Công suất khai thác vượt giấy phép 47 lần

Năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ với trữ lượng 8.500 tấn/năm. Thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn cho Công ty Cổ phần Yên Phước  (Thái Nguyên).

Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2018 Công ty Yên Phước mới bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên.

Năm 2019, Châu Thị Mỹ Linh và Hà Anh Tuấn (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương),  ký hợp đồng để cho Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến; Giá thành khai thác 1 tấn than thành phẩm là 450.000 đồng; Khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm; Hiệu lực hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày ký kết.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS kiểm sát việc kiểm tra thực hiện khám xét, kiểm đếm số lượng than  tại mỏ than Minh Tiến.  Ảnh: Hoàng Liên

Công ty Yên Phước bán tất cả các sản phẩm than và đá đen kẹp than sau khai thác cho Công ty Đông Bắc Hải Dương, không được bán cho bất cứ đơn vị thương mại nào khác, giá bán cụ thể xác định theo từng loại than và thay đổi theo thị trường.

Thực tế, khi thực hiện 2 hợp đồng trên là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang thực hiện việc khai thác, chế biến, tiêu thụ than và trả tiền cho Châu Thị Mỹ Linh.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh "núi" than lậu tại bãi tập kết.
Ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hàng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty Yên Phước với sản lượng khai thác khoảng hơn 2 triệu tấn than nguyên khai.

Bình quân hàng năm, lượng than công ty này khai thác lậu gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.

Hiện nay, tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác, vẫn còn tồn gần 1,5 triệu tấn than nguyên khai, than nghiền từ bã sàng, than xít...

Qua mắt chính quyền, thu lời bất chính

Việc khai thác than lậu diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện kịp thời. Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, các bị can trong đường dây này đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỉ đồng.

Cụ thể, Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, sản lượng khai thác hàng năm chỉ bằng đúng với số lượng được cấp phép.

Hàng triệu tấn than khai thác vượt giấy phép được bị can Linh cùng Giang và Thanh tổ chức tiêu thụ trái phép, nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, công ty của Linh đã bán cho công ty của Giang và Thanh hơn 1 triệu tấn than được khai thác lậu, thu về số tiền hơn 121 tỉ đồng.

leftcenterrightdel

Các bị can Châu Thị Mỹ Linh (bên trái hàng trên) cùng 11 bị can trong vụ án. (ảnh BCA)

Hiện nay, tại bãi chứa ở chân mỏ khai thác, số lượng than đã khai thác được chất đống ở đây gần 1,5 triệu tấn.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản, không đúng với nội dung giấy phép của các bị can, gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỉ đồng.

Do đó, Cơ quan điều tra cho rằng, hành vi của Linh, Giang, Thanh cùng một số lãnh đạo, nhân viên của Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương có dấu hiệu của tội "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Trước đó, ngày 27/8/2021, VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 12 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Các bị can bị khởi tố gồm: Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước; Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh, cùng trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; Hà Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương; Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Ngô Đăng Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Công ty CP Yên Phước; Doãn Thị Định, nhân viên kế toán Công ty CP Yên Phước; Bùi Hữu Thương, quản lý bãi than tại Mỏ đá Núi Voi của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương; Bùi Hữu Khoa, quản lý khai thác than của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương…

Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao đang kiểm sát điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương.

Ngoài những người đã bị bắt, Vụ 3 (VKSND tối cao) và C03 đang phối hợp điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác có liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu với quy mô lớn này.

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên và Hải Dương trong việc để khai thác, tiêu thụ khối lượng than lậu khủng, trong thời gian dài cũng đang được cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ.

Hà Nhân