Mặt bằng kinh doanh của những doanh nghiệp này chỉ vài m2, làm giám đốc, nhưng tự tay những ông, bà chủ này phải cắt từng lạng thịt, nhặt bó rau, cọng hành để bán cho khách hàng.



Những sạp thịt, cá, rau củ này từ ngày trở thành những doanh nghiệp, người dân phải chịu thêm nhiều khoản thuế, như thuế doanh nghiệp, thuế môn bài, các loại biểu phí hành chính khác … cộng thêm với các khoản chi vốn có như mặt bằng, hàng hóa… tăng cao làm cho tình hình kinh doanh  cũng khó khăn hơn.

Song việc được làm giám đốc cũng khiến những giám đốc ở đây lạc quan. Ông Nguyễn Thanh Sang, giám đốc doanh nghiệp Hùng Cẩm, chuyên cung cấp các loại rau thịt, cho biết: “Kể từ ngày lên doanh nghiệp tư nhân, bà con ở đây yên ổn làm ăn, không còn bị cấm đoán, vậy cũng mừng lắm rồi.  Dù lợi nhuận có phần giảm vì nhiều chi phí phát sinh, song nhiều nhà đã gắn bó, sống với nghề buôn bán nông sản từ nhiều năm, nên giờ nếu nhà nước mà không cho bán thì bà con cũng không biết làm gì nữa”.

Nguyên nhân của câu chuyện cả xóm cùng làm giám đốc này là do nhiều hộ dân ở con đường này lâu nay vẫn sống bằng bán lẻ nhiều mặt hàng khác nhau. Giữa năm 2010, vì lí do dẹp chợ tự phát, giữ gìn văn minh đô thị, các hộ mua bán ở đây nhiều lần bị các lực lượng chức năng của phường xuống thu giữ tài sản, lập biên bản xử lí, cấm mua bán.

Để tránh bị cấm đoán và hợp pháp việc mua bán để mưu sinh, các hộ dân ở đây cùng lên Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố xin giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân. Thế là hàng loạt các công ty bán cá, bán thịt, bán rau củ quả ở đây ra đời, mà nhân viên, giám đốc cũng chỉ là một.
 

Theo Tri Thức

.