LTS: Vừa qua, báo Bảo vệ pháp luật đã đăng bài viết về trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Hải Phòng, đó là bài “Hiệu trưởng “trù úm” giáo viên!” và bài “Xếp loại thi đua giáo viên không căn cứ vào qui chế”. Sau khi báo phát hành, Tòa soạn đã nhận được ý kiến phản hồi của Nhà trường. Để đảm bảo thông tin nhiều chiều và rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng ý kiến phản hồi để bạn đọc tham khảo.
 
Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật (BVPL) đã đến làm việc với nhà trường, lấy tư liệu, những chứng lí có liên quan đến vụ việc hai giáo viên Nguyễn Danh Hiếu và Phạm Thị Thu Hà có đơn kiến nghị cho là mình bị Hiệu trưởng trù úm. Phóng viên của báo đến trường THPT Lê Hồng Phong vào đúng lúc có cuộc họp lãnh đạo mở rộng nhà trường. Chính vì vậy, phóng viên đã có điều kiện làm việc trực tiếp với Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Tổ trưởng chuyên môn, Thanh tra nhân dân của trường. Theo yêu cầu của phóng viên, nhà trường đã cung cấp các văn bản liên quan, các biên bản bình xét thi đua, bình xét dôi dư, biên bản về việc giáo viên cố tình phơi nắng học sinh giờ thể dục, biên bản về việc giáo viên Nguyễn Danh Hiếu có thái độ bất hợp tác, tự ý bỏ cuộc họp mang biên bản về nhà, hồ sơ giáo viên Nguyễn Danh Hiếu cho điểm khống học sinh môn Giáo dục – Quốc phòng an ninh, biên bản cuộc họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 10C7… để phóng viên nghiên cứu. Tuy nhiên, trong bài viết mang tính thiên kiến, cá nhân, chủ quan và chỉ dựa vào đơn của giáo viên, không căn cứ vào những chứng lí khách quan và nhân chứng.
 
Trước hết, PV tạo ra một căn cứ đầy chủ đích để cáo buộc Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường vi phạm nguyên tắc, đó là việc nêu trên báo là “phóng viên làm việc với Hội đồng kỉ luật của trường THPT Lê Hồng Phong”. Trên thực tế, sai phạm của giáo viên Nguyễn Danh Hiếu, nhà trường đã có đủ chứng lí và căn cứ kết luận, tuy nhiên nhà trường chưa đặt vấn đề có kỉ luật hay không? Tất cả các việc xử lí sai phạm của cán bộ, viên chức, giáo viên phải tuân thủ theo một qui trình hết sức nghiêm túc, đúng pháp luật và đúng Điều lệ nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chẳng hiểu vì sao PV được các cán bộ dự họp hội nghị lãnh đạo mở rộng cùng tiếp mà lại nói là làm việc với “Hội đồng kỉ luật” là một sự bịa đặt. Bởi vì, chỉ thành lập Hội đồng kỷ luật (HĐKL) khi tiến hành xem xét kỷ luật. Khi chưa kỷ luật thì sẽ không có HĐKL một cách thường xuyên trong nhà trường. HĐKL chỉ được quyết định thành lập khi phải tiến hành kỷ luật và tự giải tán sau khi xong công việc. Vậy mà không hiểu sao điều đơn giản như thế mà PV cũng không hiểu.?! 
 
Trên thực tế, giáo viên Nguyễn Danh Hiếu cố tình phạt học sinh nữ bằng hình thức chạy 10 vòng là có thật và đã được các học sinh lớp 10 C7 xác nhận. Việc giáo viên Nguyễn Danh Hiếu cố tình phơi nắng học sinh có clip làm bằng chứng. Việc giáo viên Nguyễn Danh Hiếu cố tình phơi nắng học sinh giờ thể dục bất chấp sự can thiệp của Ban Giám hiệu và giáo viên làm nhiệm vụ giám thị là có thực. Không phải chỉ có Hiệu trưởng mà hai Phó Hiệu trưởng của trường và giám thị trực vì trách nhiệm với học sinh phải can thiệp tới 4 lần, lúc đó ông Hiếu mới chấp nhận đưa học sinh vào chỗ mát để tập. Trước việc giáo viên Nguyễn Danh Hiếu dùng hình thức phạt chạy 10 vòng sân với học sinh nữ, cố tình phơi nắng học sinh để xảy ra hậu quả có 4 học sinh phải nghỉ học buổi chiều, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 10 C7 đã có đơn kiến nghị đề nghị nhà trường xử lí nghiêm và tổ chức phiên họp bất thường. Ban đại diện cha mẹ học sinh có mời Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, Ban giám hiệu, đại diện Công đoàn, đại diện Ban Thanh tra nhân dân và giáo viên Nguyễn Danh Hiếu tham dự cuộc họp bất thường này. Vậy mà không hiểu dựa vào đâu PV lại cho rằng, Hiệu trưởng kích động phụ huynh?. Mặt khác, các nhân chứng là phụ huynh và học sinh hoàn toàn có thể cung cấp thông tin cho phóng viên, nếu phóng viên không tin chứng lí do nhà trường cung cấp. Tại sao PV không tự đi tìm hiểu phụ huynh và học sinh?.
 
Về việc rà soát dôi dư, tinh giản biên chế, nhà trường đều thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên.
 
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và tuân thủ các yêu cầu được qui định trong Qui chế dân chủ, nhà trường đã tiến hành triển khai từng bước theo qui trình sau:
 
- Phổ biến, quán triệt các văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ Thành phố Hải Phòng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. 
- Thông báo công khai chỉ tiêu biên chế của nhà trường theo định biên được Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ Thành phố Hải Phòng giao. 
 
Sau đó nhà trường đã triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát dôi dư. Cụ thể: 
 
- Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch rà soát dôi dư, báo cáo Đảng ủy. Nghị quyết của Đảng ủy xác định rõ việc rà soát dôi dư báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo  là nhiệm vụ của trường và thực hiện sự chỉ đạo của ngành. Đảng ủy lãnh đạo về chủ trương. Ban Giám hiệu phối hợp với Công đoàn chỉ đạo thực hiện đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và công bằng. 
- Thực hiện nhiệm vụ rà soát dôi dư, nhà trường đã chấp hành nghiêm Quy chế dân chủ, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và được phổ biến đến tất cả các cán bộ, viên chức, giáo viên. 
- Phổ biến công khai yêu cầu nhiệm vụ rà soát dôi dư đối với hai tổ (có biên chế dôi dư), đó là tổ Ngoại ngữ và Tổ Tin – Thể dục – Quốc phòng an ninh, đồng thời phổ biến  tới toàn thể Hội đồng giáo dục. Để đảm bảo công bằng, dân chủ, nhà trường đã đề ra yêu cầu: Việc xác định người dôi dư phải được thực hiện từ tổ, do tổ đề xuất và giới thiệu. Các căn cứ thực hiện là do tổ chủ động  bàn bạc thống nhất. Ban Giám hiệu hoàn toàn không áp đặt tiêu chí, không can thiệp vào việc giới thiệu tên người dôi dư của tổ.
- Tại các tổ chuyên môn, tất cả các giáo viên đều được thảo luận dân chủ phương thức xác định người dôi dư trước, sau đó mới làm qui trình cụ thể để tìm ra danh sách người dôi dư. 
- Danh sách dôi dư được xác định từ tổ chuyên môn gửi lên Hội đồng tinh giản và rà soát dôi dư nhà trường. Theo kết quả hai tổ báo cáo thì 2 giáo viên do tổ đề xuất là: ông Nguyễn Danh Hiếu (giáo viên môn Thể dục) và bà Phạm Thị Thu Hà (giáo viên môn Tiếng Anh) là các giáo viên có kết quả đánh giá viên chức và điểm thi đua năm học 2015-2016 thấp nhất tổ nên thuộc diện dôi dư. Ngày 01 tháng 9 năm 2016, Hội đồng tinh giản, rà soát dôi dư nhà trường đã họp bỏ phiếu kín đối với danh sách do tổ giới thiệu, đề xuất. Kết quả 100% thành viên của Hội đồng tinh giản rà soát dôi dư của trường đã nhất trí bằng phiếu kín xếp ông Nguyễn Danh Hiếu (giáo viên môn Thể dục) và bà Phạm Thị Thu Hà (giáo viên môn Tiếng Anh) thuộc danh sách giáo viên dôi dư để trình Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu theo Thông báo số 252/TB - SNV ngày 23 tháng 5 năm 2016 và Công văn số 1035/SGD ĐT- TCCB ngày 24 tháng 8 năm 2016. 
 
Như vậy, việc rà soát viên chức dôi dư tại trường THPT Lê Hồng Phong đã được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai. Danh sách dôi dư cũng đã được thông báo công khai để các viên chức được biết. Từ trước đến nay tại bảng công khai đều được dán các nội dung như: xếp loại thi đua, xếp loại công chức, viên chức... hết thời gian qui định mới bóc ra.  Đây là qui định bắt buộc, không phải là lần đầu tiên nhà trường công khai, nên không thể gọi là “bêu riếu” giáo viên.
 
Về bài báo “xếp loại thi đua không căn cứ vào qui chế”, phóng viên đã bất chấp thực tế, thể hiện là người thiếu hiểu biết về ngành Giáo dục và chỉ nói theo người viết đơn. Thực tế, việc xếp loại thi đua của trường THPT Lê Hồng Phong và tất cả các nhà trường đều thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, xếp loại từ tổ chuyên môn rồi mới đến Hội đồng thi đua nhà trường. Bản thân giáo viên Phạm Thị Thu Hà đã mắc khuyết điểm, bỏ 19 tiết làm nhiệm vụ trợ giảng và dạy sai phân phối chương trình. Phóng viên biện hộ rằng, tiết học ngoại ngữ đã có giáo viên người nước ngoài. Vậy nếu không cần giáo viên người Việt Nam làm trợ giảng thì ngành Giáo dục qui định giáo viên trợ giảng làm gì? Theo phóng viên thì người bỏ nhiệm vụ có khuyết điểm không? Giáo viên bỏ giờ, dạy sai phân phối chương trình không gọi là vi phạm qui chế chuyên môn thì gọi là gì?
 
Phóng viên còn cho rằng, xét thi đua theo “qui chế trường tự ban hành”, vậy thì ai sẽ ban hành cho trường THPT Lê Hồng Phong? Qui chế bình xét thi đua, thưởng điểm khi có thành tích, trừ điểm khi vi phạm, thưởng bao nhiêu hoặc trừ bao nhiêu là do các nhà trường tự xây dựng. Qui chế bình xét thi đua là của nội bộ từng trường được thông qua tập thể trước khi thi hành. Vậy thì Trường THPT Lê Hồng Phong đã thực hiện bình xét từ cơ sở tổ lên Hội đồng thi đua trường (theo quy chế) là đúng hay sai?Bản thân giáo viên Phạm Thị Thu Hà đã nhận khuyết điểm và hứa sửa chữa. Sau khi Hội đồng thi đua duyệt nhà trường đã công khai, không có người khiếu nại danh sách mới được báo cáo lên cấp trên. Đến khi bị rơi vào danh sách dôi dư, bà Phạm Thị Thu Hà mới làm đơn kiến nghị về kết quả thi đua và một số nội dung không có căn cứ để cho rằng bị trù dập. Giáo viên Phạm Thị Thu Hà có ưu khuyết điểm gì, có đóng góp gì, có sai phạm gì thì tập thể tổ chuyên môn và Hội đồng giáo dục nhà trường biết và đánh giá công tâm. Với cách làm công khai, dân chủ, quyết định là của tập thể. Nếu căn cứ vào các biên bản các cuộc họp từ tổ đến trường, phóng viên phải thấy rằng, cá nhân Hiệu trưởng làm sao có thể làm thay đổi được kết quả do tập thể đã thông qua? Tiếc rằng phóng viên đã không hề căn cứ vào các tài liệu có giá trị pháp lí, hoàn toàn căn cứ và nội dung đơn của hai người đã được xếp vào danh sách dôi dư để viết bài.
 
Thực hiện tinh giản biên chế là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị của Đảng và nhà nước. Chính phủ đã có quyết định, thành phố Hải Phòng đã có chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ đã có các văn bản gửi đến các đơn vị sự nghiệp giáo dục triển khai nhiệm vụ rà soát dôi dư, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc những giáo viên thuộc diện dôi dư vì quyền lợi của họ mà có phản ứng cũng là điều dễ hiểu...
 
B.B.Đ
.