Không còn nhiều và phổ biến như những năm 80, 90 của thế kỷ trước, xích lô hiện vẫn có thể dễ dàng được bắt gặp tại khu chợ Bến Thành hay khu “Tây ba-lô” Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão (TP.HCM)… chủ yếu phục vụ cho khách du lịch.

 


Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, xích lô là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị cũng như trước tình trạng xích lô lợi dụng khách nước ngoài để ép giá, “chặt chém” gây mất lòng tin của khách đối với người đạp xích lô. Những việc này đã ảnh hưởng khá nhiều đến công việc, “chén cơm” của không ít lao động chân chính.

Bức xúc trước tình cảnh này, chú Hiếu, một người đạp xích lô lâu năm ở đường Bùi Viện cho hay: “Người ta sống sao tôi không biết, chứ chúng tôi ở đây đi với giá đàng hoàng, nhưng bị ảnh hưởng tiếng xấu nên mình đưa ra giá nào khách cũng nghi ngại. Có khi cả ngày không được “cuốc” nào. Từ đây (ngã tư Đề Thám-Phạm Ngũ Lão - PV) đến Nhà thờ Đúc Bà 50.000 đồng mà cũng ít ai chịu đi”.

Bác Vĩnh, 80 tuổi - người gốc Bình Phước, đạp xích lô gần 30 năm ở chợ Bà Chiểu. Bác lên Sài Gòn từ năm 1988, sống tá túc nhờ nhà người quen, bắt “chân” vào nghề đạp xích lô khi đã hơn 50 tuổi. Sau 1 năm làm việc cật lực bác đã đón vợ và 2 người con lên theo.

Xúc động khi nhớ về khoảng thời gian sống bằng nghề này, bác Vĩnh nghẹn ngào: “Chính nhờ nghề xích lô mà gia đình đã được nuôi sống suốt gần 20 năm. Kỷ niệm tôi nhớ nhất là khi mới lên thành phố đó là những buổi khuya không có khách, đạp xe lang thang ở Sài Gòn, nhớ vợ con, buồn vì không có khách, không đủ tiền, nhiều tâm trạng không tả được... Giờ nhớ lại, thiệt tui vừa ớn lạnh vừa biết ơn nghề này”. Mỗi khi nhớ về khoảng thời gian khốn khó đó, ông vẫn không khỏi bồi hồi xen lẫn tự hào khi giờ đây con cái của ông đã thành đạt, nên người.

Chiếc xích lô cũng như người bạn tâm giao, phần vì đó là phương tiện kiếm cơm, phần vì gắn bó biết ơn, gần gũi. Cảm xúc này có lẽ ai trong hoàn cảnh mới thấu hiểu được.

TP.HCM đã có quy định về việc hạn chế phương tiện thô sơ, cồng kềnh nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe, trong đó có xích lô. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên để xích lô biến mất hoàn toàn khỏi đời sống đô thị, vì nó là một phần của lịch sử, văn hóa và cả thói quen của người dân, du khách.

Xích lô cũng như con người nơi đây, từng trải qua những thăng trầm của lịch sử để tồn tại đến bây giờ. Và, nó cũng có thể là một nhân chứng sống động cho sự tồn tại, phát triển của Sài Gòn nói chung và con người trên mảnh đất này nói riêng.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.