(BVPL) - Thời gian gần đây dư luận đã lên án mạnh mẽ việc công ty cổ phần Minh Anh đã tự ý xẻ núi nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long để làm đường, gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của Vịnh Hạ Long. Nhưng, dưới góc nhìn vì quốc kế, dân sinh của làng chài Hà Phong và dự án phát triển kinh tế biển, người dân và doanh nghiệp cần sự đánh giá khách quan của công luận.
Tháng 6/1014, UBND TP Hạ Long đã hoàn thành dự án xây dựng khu định tái định cư cho hơn 300 hộ dân với trên 1.500 nhân khẩu. Số dân này là những người sống lênh đênh trên biển Vịnh Hạ Long, nay được đưa về tập trung sinh sống tại khu 8 phường Hà Phong mà người dân địa phương vẫn quen gọi là Làng chài Hà Phong. Tại đây bà con làng chài được ở trong những căn nhà tiện nghi, sạch đẹp, có điện, có nước. Trẻ nhỏ được đến trường học chữ, người lớn được tạo điều kiện học nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống mới. Tuy cuộc sống trên bờ có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cuộc sống mưu sinh của bà con làng chài vẫn chủ yếu dựa vào công việc chính là đi biển đánh bắt hải sản trên biển. Do vậy vẫn còn đó những khó khăn trong cuộc sống thường ngày, như: việc từ nhà đi ra đến cửa biển còn xa (khoảng 3,8km); việc đi biển lại còn phải phụ thuộc vào con nước thủy triều, nước lên thì mới đi và về được. Chính vì khó khăn trên mà đã có một số hộ dân có tư tưởng trở lại với môi trường sống dưới biển, như trước đây họ đã từng sống qua nhiều thế hệ.
Liền kề với làng chài Hà Phong, công ty cổ phần Minh Anh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 1054 /QĐ-UBND ngày 26/05/2014, với diện tích đã được phê duyệt trên 324 ha. Dự án này có địa hình đa dạng, bao gồm núi đá, mặt biển, các hòn đảo lớn nhỏ. Khi đi nghiên cứu, khảo sát phải mất rất nhiều thời gian và nguy hiểm; muốn tiếp cận khu vực phía Tây Nam dự án, phải đi bằng thuyền trên biển, mất chừng vài tiếng đồng hồ.
Từ những khó khăn trong việc khảo sát thực địa và khó khăn của bà con làng chài như trên, công ty Minh Anh đã mạnh dạn cho cải tạo lại con đường mòn mà bà con ngư dân vẫn thường đi bộ để đi ra biển. Con đường có độ dài chừng khoảng 700m. Do suy nghĩ tự bỏ tiền ra đầu tư đường cho dân đi và cũng là đường vào dự án, lãnh đạo Công ty Minh Anh đã không làm các thủ tục báo cáo, xim phép các cơ quan quản lý nhà nước nên khi con đường chưa được hoàn thành thì nó đã là một điểm nóng được dư luận quan tâm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hạ Long đã phải cử nhiều đoàn xuống kiểm tra và chỉ đạo cho dừng lại. Hiện nay công ty Minh Anh đã cho hoàn nguyên và trồng cây xanh che phủ, đồng thời đã lập quy hoạch bổ sung mở rộng con đường này.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Kỵ - cán bộ mặt trận khu 8, đại diện cho bà con Làng chài, phường Hà Phong cho biết:
Bà con làng chài ở đây rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh, đã cấp đất, xây nhà và đưa chúng tôi lên đây sinh sống. Làng chài Hà Phong hiện có 328 hộ dân với dân số trên 1.500 người. Cuộc sống của người dân chúng tôi vẫn chủ yếu là đi biển đánh bắt hải sản. Hiện nay từ chỗ ở của bà con đi ra đến cửa biển (Vụng Vông) phải mất 3,8 km, mà việc đi lại còn phải phụ thuộc vào con nước thủy triều, nước lên mới đi lại được. Còn con đường công ty Minh Anh cải tạo nâng cấp là con đường mòn cũ, nếu đi con đường này thì từ làng chài ra cửa biển chỉ mất có 1,5 km mà lại không phải phụ thuộc vào con nước, dân thích đi biển và về bất kể khi nào cũng được. Tôi còn được biết là UBND TP Hạ Long cũng có quy hoạch mở rộng con đường mòn này và cũng có kế hoạch lạo vét luồng lạch từ cửa biển vào làng chài để cho bà con chúng tôi đi biển được thuận tiện. Nhưng làm được việc này sẽ phải mất rất nhiều tiền và còn phải chờ thêm thời gian dài nữa. Vậy người dân chúng tôi ủng hộ việc doanh nghiệp cải tạo con đường trên, nó vừa có tốt cộng đồng dân cư làng chài, vừa tiết giảm kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Còn ông Đào Văn Thành – giám đốc công ty Minh Anh cho biết: Phần con đường là phần phần đất nằm trong dự án của công ty chúng tôi, đây là một dự án lớn với diện tích mặt bằng trên 324 ha, bao gồm 5 khu chức năng gồm: Tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái, hậu cần nghề cá, khu dân cư và khu tái định cư; với số vốn đầu tư khoảng 2000 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ tạo một điểm sáng của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, đặc biệt là những bà con làng chài Hà Phong. Tuy nhiên dự án này nằm trên địa hình đa dạng, bao gồm núi đá, mặt biển, các hòn đảo lớn nhỏ, các nhà nghiên cứu, khảo sát phải mất nhiều thời gian đi lại. Chúng tôi nâng cấp con đường trên vì 3 lý do: Một là: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại khảo sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; Hai là: Giúp bà con làng chài có một con đường đi lại thuận tiện trong cuộc sống mưu sinh của mình; Ba là: Cũng muốn giúp ngân sách tỉnh bớt được vài chục tỷ đồng để cạo con đường này và lạo vét luồng lạch phục vụ cho việc đi lại của bà con làng chài đã được quy hoạch.
Như vậy với việc doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm con đường trên, trước tiên nó đã đem lại lợi ích thiết thực được cho nhiều phía như người dân, doanh nghiệp và tiết kiệm chi từ ngân sách nhà nước. Dù việc cải tạo đường chưa xin phép và được sự nhất trí của cơ quan thẩm quyền, nhưng nó phù hợp với quy hoạch tổng thể chung thì ta chúng ta cũng nên ủng hộ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn việc cải tạo con đường này có ảnh hưởng xấu như thế nào đến tổng thể cảnh quan Vịnh Hạ Long, thì chúng ta cũng nên chờ cơ quan chuyên môn đánh giá và kết luận.
Mạnh Cường