(BVPL) - Dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là nơi có thể giải quyết cho những người có nhu cầu tài chính nhỏ, không đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng. Thủ tục nhanh, gọn, thế nhưng nhiều hệ lụy, tệ nạn xã hội lại đang phát sinh từ hoạt động này. Mặc dù luật đã quy định rõ nhưng để xử lý được là điều không dễ, vì thế mà các hiệu cầm đồ mọc lên khắp nơi. Không chỉ vi phạm ngay từ những lời quảng cáo, lãi suất vay cầm cố tại các hiệu cầm đồ cũng cao hơn quy định. Khách hàng đã trót cầm đồ thì nguy cơ cửa mất, nhà tan gần như chắc chắn.
Tờ rơi, quảng cáo cho vay cầm cố được dán khắp mọi nơi, chỗ nào cũng quảng cáo cho vay với lãi suất thấp... Những lời quảng cáo dụ dỗ ngon ngọt này là vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật, Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký xe được nhiều khách hàng dùng để cầm cố, là những giấy tờ tùy thân cấm cho người khác sử dụng, quản lý.
Trong vai một người đi cầm đồ máy tính, chúng tôi được chủ hiệu cầm đồ cầm ngay với giá 1.000.000 đồng, lãi 5.000 đồng/ngày. Tính ra, với lãi suất 5.000 đồng/ngày/triệu đồng, các hiệu cầm đồ cho vay với mức lãi “cắt cổ” tương đương 15%/tháng và 180%/năm, cao gấp 20 lần so với mức lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước quy định. Rõ ràng, các hiệu cầm đồ không chỉ vi phạm lãi suất, vi phạm thủ tục nhận cầm đồ mà còn vi phạm loại tài sản cầm đồ. Dù các vi phạm này khá phổ biến nhưng chưa bị cơ quan chức năng xử lý. Một chủ cơ sở cầm đồ cho hay: “Khi có đầy đủ điều kiện kinh doanh cầm đồ gồm: Giấy phép kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, có cửa hàng, kho bãi…, tôi mở cửa hàng cầm đồ. Quá trình hoạt động khoảng 1 – 2 năm nay không có cơ quan nào đến kiểm tra về vấn đề lãi suất…”. Một điểm nữa theo lời ông chủ cầm đồ này thì mức lãi suất áp dụng đối với giao dịch đều do các bên thỏa thuận miệng với nhau mà không có bất kỳ giao kèo nào cả. Vì thế, mọi vụ tranh chấp không thể xử lý hình sự được nên các cơ sở cầm đồ tha hồ vi phạm với lý do “kiện cáo còn lâu mới giải quyết được”.
Cũng theo lực lượng chức năng, liên quan đến dịch vụ cầm đồ Luật Đầu tư năm 2014 quy định, danh mục ngành nghề có điều kiện; Nghị định số 72/2009 quy định, Ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự; Nghị định số 167/2013 về xử phạt cho vay cầm cố quá lãi suất; Thông tư 33/2010 hướng dẫn Nghị định 72. Tuy nhiên, nội dung những văn bản này còn chồng chéo, không quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, chưa rõ ràng về quy chế phối hợp giữa các cơ quan, công tác thanh tra, kiểm tra sau khi cấp phép đăng ký kinh doanh cũng không được thường xuyên, sát sao dẫn đến hoạt động cầm đồ vẫn còn cơ hội để hoành hành.
Tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, hành vi nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu hoặc đăng ký nhưng không có các giấy tờ đó; cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định chỉ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng; hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng…
Theo chân lực lượng công an đến các hiệu cầm đồ, có thể thấy các lỗi vi phạm hành chính ở các cửa hiệu cầm đồ là khá phổ biến. Thế nhưng, cũng chỉ xử lý được vi phạm hành chính dù các cơ sở này cho cầm cố cả xe không chính chủ, thiếu giấy ủy quyền. Còn nhiều hoạt động ngầm liên quan đến doanh thu, cất giữ tài sản, lãi suất thực tế... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.
Mùa Euro 2016 đã đến cũng là thời điểm để các cửa hàng cầm đồ kinh doanh phất lên “như diều gặp gió”. Bên cạnh những cửa hàng cầm đồ làm ăn đúng pháp luật, vẫn có những cửa hàng nhân cơ hội để trục lợi. Người đi cầm đồ vừa phải trả lãi cắt cổ, vừa lo ngay ngáy đồ bị “luộc”… Để hạn chế những lỗ hổng trong lĩnh vực cầm đồ, không để dịch vụ cầm đồ biến thành nơi tiêu thụ của gian thì bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người kinh doanh dịch vụ cầm đồ nắm chắc để từ đó tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực cầm đồ, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, biến tướng của loại hình kinh doanh phức tạp này, nếu cần thiết thì rút giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, cần hạn chế việc cấp giấy phép kinh doanh cầm đồ một cách ồ ạt, đồng thời có phương thức tổ chức để hệ thống ngân hàng mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh cầm cố, một lĩnh vực kinh doanh hợp pháp của giới doanh nghiệp này.
PV