leftcenterrightdel
 Khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai ngày càng tinh vi. Ảnh: Nam Phong

Theo tìm hiểu, hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép có biểu hiện diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi hơn. Các đối tượng khai thác cát “lén lút” đưa phương tiện ra ngoài khu vực được cấp phép để hút cát hoặc đưa phương tiện không được cấp phép vào khu vực mỏ được cấp phép nhằm “che mắt” lực lượng chức năng. Không những thế, trên các phương tiện còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, cảnh giới.

Là người dân sống lâu năm ven sông Đồng Nai, ông Võ Văn P. (ngụ ấp 2, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Hằng đêm từ 0 giờ đến 2 giờ sáng, là thời điểm các thuyền hút cát trái phép hoạt động rầm rộ nhất. Khi nghe tiếng máy nổ từ các ghe hút cát, tôi rọi đèn phát hiện nhiều người cùng các phương tiện đang hút cát từ lòng sông lên, tôi lập tức báo cho chính quyền. Sau đó, lực lượng công an, dân quân xuống thì các đối tượng nhanh chóng điều khiển phương tiện chạy qua bên kia sông thuộc địa phận TP.HCM. Tình trạng này cứ lặp đi, lặp lại trong thời gian dài khiến nhiều diện tích vườn nhà tôi đã bị sạt lở xuống sông”, ông P. cho hay.

leftcenterrightdel
 Nhiều diện tích đất bị sạt lở nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát. Ảnh: Nam Phong

Nhiều hộ dân sống tại đây cũng cho biết, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị chính quyền có biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng hút cát vẫn diễn ra ngang nhiên. “Tôi và bà con ở đây vẫn tiếp tục kiến nghị chính quyền các cấp cần có biện pháp mạnh để chặn đứng việc hút cát trái phép. Nếu không ngăn chặn được nạn hút cát trái phép thì không bao lâu nữa đất vườn và kể cả căn nhà đang ở của tôi cùng nhiều hộ dân khác có nguy cơ bị sạt lở xuống sông”, Bà H. một người dân sống ven sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Đại Phước lo lắng.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã xâm nhập và ghi nhận nhiều điều “bất thường” tại khu vực cảng SP-ITC (dân địa phương gọi là Cù Lao ông Cồn, hay còn gọi cù lao xã Đại Phước). Đứng trong đất liền từ Cồn này nhìn ra thì một bên là Cục cảnh sát Thủy đoàn III, bên kia là cảng SP-ITC, tuy nhiên điều lạ là khu vực khai thác cát cách không xa 2 vị trí cơ quan quản lý trên.

leftcenterrightdel
 Liệu có tình trạng "bảo kê" cho hoạt động khai thác cát trái phép tại đây?. Ảnh: Nam Phong

Tiếp đó, khoảng 23 giờ ngày 11/10 nhóm phóng viên dùng thuyền áp sát khu vực khai thác cát và ghi nhận khu vực tại đây có 2 chiếc sáng cạp. Một chiếc đang trong tư thế chuẩn bị hoạt động biển số bị che khuất chiếc còn lại mang biển kiểm soát SG-3284 hì hục kéo những gầu cát đưa lên sà lan, tiếng máy nổ gầm rú.  Khi nhóm “cát tặc” phát hiện chúng tôi, lập tức những chiếc vỏ lãi xuất hiện áp theo và mở đèn pin quan sát. Chúng tôi cất giấu phương tiện quay phim nhưng những chiếc ghe này vẫn bám sát theo sau ghe cho đến khi chúng tôi rời khỏi khu vực này. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết việc quay phim, ghi hình ở đây rất nguy hiểm cả dưới nước lẫn trên bờ đều luôn có “bảo kê” sẵn sàng chống trả khi phát hiện khả nghi. Buổi tối là vậy, nhưng vào khoảng  9 giờ 30 phút sáng thì cũng chiếc xáng cạp này lại múc đất lên sà lan nhằm che mắt người dân và lực lượng chức năng.

Theo tìm hiểu, khu vực dọc sông Đồng Nai địa bàn xã Đại Phước có nhiều điểm thu mua cát hình thành, trở thành đường dây khép kín tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, mua bán cát dễ dàng. Thiết nghĩ cần có sự phối hợp thanh tra liên ngành của các cơ quan ban ngành để có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực này.

Để làm rõ những hành vi khai thác cát tại khu vực nêu trên, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Nhơn Trạch và Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai, nhưng chưa nhận được câu trả lời từ các cơ quan này. Liệu có tình trạng “bảo kê” hay “lờ” đi để nhóm đối tượng ngang nhiên khai thác cát? Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.

Nam Phong