|
|
Cá nhập tại Cảng Nhật Lệ. Ảnh: YN |
Theo đề nghị của Bộ Tài chính cũng như các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, ngày 29/9/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1880 QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Tại “Điều 1, nhóm 4, điểm a” có xác định đối tượng thiệt hại là “Tổ chức, cá nhân có địa điểm kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển trực tiếp thu mua, sơ chế thủy sản từ các tàu cá, cảng cá, bến cá, chợ cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển”.
Trong quá trình thực thi Quyết định 1880, UBND tỉnh Quảng Bình đã không đưa 18 hộ kinh doanh vào đối tượng được bồi thường vì cho rằng, Cảng cá Nhật Lệ không thuộc “các xã, phường, thị trấn ven biển”.
Cho rằng việc làm của UBND tỉnh Quảng Bình không đúng, không thỏa đáng, 18 hộ kinh doanh đã nhiều lần làm đơn kiến nghị và khiếu nại, nhưng kết quả không thay đổi.
Về lý, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình (cụ thể ở đây là Sở NN & PTNT mà đại diện người ký nhiều văn bản trả lời cũng như chủ trì đối thoại, trả lời báo chí là ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở) đã trả lời không đúng khi gom tất cả 18 hộ kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ không thuộc nhóm đối tượng được điều chỉnh bởi Điều 1, nhóm 4, điểm a của Quyết định 1880. Xin thưa, trong số 18 chủ cơ sở kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ có 3 chủ có hộ khẩu thường trú, điểm kinh doanh tại xã Bảo Ninh là xã ven biển gồm: ông Nguyễn Văn Chấn, bà Nguyễn Thị Hà và bà Hoàng Thị Nhung và hộ bà Võ Thị Sa có hộ khẩu tại phường (ven biển) Hải Thành, TP Đồng Hới.
Trước những bất cập của Quyết định 1880 như đã nêu trên, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã tham mưu và được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý bổ sung các đối tượng được bồi thường hoạt động sản xuất kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ tại Thông báo 506/TB-VPCP ngày 30/10/2017. Như vậy, với Thông báo này, 18 cơ sở kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ hoàn toàn được bồi thường theo quy định tại Quyết định 1880. Nhưng, UBND tỉnh Quảng Bình vẫn không chấp hành, vì sao vậy?
Theo cách trả lời của ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình với Báo Thanh tra ngày 16/1/2018: ngày 29/11/2017 Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 1826 (về việc xử lý hàng hải sản tồn đọng và các đối tượng tồn đọng khác tại địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển), văn bản này chỉ có hướng dẫn hỗ trợ cho đối tượng là người lao động mà không hỗ trợ cho chủ hộ kinh doanh thu mua hàng hải sản. Có nghĩa là, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ hỗ trợ cho các đối tượng là người lao động làm việc tại 18 cơ sở kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ.
Một cán bộ thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, nhận định như vậy là sai, bởi lẽ chủ 18 cơ sở kinh doanh trên đương nhiên được bồi thường bởi Quyết định 1880. Và ngay chính tại Điều 1 Văn bản 1826 có quy định hỗ trợ cho chủ cơ sở có hàng hải sản tồn đọng khi đảm bảo tiêu chí “có hóa đơn, chứng từ hoặc bằng chứng xác thực chứng minh được thu mua trên địa bàn trong giai đoạn xảy ra sự cố môi trường biển, không tiêu thụ được”. Trả lời như ông Lợi là phiến diện, bỏ qua mục a (hàng hải sản tồn đọng) mà chỉ nói mục b (người lao động).
Trong quá trình đi đòi công lý, 18 cơ sở trên đã nhiều lần có đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, nhưng chưa khi nào UBND tỉnh Quảng bình giải quyết đơn khiếu nại của các chủ cơ sở theo quy định của Luật Khiếu nại (không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, vi phạm Khoản 3, Điều 6 Luật Khiếu nại).
Vì sao đã biết rõ 18 hộ kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển, nhưng Quảng Bình vẫn không giải quyết cho họ, mặc dù Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo cụ thể; thậm chí địa phương này còn có biểu hiện vi phạm pháp luật về giải quyết khiếu nại? Đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cần vào cuộc làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Yến Nhi/Thanh tra