là ông kiêm luôn công việc của hiệu trưởng vì lý do chưa tìm được người thích hợp. 
 
Trí thức có học mà không minh
 
Theo thông báo đến số 41 gửi các đơn vị trong trường Đại học Chu Văn An ngày 9/9/2011 ông Dương Phan Cường đã viết: 
“Để thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy chế của nhà nước cũng như các quy chế của Trường Đại học Chu Văn An và để đảm bảo nhân cách của tôi – nhân cách của một trí thức (có học)”.
Không hiểu vì sao đến tận năm 2011 ông lại phải khẳng định trước bàn dân thiên hạ rằng ông là người “có học”. Ai cũng biết ông có bằng tiến sĩ và nhiều người biết rằng khi nói chuyện với cán bộ trong trường ông không ngần ngại văng tục,  kể cả trước mặt là các nhà giáo lão thành hơn ông nhiều tuổi. Bằng tiến sĩ “thật” mà ông Cường đang có là do một cơ sở của Liên bang Nga “đào tạo chui” tại Việt Nam theo phương thức từ xa với quỹ thời gian chưa đầy một năm rưỡi. Bằng tiến sĩ  là “thật”, nhưng do một cơ sở nước ngoài không được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ở Việt Nam? Nên các cổ đông gọi là bằng Tiến sĩ “rởm”. Nghi vấn bằng thật và bằng giả của ông Cường các cơ quan chức năng vẫn đang phải xử lý, đến nay vẫn chưa dứt điểm.
 
Thông báo “hài hước” của ông Dương Phan Cường
Thông báo “hài hước” của ông Dương Phan Cường
 
Để minh chứng cho cái sự “có học” của ông, xin nêu ra một ví dụ: Ngay sau khi nắm quyền điều hành nhà trường, ngày 26/5/2012 ông Cường  ban hành quyết định số 84 quy định: Hướng dẫn một luận án, đồ án giảng viên có trình độ thạc sĩ được thanh toán thù lao 200000 đ (hai trăm ngàn), tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư được nhận 220000 đ (hai trăm hai mươi ngàn). Trong khi đó cán bộ các phòng ban và giáo viên coi thi một ngày cũng được trả 200000 đ, nếu coi thi vào ngày nghỉ thì được trả 240000 đ.
 
Nói một đằng làm một nẻo
 
Như thông báo nêu trên, ông Cường là người tuân thủ nghiêm chỉnh các quy chế của nhà nước và  của trường Đại học Chu Văn An . Hãy xem sự tuân thủ ấy là như thế nào:
 
 Kỳ thi tốt nghiệp đại học, cao đẳng năm 2012 tại Đại học Chu Văn An, ông Cường là Chủ tịch hội đồng kiêm trưởng ban đề thi. Mặc dù đã có ý kiến trong buổi họp giao ban đề nghị các đề thi tốt nghiệp cần được phản biện, song ông Cường đã phớt lờ quy trình này và giáo viên ra đề tự niêm phong đề thi rồi nộp cho phòng khảo thí.  Tiến sĩ (Ts.) Nguyễn Thanh Quý, phó trưởng khoa Kinh tế quản trị kinh doanh nhận nhiệm vụ ra đề thi ngành Kế toán. Ts. Quý đã soạn chín đề thi cho ba trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học. Ngày 17/6/2012, là ngày thi các môn chuyên ngành, Ts. Quý làm nhiệm vụ trực đề thi. Buổi sáng ngày 17/6/2012, khi cán bộ nhà trường phát đề cho sinh viên thì thấy dòng trên cùng của tờ đề thi ghi là đề thi tốt nghiệp năm 2011. Điều đáng nói là đề này không phải do Ts. Nguyễn Thanh Quý soạn và số liệu trong đề sai phải đính chính ngay tại các phòng thi. Kết thúc buổi thi các giám thị nhận được yêu cầu thu hồi toàn bộ đề đã phát cho thí sinh. 
 
 Đầu tháng 6/2012, phòng Đào tạo in sao đề thi và tổ chức cho năm sinh viên thi lại (theo hình thức trắc nghiệm) môn Tin học đại cương. Khi nhận bài về chấm, giáo viên phát hiện cả năm người thi đều trả lời đúng 100%  các câu hỏi. Khi phát hiện nghi vấn, trợ lý khoa đã cho mời một sinh viên trong số năm người đã thi và yêu cầu sinh viên này làm lại bài thi tại văn phòng khoa. Kết quả là với chính đề thi đã được làm trước đó,  sinh viên này chỉ làm đúng 6 trên 20 câu. Sau đó Khoa Công nghệ Thông tin đã lập biên bản gửi lãnh đạo trường, biên bản nêu rõ nếu chấm theo bài thi thì phải cho cả năm bài thi điểm mười. Khi nhận được biên bản ông Cường cho rằng khoa chống đối lại nhà trường, ông đã giữ toàn bộ bài thi và yêu cầu tiếp tục chấm mặc dù không có bài. Bảng điểm được chấm với năm điểm 10 không có chữ ký của Chủ niệm khoa (vì không có trưởng bộ môn) vẫn được phòng Đào tạo chấp nhận, chỉ có điều không ai biết thực sự người ta ghi vào bảng điểm của sinh viên điểm mười hay những con số khác. 
 
Thượng tôn pháp luật và chuyện “đi đêm”?
 
Ngày 14/6/2012, ông Cường ký ban hành văn bản số 29/2012/NQ-HĐQT-CVA. Nội dung văn bản có điều khoản: “Hội đồng quản trị trường Đại học Chu Văn An quyết định miễn nhiệm toàn bộ các chức danh trong Hội đồng khoa học của nhà trường; miễn nhiệm tất cả các lãnh đạo Phòng, Khoa, Ban, Bộ môn trở xuống…”
 
Chuyện miễn nhiệm các chức danh “Bộ môn trở xuống” thì chỉ những người “có học” như ông Cường mới có thể làm được, nhưng điều đáng nói lại là chuyện về sau.  Sau khi miễn nhiệm,  ông bổ nhiệm bốn hiệu phó trong đó ông là hiệu phó phụ trách trường (nhưng ngày 27/6/2012 ông vẫn ký văn bản với chức danh Q. Hiệu trưởng). 
 
Vì là người “thượng tôn pháp luật”, nên ít lâu sau ông ra quyết định miễn nhiệm một hiệu phó căn cứ vào khoản 2 điều 38 quyết định số 58/2010/QĐ-TTg (theo đó số lượng Phó hiệu trưởng của các trường đại học không quá 3 người).  Người bị miễn nhiệm đương nhiên không phải là chiến hữu của ông. Điều 38 này không chỉ có khoản 2 mà còn có khoản 3 nêu rõ  quy định tiêu chuẩn của hiệu phó “phải có ít nhất 5 năm giảng dạy và quản lý giáo dục đại học”. Khoản này thì ông Cường hình như  “quên chưa đọc đến” nên các hiệu phó còn lại (trong đó có cả bản thân ông) dù không phải là nhà giáo và đều chưa hề đứng trên bục giảng vẫn không bị ông miễn nhiệm. Không chỉ vậy, ông Cường còn tự bổ nhiệm cho mình giữ chức vụ Viện trưởng viện đào tạo sau đại học của đại học Chu Văn An. 
 
Ngày 18/10/2012, nhằm lật đổ Bí thư chi bộ ông Cường bí mật làm Thông báo 146/TB/GH-CVA gửi Thành ủy Hưng Yên. Sự thật là 100% người được hỏi tín nhiệm ông Bí thư chi bộ làm tiếp chủ nhiệm khoa. Nhưng ông Cường lại thông báo đến Thành ủy Hưng Yên rằng  ông Bí thư chi bộ “không được bộ phận tham mưu đề xuất bổ nhiệm lại” để làm cái cớ ông Bí thư phải mất chức, và  Thành ủy có “căn cứ” tuyên bố ông Bí thư đương nhiên thôi làm bí thư “kể từ thời điểm thôi làm công tác quản lý”. Câu hỏi đặt ra là tại sao thông báo 146/TB/GH-CVA phải bí mật gửi thành ủy Hưng Yên, và thành ủy Hưng Yên đã thụ lý văn bản bí mật lắt léo này như thế nào? Đây là một đợt sóng ngầm cực kỳ nguy hiểm, vì nếu thụ lý vụ việc này không trên cơ sở tôn trọng pháp luật thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng bộ nơi đây.
 
Biến không thành có, cấp trên làm ngơ
 
Ông Dương Phan Cường là người quyết đoán, điều này hoàn toàn đúng, chẳng thế mà ngay sau khi nắm chức chủ tịch Hội đồng quản trị ông đã cho sửa ngay một số điều khoản của quy chế chi tiêu nội bộ không cần thông qua đại hội cổ đông. 
 
Trong một tháng từ ngày 25/4/2012 đến ngày 26/5/2012, ông đã ký ban vô khối quyết định để tăng các khoản thu với sinh viên và giảm các khoản chi cho người lao động. Ví dụ muốn nâng điểm, sinh viên phải nộp khoản tiền gọi là  “hệ thống kiến thức” với mức 220.000 đồng trên một đơn vị học trình (15 tiết). Dù môn học bao nhiêu học trình, giáo viên cũng chỉ được phép dạy trong 10 tiết, trong đó 5 tiết hệ thống chương trình và 5 tiết vừa làm bài kiểm tra vừa thi. Bảng điểm sau đó không cần thông qua lãnh đạo chuyên môn mà nộp thẳng cho Phòng Đào tạo.
 
Mới có bốn tháng lãnh đạo trường Đại học Chu Văn An, ông Dương Phan Cường đã kịp để lại dấu ấn thật đậm nét, chẳng thế mà trong các cuộc họp giao ban ông thường nói là các việc làm của ông được các đồng chí lãnh đạo địa phương nhiệt tình ủng hộ. Một trong các biểu hiện là lễ trao bằng tốt nghiệp  tại trường đã có lãnh đạo tỉnh về dự. Nghe nói vị này đã mặc áo tiến sĩ (màu đỏ) để phát bằng cho sinh viên mặc dù chẳng thấy ai nói ông này là tiến sĩ.
 
Gần đây bằng các thủ thuật chỉ mình ông và một số cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo biết, ông đã bất ngờ xin được Đại học Chu Văn An được đào tạo thạc sĩ. Có mấy chục học viên đăng ký học thạc sĩ, ông Cường bèn chia làm đôi, một phần mang về Cao đẳng Bách Khoa dạy. Không biết ông có hiểu quy định về đào tạo thạc sĩ ngoài cơ sở đăng ký hay ông đã được bật đèn xanh, đào tạo ở đâu cũng được?
 
Để xin phép tự chủ tuyển sinh, ông Cường đã chỉ đạo cấp dưới đề trình Bộ Giáo dục và Đào tạo một bản đề án, trong đó ông liệt kê Đại học Chu Văn An có 5 giáo sư, 11 phó giáo sư, 1 Ts khoa học, 21 Ts, 35 thạc sĩ, tổng số giảng viên là 101 người. Thực chất đến tháng 3/2014, Đại học Chu Văn An chỉ hơn một chục giảng viên cơ hữu. Rất nhiều người phẫn nộ khi biết tên tuổi và chức danh của họ bị Đại học Chu Văn An lợi dụng mà không hề có ý kiến trao đổi.
 
Để góp phần làm trong sáng môi trường giáo dục Đại học ngoài công lập, lấy lại lòng tin của xã hội vào các trường tư thục, ông Đặng Văn Tỉnh mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc sớm làm rõ sự việc.
 
Nhóm PV
.