Chưa chụp mạch đã “gợi ý”… đặt stent

Theo tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành Tim mạch ban hành kèm theo Quyết định số 3983/QĐ-BYT ngày 3/10/2014 của Bộ Y tế, chụp động mạch vành là thủ thuật cơ bản trong quy trình can thiệp về tim mạch, mục đích đánh giá tình trạng, những tổn thương của hệ động mạch vành (hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối…), trên cơ sở đó bác sĩ điều trị sẽ có những chỉ định phù hợp và khuyến cáo cho người bệnh lựa chọn giải pháp can thiệp đặt stent hoặc điều trị nội khoa. Trong khi đó ở Khoa Nội tim mạch- BVĐK Bình Định, bác sĩ điều trị dường như luôn có tư tưởng đặt stent, kể ca khi chưa thực hiện chụp động mạch vành cho BN!?

Bệnh nhân N.T.L (70 tuổi), ở huyện Tây Sơn, Bình Định bị suy tim mạn tính độ 3, nhập Khoa NTM ngày 12/4/2019. Anh L.V.T, người nhà BN cho biết, khi mới chỉ được siêu âm, chưa thực hiện chụp động mạch vành, bác sĩ điều trị đã gợi ý, đề nghị người nhà BN ký giấy cam kết và ứng tiền để đặt stent. Thông tin này được chúng tôi kiểm chứng qua đoạn băng ghi âm, được anh T. cung cấp.

Vì sao chỉ mới hoài nghi tim của bệnh nhân L. có vấn đề qua siêu âm, trong khi chưa xác định tình trạng mạch vành và cũng chưa tư vấn để người nhà BN để lựa chọn giải pháp điều trị tiếp theo, bác sĩ đã gần như đã “áp đặt” việc đặt stent? Trước câu hỏi của PV, TS.BS Lê Thành Ấn – Trưởng Khoa NTM, giải thích, tư vấn đó của bác sĩ Tâm, là “bác sĩ điều trị nội tim mạch chứ không phải bác sĩ thủ thuật, chỉ làm nhiệm vụ tư vấn ban đầu và tư vấn khi bệnh nhân còn trong giai đoạn khám bệnh…”.

Ông Ấn thừa nhận, “giải thích của bác sĩ Tâm mới nghe rất phản cảm, giống như bác sĩ mặc định và “ép” bệnh nhân phải tạm ứng tiền và đặt stent...”. Tuy nhiên theo ông việc thông báo cho người nhà chuẩn bị tiền trước chỉ có lợi cho người bệnh. Vì trong quá trình chụp mạch nếu phát hiện mạch vành bị tổn thương nặng, khi đó người bệnh chấp nhận lựa chọn giải pháp đặt stent theo tư vấn của bác sĩ thì kết hợp làm luôn,… đỡ tốn kém cho người bệnh (!?).

Hội chẩn bệnh… qua điện thoại

Hội chẩn là hình thức tập trung chuyên môn, kinh nghiệm, trí tuệ của người thầy thuốc để cứu chữa người bệnh trong những trường hợp khó chẩn đoán xác định nguyên nhân bệnh, tiên lượng dè dặt, các trường hợp người bệnh cấp cứu, có chỉ định phẫu thuật…

Do tính chất quan trọng của công tác hội chẩn nên Quy chế hội chẩn được ban hành theo Quyết định số 1895/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế, quy định: “Hội chẩn phải được chuẩn bị chu đáo và đảm bảo thủ tục theo quy định”; và tất cả các hình thức hội chẩn (Hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, hội chẩn toàn bệnh viện, hội chẩn liên bệnh viện) đều phải có sự hiện diện của bác sĩ trưởng khoa có người bệnh, trong đó riêng hội chẩn khoa và hội chẩn liên khoa phải do bác sĩ trưởng khoa trực tiếp chủ trì hội chẩn.

leftcenterrightdel
 BN Nguyễn Hùng Châu, 67 tuổi, trú 284 Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bị tử vong ngay trong phòng điều trị trước sự chứng kiến của các bệnh nhân điều trị nội khoa. Trong ảnh, người nhà bệnh nhân đang ngồi bóp bóng trong sự tuyệt vọng.

Quy định như vậy, nhưng ở Khoa NTM Bệnh viện đa khoa Bình Định, nguyên tắc này đã không được tuân thủ nghiêm ngặt, thí dụ như trường hợp đối với BN Lê Quang Vinh, 63 tuổi, ở xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Bình Định (báo BVPL đã có bài đề cập chi tiết). Quy trình hội chẩn được thực hiện trong trường hợp này có thể nói, rất qua loa… Trong khi trước đó, BN này không được can thiệp kịp thời, phải nằm chờ suốt 14 tiếng đồng hồ vì lý do đã qua “thời gian vàng”.

Sau khi can thiệp, sức khỏe BN Vinh trải qua có ít nhất 4 lần tai biến, rất cần được hội chẩn kịp thời, nghiêm túc và có trách nhiệm để có thể cứu chữa BN hiệu quả. Thế nhưng theo bác sĩ trực tiếp can thiệp và bác sĩ tua trực cho biết, tất cả những lần hội chẩn ở các cấp độ, quy trình hội chẩn đối với trường hợp BN Vinh chủ yếu được thực hiện qua điện thoại với Trưởng khoa TS.BS. Lê Thành Ấn.

Tại buổi làm việc với PV, ông Ấn xác nhận, khi xử lý can thiệp cho BN Vinh, ông có việc ở quê nên chỉ đạo từ xa…

Điều kiện hạ tầng y tế để cứu chữa người bệnh không đảm bảo?

Theo tìm hiểu, thông thường ở các cơ sở y tế, bên cạnh Khoa Nội tim mạch đều có các bộ phận Hồi sức phẫu thuật tim, Cấp cứu can thiệp động mạch vành,.. thì ở BVĐK tỉnh Bình Định quy trình can thiệp tim mạch (chụp động mạch vành, đặt stent) đối với người bệnh được thực hiện bởi duy nhất Khoa NTM, với quy trình dừng lại ở công đoạn can thiệp phẫu thuật.

Trong khi đó theo tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành Tim mạch ban hành kèm theo Quyết định số 3983/QĐ-BYT ngày 3/10/2014 của Bộ Y tế, sau can thiệp nếu xảy ra tai biến (thủng, vỡ động mạch vành hoặc tràn máu màng tim do thủng tim), bên cạnh biện pháp chọc dẫn lưu máu màng tim cấp cứu, bơm bóng cầm máu đảm bảo khối lượng tuần hoàn… cần liên hệ ngoại khoa phẫu thuật xử lý lỗ thủng.

Bác sĩ Ấn thừa nhận, trong trường hợp BN tai biến như các tình huống nói trên, bệnh viện đành… bó tay!. Điều có nghĩa, trong số các trường hợp tử vong sau tai biến, không loại trừ khả năng BN chết oan do thiếu điều kiện hạ tầng y tế.

Người thực hiện bài viết này đã mục sở thị trường hợp tử vong của BN Nguyễn Hùng Châu, 67 tuổi, ở 284 Tăng Bạt Hổ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, xảy ra vào ngày 21/4. Trước đó, sau khi được ekip bác sĩ (do chính BS Ấn thực hiện) “cấy” vào người 2 stent, BN Châu đột ngột bị biến chứng thủng mạch vành, máu tràn màng ngoài tim… rất cần được cấp cứu bằng các thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên vì không có bộ phận Hồi sức cấp cứu sau can thiệp, nên BN Châu vẫn phải nằm tại buồng điều trị để các điều dưỡng “cấp cứu”, trong sự chứng kiến đầy tuyệt vọng của người nhà BN.

Từ cái chết của BN Châu cũng có thể hiểu nhiều trường hợp tử vong sau tai biến trước đó cũng đều rơi vào cảnh ngộ tương tự. Giá như tại đây có các bộ phận/khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Tim mạch can thiệp thì người bệnh sau can thiệp xảy ra tai biến có quyền hy vọng sẽ kéo dài sự sống, thậm chí sẽ được cứu sống, cho dù nguyên nhân tử vong còn nhiều tranh cãi.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Việt Mỹ - Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định (vừa nghỉ hưu từ 1/7/2020) và ông Lê Thành Ấn đều thừa nhận, quy trình chăm sóc BN sau can thiệp như trường hợp BN Nguyễn Hùng Châu là một thực tế đã và đang diễn ra tại khoa Nội tim mạch BVĐK tỉnh Bình Định. Nguyên nhân, theo ông Mỹ là do nguồn lực tài chính khó khăn, Bệnh viện chưa thể đầu tư các trang thiết bị cấp cứu để chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân…

Như vậy nguyên nhân dẫn tới BN bị tử vong với tần suất dày tại Khoa NTM- Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, có thể nói có phần trách nhiệm của người đứng đầu khoa này khi chỉ định can thiệp trong điều kiện cơ sở hạ tầng y tế không bảo đảm cho việc cứu chữa bệnh nhân.

Nhóm PV